Khai mạc Diễn đàn Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh năm 2024

10:37' - 25/09/2024
BNEWS Sáng 25/9, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã khai mạc Diễn đàn kinh tế Tp. Hồ Chí Minh năm 2024 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững Tp. Hồ Chí Minh".

Dự phiên khai mạc có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cùng lãnh đạo UBND Tp. Hồ Chí Minh và các chuyên gia kinh tế trong nước, quốc tế.

 

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bí thư Thành uỷ Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chia sẻ, với vai trò của một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, có nhiều đóng góp vào thành tựu chung của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đang đứng trước yêu cầu cấp bách của tiến trình nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã giao nhiệm vụ cho Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, đến năm 20245 là thành phố có nền công nghiệp phát triển hiện đại ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực, vươn tầm châu lục với nhiều chỉ tiêu lớn và cụ thể.

Để đạt được các mục tiêu đó, Bí thư Thành uỷ Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, trong giai đoạn hiện nay, cùng với các giải pháp cho phát triển bền vững, Tp. Hồ Chí Minh chọn chuyển đổi xanh, bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, chuyển đổi công nghiệp là động lực, chuyển đổi số là đột phá và hợp tác phát triển là nhiệm vụ quan trọng và tất yếu. Trước mắt, Tp. Hồ Chí Minh phải tập trung vượt qua ba thử thách lớn: nhanh chóng cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, công nghệ, môi trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách thể chế, thủ tục hành chính; có những cơ chế chính sách vượt trội, đột phá để huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi hơn nữa để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm đầu tư, hoạt động và phát triển.

Sau phiên khai mạc, phiên toàn thể diễn ra với nhiều báo cáo xoay quanh chủ đề của diễn đàn như: xu thế chủ đạo về chuyển đổi công nghiệp trên thế giới; hệ sinh thái quản trị và chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp; định hướng chuyển đổi công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh trong bối cảnh kết nối vùng, khu vực, quốc tế và xu hướng công nghệ mới…

Chia sẻ về định hướng chuyển đổi công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh cho biết, xu hướng phát triển bền vững đang trở nên phổ biến trên toàn cầu với trọng tâm là giảm phát thải để ứng phó biến đổi khí hậu. Các thị trường xuất khẩu ngày càng đưa ra các yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe về môi trường đối với sản phẩm hàng hóa. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới gắn thương mại với phát triển bền vững và trách nhiệm của doanh nghiệp. Các chuẩn mực chung về phát triển bền vững như ESG, IFRS; GRI, CSR… dần phổ biến và chuyển từ tự nguyện sang bắt buộc. Nếu không chuyển đổi và tuân thủ, các doanh nghiệp (kể cả xuất khẩu hay không xuất khẩu) đều có nguy cơ mất thị trường.

Tp. Hồ Chí Minh là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước; kết nối và ảnh hưởng sâu rộng đến vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. So với cả nước, Tp. Hồ Chí Minh có diện tích chỉ bằng 0,63%, chiếm 9,4% dân số cả nước nhưng đóng góp 15,9% GDP, 26,4% tổng thu ngân sách, 39,9% khách du lịch quốc tế. Đóng góp kinh ngạch xuất khẩu và thu hút đầu tư đứng đầu cả nước.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Bình An, trong thời gian qua vị thế và vai trò trung tâm của Tp. Hồ Chí Minhso với cả nước chưa tương xứng và có xu hướng giảm sút: tỷ trọng kinh tế thành phố so với cả nước giảm. Số lượng doanh nghiệp của Tp. Hồ Chí Minh chiếm 30% cả nước nhưng năng lực cạnh tranh hạn chế. Tỷ trọng xuất khẩu giảm nhanh, chỉ còn 12% cả nước (năm 2023); tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp trong nền kinh tế giảm dần (năm 2022 chỉ còn chiếm 19% GRDP, so với trung bình cả nước là 32%).

Đáng lo ngại hơn trong những năm qua kinh tế thành phố phát triển cơ bản theo chiều rộng, nên động lực tăng trưởng cạn dần. Hạ tầng công nghiệp hạn chế và không đáp ứng phát triển theo chiều rộng; diện tích đất khu công nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đạt 5.921 ha, chỉ chiếm 2,81% so cả nước, với giá đất ngày càng đắt đỏ.

Trong bối cảnh đó, Tp. Hồ Chí Minh cần tái cơ cấu nền kinh tế hay chuyển đổi công nghiệp với nội hàm chuyển đổi kép và nâng cấp chuỗi giá trị, phát triển các ngành công nghiệp cốt lõi, từ đó tìm kiếm động lực tăng trưởng mới. Theo đó, Tp. Hồ Chí Minh định hướng chuyển đổi theo 3 trục: chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển bền vững; tái cấu trúc, nâng cấp các ngành, lĩnh vực có hàm lượng giá trị gia tăng cao; bố trí và kết nối không gian phát triển mới thông qua liên kết vùng, khu vực.

Theo bà Kiva Allgood, Giám đốc Trung tâm Sản xuất tiên tiến và chuỗi cung ứng, Thành viên, Giám đốc điều hành Ủy ban Diễn đàn Kinh tế Thế giới: các xu thế chủ đạo chuyển đổi chuyển đổi công nghiệp trên thế giới chịu tác động của việc xuất hiện liên tục các công nghệ mới. Sản xuất công nghiệp có sự thay đổi sâu sắc do sự dịch chuyển chuỗi chung ứng cũng như nhu cầu tiêu dùng sane phẩm bền vững ngày càng cao.

Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) là chìa khoá mới cho công nghiệp sau thời kỳ tự động hoá, robotics. AI giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu và Diễn đàn kinh tế thế giới là nơi mà các quốc gia, những chuyên gia hàng đầu  chia sẻ ý tưởng, sáng kiến mới cũng như các thông tin dữ liệu.

Biến đổi khí hậu cũng là một trong những yếu tố tác động lớn đến kinh tế và thúc đẩy xu hướng chuyển đổi sản xuất xanh, bền vững, thực hiện ESG góp phần cân bằng giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.

Một trong những xu hướng khó dự báo nhất nhưng đang diễn ra đó là sự dịch chuyển về địa chính trị, việc này đỏi hỏi các quốc gia, doanh nghiệp phải có phương án dự phòng để duy trì tính liên tục của chuỗi cung ứng. Mức độ sẵn sàng thích ứng của mỗi quốc gia quyết định việc quốc gia đó có nắm bắt được cơ hội trong làn sóng dịch chuyển sản xuất, đầu tư sau mỗi biến động.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục