Khắc phục hậu quả mưa lũ tại Ninh Bình

17:34' - 23/07/2018
BNEWS Tính đến ngày 22/7, tỉnh Ninh Bình đã có trên 3.000 ngôi nhà tại hai huyện Nho Quan và Gia Viễn bị ngập; hơn 6.000 ha lúa bị ngập, trong đó có nguy cơ mất trắng 5.000 ha lúa.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình, trong những ngày qua, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với hoàn lưu cơn bão số 3 gây mưa kéo dài, mực nước tại các sông ở Ninh Bình dâng cao.

Tính đến ngày 22/7, hai huyện Yên Mô và Yên Khánh có diện tích lúa bị ngập nhiều nhất tỉnh Ninh Bình.

Hai huyện Yên Mô và Yên Khánh có diện tích lúa bị ngập nhiều nhất tỉnh. Ảnh: Hải Yến - TTXVN

Ông Đinh Chung Phụng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình cho biết: Mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại tại tỉnh Ninh Bình, chủ yếu trên địa bàn các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Yên Khánh.

Mưa lũ cũng đã làm tràn cục bộ tuyến đê bao Hoa Tiên (xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn), tràn đê bao sông Bôi (các xã Gia Thủy, Gia Lâm, huyện Nho Quan); ngập trên 3.000 nhà dân.

Tổng diện tích lúa đã gieo cấy đến nay tại tỉnh Ninh Bình là gần 24.000 ha, đạt 60% kế hoạch, trong đó các huyện: Yên Khánh, Yên Mô, Gia Viễn có tỉ lệ gieo sạ cao. Do mưa lũ năm nay đến sớm hơn so với mọi năm, diện tích lúa mới gieo sạ trên địa bàn bị ngập là trên 6.000 ha.

Tỉnh Ninh Bình đang nỗ lực triển khai kế hoạch ổn định sản xuất nông nghiệp sau đợt mưa lũ; trong khung thời vụ cho phép các địa phương tiếp tục khôi phục diện tích lúa đã bị ngập.

Đồng thời, các địa phương, ngành chức năng thực hiện nghiêm các Công điện của Trung ương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ, áp thấp nhiệt đới; thông tin cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh, đặc biệt là với mưa lớn, ngập úng, dông lốc; chủ động triển khai phương án ứng phó; vận hành 238 máy/82 trạm bơm, mở 8 cống dưới đê và 22 cống hồ nhằm chống úng đồng ruộng; tổ chức lực lượng tuần tra canh gác tuyến đê, các điểm xung yếu.

Tỉnh triển khai phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xảy ra lũ khẩn cấp; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.../.

>>>Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra tình hình mưa, lũ tại Ninh Bình

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục