Khác biệt trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung

05:30' - 24/12/2018
BNEWS Dù Mỹ và Trung Quốc đều khẳng định sẽ không leo thang cuộc chiến thương mại, truyền thông Hong Kong cho rằng quan điểm của hai bên về khả năng hóa giải hoàn toàn những mâu thuẫn này vẫn xa vời.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 2 phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 3 trái). Ảnh: AFP/TTXVN

Tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Argentina đầu tháng 12 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đạt được đồng thuận trong việc tạm ngừng chiến tranh thương mại, hoãn nâng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ đối phương và hai bên sẽ tiến hành đàm phán thương mại trong vòng 90 ngày.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trước đó, Tổng thống Trump không tham dự và thế vào đó là Phó Tổng thống Mike Pence. Mâu thuẫn Mỹ-Trung lại một lần nữa diễn ra căng thẳng tại hội nghị này, khiến cho APEC lần đầu tiên không ra được tuyên bố chung kết thúc hội nghị. 

Tổng thống Trump cũng nhiều lần đe dọa trên Twitter sẽ leo thang cuộc chiến thương mại. Vì vậy, việc hai bên vẫn có thể đạt được đồng thuận về việc “ngừng bắn” trong bầu không khí này đã khiến dư luận rất bất ngờ.

Tờ Thương báo (Hong Kong) nhận định, lý do chính dẫn tới quyết định hòa hoãn của lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc là bởi hai bên đều mong muốn tạm thời gạt bất đồng sang một bên, tránh đề cập tới những khúc mắc mang tính cơ cấu để tìm kiếm lợi ích chung. Đặc biệt, đối với Tổng thống Trump, việc ông sẵn sàng tạm “lui binh” chủ yếu còn xuất phát từ những cân nhắc chính trị. 

Sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ, đảng Cộng hòa không còn chiếm đa số ghế ở Hạ viện, thêm vào đó là sự sụt giảm gần đây trên thị trường chứng khoán Mỹ khiến cho sự thịnh vượng kinh tế mà ông Donald Trump luôn tự hào không thể bền vững do chiến tranh thương mại. 

Trong cân nhắc ưu tiên việc liên nhiệm, nhiệm vụ cấp bách là cần củng cố sự ủng hộ của các tiểu bang nông nghiệp và các doanh nghiệp xuyên quốc gia đã bỏ phiếu cho ông trước đó. Do đó, lựa chọn chiến lược của ông Trump là tìm kiếm sự nhượng bộ của Trung Quốc trong việc mua các sản phẩm công-nông nghiệp Mỹ và mở cửa thị trường, đồng thời duy trì sự linh hoạt trong việc gây sức ép đối với Trung Quốc. Trong tương lai, ông Trump chắc chắn sẽ áp dụng cách tiếp cận từng bước, buộc Trung Quốc phải thực hiện “thương mại công bằng”, qua đó dọn đường cho việc đắc cử nhiệm kỳ hai.

Về phía Chủ tịch Tập Cận Bình, ông hy vọng vừa ổn định quan hệ Mỹ-Trung, vừa có thể duy trì được “vạch giới hạn”. Dưới tiền đề này, Trung Quốc mới sẵn sàng đưa ra danh sách nhượng bộ trước áp lực không ngừng của Mỹ, qua đó giảm thiểu khác biệt giữa hai bên. Tuy nhiên, trong việc kiên trì tiến trình toàn cầu hóa và chiến lược “Vành đai và Con đường”, Bắc Kinh chắc chắn sẽ không nhượng bộ Mỹ.

Điều đáng chú ý, mặc dù cục diện căng thẳng của thương chiến Mỹ-Trung tạm thời được giải tỏa sau cuộc gặp Trump-Tập nhưng tình hình vẫn không mấy lạc quan. 

Trước hết, sức tấn công của Mỹ đối với Trung Quốc vẫn còn mạnh mẽ, bởi thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã tăng 11,5% trong 10 tháng đầu năm. 

Thứ hai, Mỹ luôn cảnh giác với tham vọng “Sản xuất ở Trung Quốc 2025”. Trong danh sách áp thuế và các mục tiêu trừng phạt đối với Trung Quốc là một lượng lớn các dự án mà Trung Quốc tin rằng sẽ giúp thúc đẩy tham vọng này.

Trung Quốc gần đây không còn đề cập nhiều đến “Sản xuất ở Trung Quốc 2025”, nhưng chắc chắn sẽ tiếp tục nâng cấp trình độ công nghệ công nghiệp và giá trị đầu ra, vì vậy xét trên phương diện này mâu thuẫn song phương chắc chắn vẫn rất gay gắt. 

Thứ ba, nhiều người đặt dấu hỏi về việc bà Mạnh Vãn Chu, con gái người sáng lập tập đoàn truyền thông Huawei bị bắt giữ ở Canada, sẽ ảnh hưởng tới đàm phán thương mại Mỹ-Trung sắp tới. Nội bộ Trung Quốc có những ý kiến cho rằng giới chức nên đề cập tới vấn đề này và không nên nhượng bộ trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, vì vậy bầu không khí căng thẳng nhiều khả năng sẽ gây khó khăn gấp đôi cho Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại.

Trung tuần tháng 12 này, Phó Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc Lưu Hạc sẽ dẫn đầu một phái đoàn thương mại đến Mỹ để đàm phán, trong khi phía Nhà Trắng cũng đã chỉ định Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer - một người có quan điểm chống Bắc Kinh - dẫn đầu nhóm đàm phán với Trung Quốc. Đội hình đàm phán của hai bên cho thấy vòng đàm phán đầu tiên trong 90 ngày “lui binh” khó có thể suôn sẻ. 

Tuy nhiên, sau cuộc gặp Trump-Tập vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tiết lộ rằng các quan chức Trung Quốc thực sự đồng ý tăng số tiền mua hàng hóa Mỹ lên 1.200 tỷ USD. Đây dường như là một dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo Mỹ-Trung dự định đạt được một thỏa thuận thương mại chính thức vào đầu tháng 3/2019./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục