Khắc phục kịp thời các sự cố lưới điện mùa nắng nóng

11:42' - 11/06/2020
BNEWS Những ngày nắng nóng vừa qua, nhu cầu phụ tải đã tăng từ 130-140% so với bình thường. Ngành điện phải tiến hành thay thế máy biến áp, sửa chữa các sự cố để cung ứng điện an toàn và liên tục.
Những ngày này, nắng nóng diễn ra gay gắt khiến cho nhu cầu sử dụng điện của người dân phía Bắc tăng cao. Nhiều nơi đã xuất hiện tình trạng quá tải, ngành điện phải tiến hành thay thế máy biến áp, sửa chữa các sự cố nhằm cung ứng điện an toàn và liên tục cho người dân.
Giữa cái nóng ngoài trời hơn 40 độ C, theo chân những công nhân điện của Công ty Điện lực Nam Định thay thế Máy biến áp từ 320 kVA lên 400 kVA tại trạm Cầu Sắt 2, phục vụ nhu cầu phụ tải người dân nơi đây, chúng tôi mới cảm nhận được những vất vả của các anh. Cả người và xe cẩu cùng dồn sức kéo, đưa những thiết bị vào vị trí lắp đặt.
Ông Vũ Mạnh Hà, Phó Giám đốc Điện lực thành phố Nam Định cho biết, "hiện nay, đặc biệt là những ngày nắng nóng vừa qua, nhu cầu phụ tải đã tăng từ 130-140% so với bình thường. Chúng tôi đang tập trung toàn bộ lực lượng kiểm tra các phụ tải và thay các máy biến áp, chủ yếu tại các trạm biến áp phục vụ các trường học cấp 1, cấp 2, cấp 3 trên địa bàn, những khu vực có phụ tải sử dụng điện tăng đột biến".
Báo cáo của Công ty Điện lực Nam Định cho hay, dự kiến năm 2020, vào các đợt nắng nóng cao điểm cực đoan, Pmax đạt 590 MW, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2019 (544,2 MW).
Theo kế hoạch, Công ty điện lực Nam Định sẽ củng cố lưới điện để đảm bảo cấp điện mùa Hè, hoàn thành 29 danh mục sửa chữa lớn lưới điện lưới điện 110 kV; hoàn thành các công trình đầu tư xây dựng lưới điện trung hạ thế trên địa bàn với 17 dự án có tổng mức đầu tư 139,26 tỷ đồng. 
Bên cạnh đó, đơn vị này cũng chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ các vật tư, phương tiện dự phòng để tổ chức khắc phục kịp thời các sự cố lưới điện trong mùa nắng nóng và bố trí lực lượng cán bộ, công nhân trực thường xuyên, liên tục 24/24h trong các đợt nắng nóng kéo dài khi nhiệt độ ngoài trời trên 36 độ C để giải quyết tình trạng quá tải cục bộ vào những giờ cao điểm; hạn chế cắt điện, tránh gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Theo ông Lê Văn Trang, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), năm nay, tình hình diễn biến thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Ngay đầu năm âm lịch đã xảy ra mưa sét, giông lốc trên diện rộng; trong các tháng 3, 4 cũng đã xảy ra nhiều lần mưa đá, giông lốc đặc biệt là khu vực phía Tây Bắc. Tháng 5, 6 này, nắng nóng diện rộng diễn ra trên khắp miền Bắc Trung bộ gây ra những thách thức không nhỏ trong việc cung ứng, vận hành lưới điện không nhỏ.
Tỷ lệ thành phần điện quản lý - tiêu dùng dân cư chiếm tỷ trọng khoảng 30%, nên trong đợt nắng nóng, hầu hết các tỉnh đều có mức tăng sản lượng cao đột biến (từ 10% - 15%). Ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài cũng làm giảm hiệu suất mang tải của thiết bị, huy động công suất của các nhà máy điện, làm tăng nguy cơ xuất hiện bất thường hoặc sự cố trên lưới, ảnh hưởng đến vận hành ổn định của lưới điện.
Ngoài ra, lưới điện tại một số khu vực vận hành lâu năm, xuống cấp, ảnh hưởng của yếu tố môi trường đến vận hành an toàn lưới điện: tỷ lệ đường dây, trạm biến áp cũ, vận hành lâu năm và tiết diện nhỏ... Chi phí đầu tư cải tạo rất lớn cần lộ trình cải tạo, hiện đại hóa lưới điện.
Để đảm bảo cung ứng điện, ông Lê Văn Trang cho biết, Tổng công ty đã lập phương án cấp điện theo các chế độ vận hành và phương án cấp điện trường hợp thời tiết cực đoan; tuân thủ mệnh lệnh chỉ huy điều độ, đảm bảo tính thời gian thực và các giải pháp tối ưu trong vận hành.
Ngoài ra, Tổng công ty cũng hoàn thiện các dự án trung và hạ áp để san, cân đối phụ tải; cân đối kết dây trung thế, khai thác hiệu quả các công trình mới; rà soát, thay thế máy tại các khu vực có phụ tải tăng cao đột biến vào cao điểm nắng nóng mùa Hè. Đặc biệt, EVNNPC triển khai Chương trình điều chỉnh phụ tải DR; phối hợp với các đơn vị đảm bảo tiến độ các công trình đầu tư xây dựng...
Nhờ các giải pháp này, việc cung ứng điện trên địa bàn các tỉnh miền Bắc thời gian qua được đảm bảo an toàn, ổn định, liên tục. Ông Đào Văn Phương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt lụa Nam Định cho biết, điều lo ngại nhất của doanh nghiệp là việc bị mất điện, bởi nếu không có điện thì sản xuất bị ngừng trệ, ảnh hưởng đến thời hạn giao hàng. Với sự phối hợp chặt chẽ của ngành điện lực, doanh nghiệp đã chủ động bố trí thời gian cho công nhân làm luân phiên ca ngày và ca đêm, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.
“Tính riêng trong tháng 5 vừa qua, công ty đã sản xuất hơn 1,4 triệu mét vải (công suất tăng hơn 200%); trong đó, 1 triệu mét xuất khẩu sang Hoa Kỳ phục vụ sản xuất mặt hàng chống dịch bệnh. Chúng tôi đã phải bố trí làm ca kíp. Rất mừng là trong thời gian đó, ngành điện hỗ trợ luôn đảm bảo đủ điện, liên tục cho sản xuất. Chúng tôi đã vượt tiến độ giao hàng được 3 ngày”, ông Phương nói.
Cũng theo ông Trần Bá Tiến, tổ 17, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, để giảm tiền điện và cùng chung tay với ngành điện, gia đình ông cũng như nhiều hộ dân đều đã được hướng dẫn sử dụng điện tiết kiệm, như: ra ngoài thì tắt hết thiết bị điện, điều hòa chủ yếu bật từ 9-10 giờ tối, bật khoảng 28 độ C. Ngoài ra, nhà ông cũng lắp bóng tiết kiệm điện.
Nhưng những ngày qua nắng nóng gay gắt, mặc dù sử dụng điện một cách rất hạn chế, nhưng không thể tránh được tiêu thụ điện tăng lên. Tuy nhiên, để người dân không bị mất điện do quá tải, ngành điện đã tiến hành thay thế sửa chữa, thay thế thiết bị điện.
Báo cáo của EVNNPC cho hay, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã đóng điện thêm 2  trạm biến áp mới, nâng công suất, lắp máy biến áp T2 lưới điện 110kV với tổng dung lượng tăng gần 500 MVA, cải tạo lưới điện, hoàn thiện các mạch vòng trung áp… Tại các khu vực đặc biệt là các khu vực phụ tải lớn để ổn định, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
Trong đầu tư xây dựng, tháng 5/2020, Tổng công ty đã khởi công 7 công trình; đóng điện được 4 công trình. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2020, Tổng công ty khởi công 20/65 công trình, đạt 30,7% kế hoạch năm và đóng điện 22/81 công trình, đạt 27,5% kế hoạch năm.
Do vướng mắc đền bù giải phóng mặt bằng và dịch COVID-19, các dự án đã bị chậm tiến độ. Số công trình chậm tiến độ khởi công so với kế hoạch lũy kế đến kỳ báo cáo là 3 công trình, số công trình chậm tiến độ đóng điện so với kế hoạch lũy kế đến kỳ báo cáo là 10 công trình.
Thời gian tới, Tổng công ty Điện lực miền Bắc sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đảm bảo tiến độ các công trình đầu tư xây dựng, sớm đưa vào vận hành, cung ứng điện ổn định, an toàn.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục