Khắc phục việc thiếu Chiến lược tổng thể về phát triển thương mại trong nước

18:18' - 18/12/2018
BNEWS Trong những năm qua, thương mại trong nước tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu về hàng hóa cho nhân dân và góp phần quan trọng phát triển của nền kinh tế.
Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Thừa ủy quyền của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, chiều 18/12, tại Hà Nội Bộ Công Thương đã tổ chức "Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Trong những năm qua, thương mại trong nước tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu về hàng hóa cho nhân dân và góp phần quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong giai đoạn 2006-2018, mặc dù đầu tư từ nguồn ngân sách còn hạn chế nhưng đóng góp bình quân của thương mại trong nước cho GDP đều đạt mức trên 10%/năm, tạo công ăn việc làm cho khoảng 12-13% tổng lao động xã hội (đứng thứ ba sau ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo).

Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa cho doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh; trong giai đoạn 2011-2015 có mức tăng 11,38%/năm; giai đoạn 2016-2018 dự kiến tăng 10,55%/năm. Do vậy, nếu tính chung từ 2006 đến nay tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa luôn cao gấp 1,5-2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP trong cùng thời kỳ.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển thương mại quốc tế thông qua các hoạt động xuất nhập khẩu, Chính phủ ngày càng quan tâm đến phát triển thị trường trong nước như Quyết định số 27/2007/QĐ-Ttg ngày 15 tháng 2 năm 2007 phê duyệt Đề án Phát triển thương mại trong nước đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Quyết định số 23/QĐ-Ttg ngày 6 tháng 1 năm 2010 phê duyệt Đề án phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 634/QĐ-Ttg ngày 29 tháng 4 năm 2014 phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020...

Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn thiếu một chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước một cách bền vững. Vì thế, Chính phủ đã chỉ đạo giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, với sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải việc ban hành Chiến lược phát triển thương mại trong nước sẽ giúp cải thiện cạnh tranh môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cùng với đó, Chiến lược phát triển thương mại trong nước cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong nước thông qua việc kết nối các nhà sản xuất với các kênh phân phối, kết nối khu vực nông thôn với khu vực thành thị, đẩy mạnh liên kết chuỗi sản phẩm…

Chỉ ra những tồn tại hạn chế của thương mại trong nước hiện nay, ông Trần Duy Đông-Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước bày tỏ: Mặc dù thương mại hàng hóa trong nước và số người kinh doanh buôn bán, dịch vụ tăng nhanh nhưng mang tính tự phát, phân tán, quy mô nhỏ, mua bán qua nhiều tầng nấc trung gian. Bên cạnh đó, chưa thiết lập được mối liên kết lâu dài giữa sản xuất với lưu thông, giữa bán buôn và bán lẻ theo những kênh lưu thông hợp lý, ổn định, nhất là việc bán vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản, thực phẩm để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển hàng hóa nông nghiệp.

Ngoài ra, hệ thống phân phối hàng hóa, nhất là hàng thiết yếu đã được thiết lập và củng cố, phát huy vai trò quan trọng trong kết nối giữa sản xuất với tiêu dùng, tuy nhiên chưa đồng bộ và chưa thực sự bền vững. Hơn nữa, áp lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và các chủ thể bán lẻ trong nước ngày càng lớn, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ với rất nhiều hạn chế về tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và công nghệ bán lẻ. Đặc biệt, sự tham gia thị trường của các nhà phân phối nước ngoài, nhất là từ các nước ASEAN như Thái Lan, Nhật Bản kéo theo là hàng hóa nhập khẩu với khả năng cạnh tranh cao về chất lượng và giá cả đang là thách thức đối với hàng Việt.

Cũng theo ông Trần Duy Đông, hạ tầng thương mại dù đã phát triển nhưng nhìn chung vẫn còn yếu kém và lạc hậu, hạ tầng thương mại bán lẻ tuy tăng nhanh nhưng phân bố không đồng đều, tập trung phát triển mạnh ở các thành phố, thị trấn, thị xã…

Lý giải về vấn đề này, ông Trần Duy Hưng cho rằng: Nguyên nhân cốt lõi là do nhận thức chưa đúng và thống nhất về vị trí, vai trò và tiềm năng của thương mại trong nước, nhất là khâu phân phối, bán lẻ. Hơn nữa, vai trò của Nhà nước được nhận định là chưa phù hợp với từng điều kiện, bối cảnh cụ thể. Vai trò bình ổn thị trường của Nhà nước đôi khi bị hiểu cứng nhắc hoặc đánh giá quá cao không phù hợp với năng lực hiện tại của các cơ quan thực hiện.

Không những thế, phần lớn các quy định, chính sách phát triển thương mại trong nước, nhất là chính sách liên quan tới hạ tầng thương mại mang tính khuyến khích, định hướng mà không có giá trị thực thi bắt buộc cũng như thiếu nguồn lực để triển khai.

Đáng lưu ý, thực trạng nền sản xuất của Việt Nam còn yếu kém, về cơ bản vẫn là nền sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, chi phí thương mại, chi phí tuân thủ pháp luật trong thương mại cao; trình độ phân công lao động xã hội, chuyên môn thấp nên hàng hóa lưu thông trên thị trường vừa có qui mô nhỏ, vừa có cơ cấu, mẫu mã không đồng bộ nên kinh doanh thương mại trên thị trường nội địa vẫn mang dấu ấn lạc hậu.

PGS-TS Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách công (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá cao Dự thảo Chiến lược với đầy đủ số liệu định tính và định lượng. Tuy nhiên vẫn bổ sung thêm một số điểm như việc cạnh tranh mạnh mẽ hiện nay giữa hình thức thương mại hiện đại với thương mại truyền thống có thể ảnh hướng tới một số lượng lớn lao động hoạt động ở quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình; nguy cơ các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài chèn ép doanh nghiệp trong nước do cam kết mở cửa thị trường hiện nay trong các Hiệp định thương mại tự do; những bất hợp lý trong hỗ trợ thương mại các vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi và hải đảo cần có sự can thiệp của Nhà nước.

Cùng quan điểm này, TS Trần Toàn Thắng đến từ Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định: Dự thảo đã nêu bật được khá rõ vai trò của Nhà nước với phát triển thị trường trong nước. Cùng đó, đề nghị bổ sung thêm quan điểm phát triển thị trường trong nước liên quan đến vai trò dự báo, thông tin của Nhà nước.

Ngoài ra, đề nghị TS Trần Toàn Thắng bổ sung thêm chỉ tiêu liên quan đến kiểm soát sự chênh lệc về thương mại giữa các vùng miền, nhất là miền núi và miền xuôi; bỏ chỉ tiêu về “Hệ thống thương mại đô thị được hoàn thiện tương đương với các nước thuộc ASEAN4” do chưa đủ cơ sở để so sánh, tính toán cũng như mục tiêu đó không thiết thực trong điều kiện kinh tế hiện nay của Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục