Gấp rút gỡ "thẻ vàng" IUU - Bài 1: Địa phương quyết tâm

15:44' - 24/05/2024
BNEWS Gỡ "thẻ vàng" chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp (IUU) đang là nhiệm vụ cấp bách của nghề cá Việt Nam.

Đây không chỉ là chấp hành nghiêm Luật Thủy sản 2017 mà còn là an ninh vùng biển, an toàn hệ sinh thái biển. Qua gần 7 năm Việt Nam bị Ủy ban châu Âu rút "thẻ vàng" cảnh báo vi phạm chống khai thác bất hợp pháp, nghề cá Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để từng bước hoàn thiện các tiêu chí của châu Âu, tiến tới gỡ "thẻ vàng" IUU trong lần kiểm tra cuối sắp tới.

Bài 1: Địa phương quyết tâm

Với những nỗ lực hoàn thiện tiêu chí gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu, 28 địa phương có biển đã quyết tâm thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ về việc rốt ráo xử lí các vi phạm và ngăn chặn vi phạm khai thác bất hợp pháp từ trong ý thức. Do đó, không chỉ chính quyền địa phương mà ngư dân cũng nêu cao tinh thần gỡ thẻ vàng chống khai thác bất hợp pháp trong thời điểm cuối.

*Trám từng lỗ hổng

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có 3 điểm khó khăn, tồn tại cần phải tập trung để thực hiện các khuyến cáo của châu Âu. Thứ nhất, là tàu cá còn vi phạm ở vùng biển nước ngoài. Thứ hai, là tàu cá còn tắt thiết bị giám sát hành trình. Thứ ba, là Việt Nam còn những đội tàu chưa được đăng ký, đăng kiểm, không có giấy phép khai thác.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ, đây là 3 tồn tại dễ dẫn đến việc ngư dân không tuân thủ pháp luật. Hiện nay, các địa phương đang thực hiện đăng ký lại với những tàu cá “3 không” này.

 

Về vấn đề tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình, Uỷ ban châu Âu rất quan ngại vì họ cho rằng không có lý do gì mà Việt Nam không xử lý được. Chủ tàu viện cớ lỗi do thiết bị hay lỗi kết nối đều không thuyết phục. Vì nếu gặp các lỗi trên, chủ tàu phải báo về đất liền và đây là vấn đề mà Uỷ ban châu Âu đề nghị Việt Nam phải minh bạch.

Thời gian vừa qua, khâu quản lý của ngành và các địa phương còn dễ dãi, chế tài chưa đủ sức răn đe. Do đó, việc tháo gỡ thẻ vàng vẫn còn kéo dài đến thời điểm này - sau gần 7 năm nhận cảnh báo.

Tuy nhiên, dù gặp nhiều khó khăn trong quản lý tàu cá thực hiện nghiêm Luật thủy sản 2017, cũng như nâng cao ý thức chống khai thác bất hợp pháp, các địa phương có biển cũng đã vào cuộc tiếp tục thực hiện các tiêu chí chống khai thác bất hợp pháp.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Vũng Tàu cũng đã nỗ lực triển khai các giải pháp để khắc phục các tồn tại theo khuyến nghị của Đoàn thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) vào tháng 10/2023.

Theo bà Trần Thị Thu Hường, Trưởng phòng Kinh tế UBND thành phố Vũng Tàu, về việc quản lý đội tàu cá, thành phố đã hoàn thành việc cấp, vẽ số tạm cho 88 tàu cá “3 không”; trong đó, có 1 tàu dưới 6m. Các phường trong khu vực thành phố Vũng Tàu phối hợp với các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục thực hiện việc cấp, vẽ số tạm cho số tàu cá này trong tháng 5/2024. Đã có 98,4% tàu cá trên 15m đã lắp máy giám sát hành trình (VMS) và hiện còn 13 tàu chưa lắp VMS, chủ yếu là tàu nằm bờ, đã bán hoặc không có địa chỉ...

Bên cạnh đó, đối với 181 tàu cá chưa đủ điều kiện ra khơi ở thời điểm Đoàn Uỷ ban châu Âu thanh tra lần thứ 4 tháng 10/2023, thành phố đã phối hợp cùng các địa phương và cơ quan chức năng hỗ trợ ngư dân bổ sung, hoàn thiện giấy tờ đầy đủ được 141 tàu. Còn 40 tàu thì 19 tàu nằm bờ do hư hỏng, chờ thanh lý, 3 tàu chuyển đổi nghề, 9 tàu đã bán, mất tích, 2 tàu chìm, 7 tàu đang hoạt động (thành phố đã thông báo ngư dân hoàn thiện thủ tục).

Tại Ninh Thuận, kiểm tra hồ sơ tàu cá, nhật ký khai thác, hành trình chuyến biển tại văn phòng các cảng cá chính là cách để ngăn chặn khai thác bất hợp pháp IUU. Đây là công việc bắt buộc đối với mỗi chủ tàu cá ở tỉnh Ninh Thuận phải thực hiện trước và sau mỗi chuyến biển. Sổ nhật ký khai thác được ghi chép cẩn thận, chính xác từng loài cá với sản lượng được khai thác ở vùng biển cụ thể được ngư dân khai báo rõ ràng.

Theo ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, tỉnh mới ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn với 5 nhóm nhiệm vụ và 3 nhóm giải pháp thực hiện nhằm đảm bảo hoạt động khai thác thủy sản tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Cụ thể, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các xã, phường, thị trấn ven biển đổi mới, linh động các hoạt động tuyên truyền vận động nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật cho chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, chủ cơ sở dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản; đồng thời, nắm chắc địa bàn, tuyên truyền đến từng hộ gia đình tại địa phương, ngăn chặn từ trong suy nghĩ đối với các chủ tàu có ý định đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; lập danh sách, nắm rõ vị trí, địa điểm neo đậu của từng tàu chưa lắp giám sát hành trình tàu cá để theo dõi.

* Ngư dân đồng lòng

Chống khai thác bất hợp pháp phải được thực hiện tốt nhất trước hết là ở đội ngũ ngư dân khai thác xa bờ. Do đó, trong lần kiểm tra cuối này, sự hợp tác của ngư dân chính là cốt lõi gỡ thẻ vàng IUU. Các địa phương có biển của khu vực phía Nam cũng đã có nhiều cuộc họp với cộng đồng ngư dân để tuyên truyền nâng cao tinh thần chống khai thác bất hợp pháp để hoàn thành tốt các tiêu chí trong lần kiểm tra quyết định này.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, lực lượng Bộ đội biên phòng cũng đã tổ chức cuộc gặp gỡ với hơn 200 ngư dân khai thác xa bờ để kí cam kết thực hiện nghiêm các quy định chống khai thác IUU trong năm 2024 với chính quyền địa phương và lãnh đạo ngành thủy sản của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thượng tá Nguyễn Văn Khánh, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định, lực lượng biên phòng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc xuất, nhập bến của tàu cá. Tàu cá không có đủ giấy tờ sẽ không cho ra khơi đánh bắt.

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã trực tiếp đến làm việc với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng các tỉnh Nam Định, Đà Nẵng, Bình Thuận, Kiên Giang và Cà Mau. Từ đó, cùng với các tỉnh, đơn vị đã phối hợp xác minh và xử lý 15/21 vụ tàu cá mất kết nối VMS trên 10 ngày của tỉnh tồn đọng từ năm 2023. 6 trường hợp còn lại lực lượng biên phòng sẽ tiếp tục xử lý dứt điểm trong tháng 5/2024.

Tại Ninh Thuận, cộng đồng ngư dân khai thác xa bờ cũng đã chủ động tập hợp lại với nhau, nêu cao ý thức chống khai thác bất hợp pháp, chủ động hình thành tổ đội khai thác xa bờ để hỗ trợ nhau khi xảy ra tình huống bất lợi trên biển.

Ông Trần Văn Thái, ngư dân tại huyện Ninh Hải, Ninh Thuận chia sẻ: "Khi khai thác vùng biển Trường Sa, chúng tôi đi theo tổ đội khoảng 10 tàu, nếu xảy ra sự cố máy móc hay gặp vấn đề gì thì các tàu kịp thời hỗ trợ nhau. Tổ đội khai thác xa bờ này luôn thực hiện nghiêm túc việc ghi, nộp sổ khai thác hải sản sản đầy đủ cho ngành chức năng kiểm tra; tuyệt đối không vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài, không ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình. Mỗi chuyến biển, ngư dân không chỉ kỳ vọng khai thác được nhiều loại cá, tôm mà còn phải luôn đảm bảo an toàn".

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Thuận, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận cũng tăng cường các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU, kiên quyết không cho tàu cá rời cảng khi chưa đảm bảo các điều kiện theo quy định.

Bài cuối: Nghiêm khắc xử lí vi phạm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục