Khắc phục "thẻ vàng" IUU: Giám sát chặt chẽ tàu cá thuộc diện nguy cơ cao

14:07' - 10/06/2024
BNEWS Sáng 10/6, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức cuộc họp với các địa phương về tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, các đơn vị chức năng tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Qua đó đã thống kê, đưa vào giám sát đặc biệt 84 tàu cá thuộc diện có “nguy cơ cao” và cử cán bộ, chiến sĩ, đảng viên trên địa bàn phụ trách theo dõi, giám sát; yêu cầu 4.184 lượt chủ tàu/thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Các đơn vị tổ chức trực ban, giám sát tàu cá 24/24 qua hệ thống giám sát để phát hiện, xử lý theo đúng quy trình, quy định đối với tàu cá mất kết nối, vượt ranh giới trên biển, ngăn chặn vi phạm vùng biển nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh hiện có 8.450 tàu cá chiều dài từ 6m trở lên. Số lượng tàu cá “3 không” đã rà soát, thống kê là 2.515 chiếc. Chi cục Thủy sản đã cấp đăng ký tạm cho 2.348 tàu cá “3 không” và đang tiếp tục rà soát, thống kê và cấp đăng ký theo quy định.

Đến nay, tỉnh đã hoàn thành lắp đặt cho 100% tàu cá thuộc diện phải lắp đặt thiết bị VMS đang hoạt động; 11 tàu cá chưa lắp đặt (thị xã La Gi 3 tàu; thành phố Phan Thiết 4 tàu; huyện Phú Quý 3 tàu; huyện Tuy Phong 1 tàu) vì các tàu này ngừng hoạt động do hư hỏng nằm bờ, thi hành án, tranh chấp dân sự... đã được cơ quan chức năng lập danh sách để quản lý, giám sát theo quy định.

Ban Quản lý các cảng cá tỉnh thực hiện thống kê tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng lên bến, truy xuất nguồn gốc theo quy định tại. Trong 5 tháng đầu năm 2024, đã thống kê được 6.080 lượt tàu cập cảng, 6.552 lượt tàu rời cảng; giám sát 10.259 tấn thủy sản bốc dỡ qua cảng; cấp 15 giấy xác nhận/159 tấn hải sản…

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận về một số khó khăn trong chống khai thác IUU. Theo đó, tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài tuy bước đầu được ngăn chặn, song còn tiềm ẩn nguy cơ cao. Tình trạng tàu cá mất kết nối trên biển diễn ra phổ biến nhưng việc xử lý, xử phạt chưa nghiêm.

Việc thực thi pháp luật, xử lý vi phạm về khai thác IUU chưa nghiêm minh. Thực trạng tàu cá không đảm bảo quy định về điều kiện hành nghề (đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, mất kết nối VMS trên biển); không khai báo khi ra vào cảng; không ghi, không nộp nhật ký khai thác thủy sản; tàu cá từ 15 mét trở lên không cập cảng chỉ định... là khá lớn nhưng việc xử lý, xử phạt rất hạn chế.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị đặc biệt tập trung nguồn lực để khắc phục các hạn chế, tồn tại trong quản lý, kiểm soát hoạt động nghề cá trên địa bàn tỉnh, góp phần cùng cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” của EC, hướng đến phát triển nghề cá bền vững. Các đơn vị tập trung tuyên truyền, vận động chủ tàu cá, doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu thủy sản tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về chống khai thác IUU; đấu tranh, tố giác các hành vi có dấu hiệu vi phạm IUU để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Các đơn vị thường xuyên rà soát, thống kê đưa vào quản lý, theo dõi đặc biệt các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài và theo dõi, quản lý chặt chẽ thuyền trưởng, ngư dân từng vi phạm khai thác trái phép để kịp thời phát hiện, ngăn chặn không để tái phạm. Đồng thời, tổ chức giám sát 24/24 tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá, kịp thời phát hiện, xử lý tàu cá mất kết nối, vượt ranh giới trên biển theo quy trình, quy định.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục