Khắc phục những tồn tại về quy hoạch vùng dự trữ mỏ khoáng sản

19:02' - 23/05/2024
BNEWS Thảo luận ở hội trường, các đại biểu Quốc hội đề cập đến bất cập trong nuôi trồng thủy sản, những chồng lấn về mặt quy hoạch vùng dự trữ mỏ khoáng sản và đề nghị cơ quan chức năng có hướng khắc phục.

Chiều 23/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

 

Thảo luận hội trường, các đại biểu đề cập đến những bất cập trong nuôi trồng thủy sản cũng như những chồng lấn về mặt quy hoạch vùng dự trữ mỏ khoáng sản và đề nghị cơ quan chức năng có hướng giải quyết mang tính căn cơ, bền vững…

Làm rõ các tiêu chí về nuôi trồng thủy sản và chế biến thủy sản

Một số ý kiến đề nghị sớm ban hành quy chuẩn phù hợp hơn trong đánh giá tác động môi trường đối với nuôi trồng thủy sản. Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53 quy định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, trong đó có quy định các cơ sở nuôi trồng thủy sản thuộc diện phải đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, từ trước đến nay do chưa có quy định riêng nên việc đánh giá tác động môi trường đối với các vùng nuôi trồng thủy sản có quy mô lớn, đặc biệt là các dự án nuôi cá tra trong thời gian qua áp dụng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) phân tích, thực tế cho thấy, về chất lượng nước thải trong quy trình nuôi thủy sản có sự khác biệt đáng kể so với những thông số trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 40:2011/BTNMT về nước thải công nghiệp. Cho nên để quản lý nước thải nuôi trồng thủy sản theo thông số này là không phù hợp, dẫn đến những bất cập trong quá trình quản lý, đồng thời gây khó khăn, lãng phí cho doanh nghiệp cũng như xã hội.

Đại biểu kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, sớm ban hành một quy chuẩn riêng phù hợp hơn cho việc nuôi trồng thủy sản theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, hiện nay chúng ta đang thực hiện đánh giá tác động môi trường trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản theo Quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT và thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng quy chuẩn mới, trong đó quy chuẩn này đã làm rõ các lĩnh vực kinh tế, yêu cầu về các chỉ tiêu, tiêu chí về nuôi trồng thủy sản và chế biến thủy sản.

Với Bộ tiêu chuẩn mới này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xin ý kiến các bộ ngành và địa phương. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết xin tiếp thu các nội dung mà đại biểu đã nêu, sẽ hoàn thiện Quy chuẩn mới và sớm ban hành.

Về hướng dẫn bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản nằm trong hành lang an toàn cột tháp gió của các công trình điện gió, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, hiện nội dung này đã quy định rõ tại Điều 106 của Luật Đất đai 2004 và trong Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành trong thời gian tới. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo và trình Chính phủ Nghị định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Bộ trưởng nêu rõ, khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành và Nghị định được ban hành thì trong đó sẽ được quy định rõ việc hướng dẫn bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất và tài sản gắn liền với đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn của cột tháp gió.

Giải quyết chồng lấn về mặt quy hoạch vùng dự trữ mỏ khoáng sản

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho biết, trong phạm vi nhiệm vụ, Chính phủ đã quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia với những nội dung chủ yếu như phân cấp, phân quyền cho địa phương, nhất là cấp cơ sở nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện; phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát tổ chức thực hiện.

Các địa phương đã chủ động bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ của 3 chương trình, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo đại biểu, cử tri cũng cho rằng sự chồng lấn về quy hoạch là rào cản trong quá trình, tiến trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, vùng và quốc gia. Thực hiện Quyết định số 866/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì đối với việc thăm dò, khai thác khoáng sản bauxite, sản xuất alumin, nhôm kim loại đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông, đảm bảo an ninh, quốc phòng, bảo vệ sinh thái vùng Tây Nguyên và phù hợp với Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các công trình trọng điểm tại Tây Nguyên, đặc biệt là các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng chưa thể triển khai thực hiện do vướng về mặt pháp lý, chồng lấn về mặt quy hoạch vùng dự trữ mỏ khoáng sản, rất khó khăn cho địa phương trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất dự trữ khoáng sản để phát triển kinh tế xã hội.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét loại bỏ khỏi quy hoạch những vùng dự trữ mỏ khoáng sản có liên quan đến khu đô thị, dân cư nông thôn đã hình thành, tồn tại qua rất nhiều thế hệ (có nơi trên 30 năm) và liên quan đến các công trình trọng điểm nhằm phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của địa phương. Việc quản lý quy hoạch, quy hoạch dự trữ mỏ và khai thác khoáng sản cần phải được liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương và Trung ương, nhằm chịu trách nhiệm bảo đảm thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội mang tính khả thi cao nhất.

Sự phân công, phối hợp theo quy định pháp luật giữa các ngành, các cấp là cần thiết để bảo đảm tính nhất quán và hiệu quả triển khai thực hiện, nhằm hạn chế và khắc phục những tồn tại, bất cập, chồng lấn trong quá trình triển khai thực hiện công tác quy hoạch; tháo gỡ những nút thắt, rào cản, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của đất nước ta trong thời gian sắp tới.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham gia phần đánh giá, thăm dò trữ lượng, đồng thời Bộ cũng phối hợp với Bộ Công thương để rà soát lại các quy hoạch về khai thác khoáng sản, đảm bảo với quy hoạch của địa phương, sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, quy hoạch khoáng sản bô-xít phải phù hợp với phát triển chung của địa phương theo từng thời kỳ, giai đoạn, có những giai đoạn chưa cần khai thác thì có thể đưa vào quy hoạch dự trữ để các dự án đầu tư, các dự án phát triển kinh tế - xã hội vẫn được đảm bảo.

Giải thích về vướng mắc tại khu vực chồng lấn liên quan đến quy hoạch boxit trước kia nay là quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Hiện nay vấn đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản thời kỳ 2021-2030 đã được Thủ tướng phê duyệt. Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch và triển khai đến tất cả các địa phương. Theo quy định, các quy hoạch tỉnh phải phù hợp với quy hoạch ngành, quốc gia, trường hợp các quy hoạch của tỉnh mâu thuẫn bao gồm cả việc chồng lấn quy hoạch với quy hoạch quốc gia và quy hoạch ngành, cần phải được rà soát, điều chỉnh…

Đối những dự án đã được cấp chủ trương đầu tư, nhưng trong quá trình thực hiện có vướng mắc, trong đó có vấn đề chồng lấn về diện tích sử dụng đất, Bộ trưởng đề nghị các địa phương rà soát kỹ để điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp, cũng như xử lý những vướng mắc trong thẩm quyền của mình, những vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục