Bộ Công Thương chuyển giao Vinatex về SCIC

11:28' - 23/11/2018
BNEWS Theo biên bản chuyển giao được ký kết, giá trị vốn đầu tư của nhà nước tại Vinatex chuyển giao về SCIC trên 2.600 tỷ đồng, chiếm 53,49% vốn điều lệ của Vinatex.

Sáng 23/11, Bộ Công Thương và Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tổ chức lễ chuyển giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) về SCIC.

Theo biên bản chuyển giao được ký kết, giá trị vốn đầu tư của nhà nước tại Vinatex chuyển giao về SCIC trên 2.600 tỷ đồng, chiếm 53,49% vốn điều lệ của Vinatex. Trước đó, ngày 29/1/2015 Vinatex đã hoàn thành cổ phần hóa và hoạt động theo hình thức công ty cổ phần.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại lễ chuyển giao Vinatex về SCIC. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại lễ chuyển giao, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhấn mạnh: Vinatex là tập đoàn lớn, là nền tảng của ngành dệt may phát triển rộng lớn, có sự đóng góp cho ngành dệt may. Đáng lưu ý, năm 2014 Vinatex đã cổ phần hóa thành công và đến ngày 22/9/2014 thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng, hoạt động theo mô hình cổ phần. Hiện nhà nước nắm giữ 53% với 15 công ty con và 19 công ty liên kết.

Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, công việc liên quan giữa Bộ Công Thương và SCIC đã được làm rõ trên tinh thần đảm bảo không làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tuân thủ các quy định hiện hành.

Tuy đã chính thức chuyển giao về SCIC nhưng Vinatex là Tập đoàn lớn nên trong quá trình bàn giao vẫn phải hoạt động. Vì vậy, sau khi bàn giao Bộ Công Thương sẽ chỉ quản lý về ngành dệt may, còn các vấn đề khác sẽ phối hợp với SCIC để giải quyết và xử lý.

Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng SCIC và đề nghị đơn vị này tích cực hỗ trợ để doanh nghiệp ngày càng phát triển, qua đó tăng giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Chi-Chủ tịch SCIC cảm ơn lãnh đạo Bộ Công Thương đã quyết liệt chỉ đạo lập hồ sơ bàn giao. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch SCIC cảm ơn lãnh đạo Bộ Công Thương đã quyết liệt chỉ đạo lập hồ sơ chuyển giao. Thời gian qua, Bộ Công Thương phối hợp cùng SCIC hoàn thiện các thủ tục chuyển giao và là một trong những Bộ ngành chủ động bàn giao các doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao về SCIC.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Chi, Vinatex là Tập đoàn lớn, dù vốn chưa phải lớn nhất nhưng ảnh hưởng và tác động của Tập đoàn này rất lớn về ngành nghề đặc thù và có số lượng lao động đông đảo. Do vậy, hiệu quả vận hành của Vinatex không chỉ ảnh hưởng hiệu quả kinh doanh chung mà ảnh hưởng xã hội nên SCIC phối hợp với Vinatex để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. Cùng đó, SCIC cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để nếu có khó khăn vướng mắc thì sẽ tìm biện pháp giải quyết nhanh chóng, đưa hoạt động kinh doanh của Vinatex ngày phát triển hơn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Chi kiến Bộ trưởng Bộ Công Thương tiếp tục rà soát các doanh nghiệp thuộc Bộ đang còn đại diện chủ sở hữu vốn, nếu thuộc danh mục bàn giao thì sớm cho chỉ đạo để bàn giao. Kể cả doanh nghiệp không thuộc danh mục, nếu cần thiết thì cùng báo cáo Chính phủ để quá trình tái cấu trúc này được thực hiện nhanh chóng và sớm nhất.

Bộ Công Thương và SCIC ký kết biên bản bàn giao Vinatex về SCIC.Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Tại lễ bàn giao, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex cũng đưa ra các kiến nghị. Đó là, phối hợp hỗ trợ giải quyết nhanh gồm việc hướng dẫn tăng vốn nhà nước bằng quyền chuyển đổi sử dụng đất để chi trả quyền lợi cổ đông cho phù hợp. Mặc dù Bộ Tài chính đã có ý kiến nhưng theo điều lệ công ty và quy định thì khó khăn.

Ngoài ra, nhóm các công việc liên quan đơn vị sự nghiệp, quyết toán đơn vị sự nghiệp, quyết toán cổ phần hóa Viện Dệt may và Viện Mẫu thời trang, cụm đơn vị sự nghiệp tạm thời giao cho Vinatex quản lý. Với đơn vị này thì khó quay về các Bộ nên cần quyết định dứt điểm và cần quản lý điều hành cho hợp lý.

Hơn nữa, việc thoái vốn tại 15 doanh nghiệp; trong đó, 12 đơn vị tái cơ cấu thuộc danh mục và 3 đơn vị bổ sung, đáng lẽ phải thực hiện năm 2017 nhưng vẫn chưa thực hiện được vì chưa có quyết định người đại diện vốn triển khai.

Theo Bộ Công Thương, tiếp theo việc chuyển giao Vinatex, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo xử lý tồn tại, hoàn thiện hồ sơ tại 5 doanh nghiệp còn lại do Bộ quản lý để chuyển giao vốn nhà nước về SCIC theo quy định.

Toàn cảnh lễ bàn giao Vinatex về SCIC. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Tại Quyết định số 1232/QĐ-Ttg ngày 17/8/2017 về danh mục thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định việc các Bộ, UBND tỉnh chuyển giao về SCIC để triển khai bán phần vốn nhà nước tại 62 doanh nghiệp tại 6 Bộ và 16 địa phương với tổng số vốn nhà nước là trên 11.200 tỷ đồng, chiếm 65,3% vốn điều lệ các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao.

Trong số đó có 7 doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương cần chuyển giao. Theo đó, năm 2017 đã chuyển giao 1 doanh nghiệp và năm 2018 chuyển giao Vinatex. Kể từ khi thành lập năm 2016 đến nay, SCIC đã tiếp nhận 55 doanh nghiệp từ Bộ Công Thương và Bộ Thương mại (chưa sát nhập với Bộ Công nghiệp)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục