Khai khống vốn điều lệ bị xử phạt thế nào?

11:00' - 26/08/2022
BNEWS Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cùng các đồng phạm đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng. Hành vi nâng khống vốn điều lệ này sẽ bị xử lý thế nào?

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án, bổ sung tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đối với bị can Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC, và Hương Trần Kiều Dung, cựu Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Tập đoàn này.

Ngoài ra, 2 em gái của ông Quyết gồm Trịnh Thị Thúy Nga, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán BOS; và Trịnh Thị Minh Huế, nhân viên kế toán Công ty CP Tập đoàn FLC, cùng bị khởi tố bổ sung về tội danh trên.

Các bị can trong vụ án này bị điều tra hành vi nâng khống vốn của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros.

Theo điều tra, từ năm 2014 đến năm 2016, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng các đồng phạm đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty CP Xây dựng Faros.

Vốn điều lệ là gì?

Theo Khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.

Vốn điều lệ là yếu tố không thể thiếu trong cơ cấu vốn của doanh nghiệp. Vốn điều lệ có nghĩa ý quan trọng trong việc xác định tỷ lệ góp vốn của chủ sở hữu, các thành viên trong công ty. Từ đó, làm căn cứ để phân chia lợi nhuận, quyền và nghĩa vụ giữa các thành viên tham gia góp vốn.

Ngoài ra, vốn điều lệ đôi khi còn cho thấy quy mô, năng lực và vị trí của công ty trên thị trường. Đối tác khách hàng sẽ có thể tin tưởng, giao dịch với công ty đối tác có vốn điều lệ lớn.

Hiện nay, Luật doanh nghiệp năm 2020 không quy định mức vốn điều lệ cụ thể đối với doanh nghiệp nói chung. Tùy vào khả năng kinh tế của chủ sở hữu và mục đích hoạt động mà doanh nghiệp sẽ tự quyết định mức vốn điều lệ cụ thể. 

[>>>Thêm một mã cổ phiếu “họ FLC” không được cấp margin]

Khai khống vốn điều lệ bị phạt ra sao?

Tại Điều 47 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định xử phạt đối với vi phạm về kê khai vốn điều lệ như sau:

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị dưới 10 tỷ đồng.

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 10 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng.

- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 20 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng.

- Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng.

- Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên.

Như vậy, từ ngày 01/01/2022, hành vi khai khống vốn điều lệ bị phạt tới 100 triệu đồng.

Biện pháp khắc phục hậu quả với vi phạm về kê khai vốn điều lệ: Buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng với số vốn thực góp đối với hành vi vi phạm quy định nêu trên.

[>>>Hơn 567 triệu cổ phiếu ROS chính thức bị hủy niêm yết từ ngày 5/9]

Cùng với đó, Nghị định số 122/2021/NĐ-CP cũng nêu điều khoản chuyển tiếp, theo đó:

1. Đối với hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực mà bị phát hiện hoặc xem xét ra quyết định xử phạt khi Nghị định này đã có hiệu lực thì áp dụng quy định của Nghị định này để xử lý nếu Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn.

2. Đối với các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đã được ban hành hoặc được thi hành xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư để xử lý.

Trước đây, tại khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký./. 

>>>Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố vì những tội danh gì?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục