Khai mạc Festival Khởi nghiệp 2022

19:08' - 19/01/2022
BNEWS Chiều 19/1 tại Hà Nội đã khai mạc Chương trình Festival Khởi nghiệp 2022.
Tôn vinh các dự án xuất sắc nhất trong năm 2021 của Chương trình Khởi nghiệp quốc gia. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN
Sự kiện do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương, đại diện một số tổ chức quốc tế, các tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp, các cố vấn, huấn luyện viên khởi nghiệp, các nhà đầu tư, nhà tài trợ và cộng đồng doanh nghiệp...

Phát biểu khai mạc Festival Khởi nghiệp 2022, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, sự kiện này là ngày hội truyền thống đã được VCCI duy trì suốt 19 năm qua. Trong xu hướng chung của toàn cầu, năm 2021, Việt Nam cũng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn với đại dịch COVID-19 diễn biến vô cùng phức tạp.

Nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước vừa phải oằn mình chống dịch, vừa nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để duy trì và phát triển kinh tế. Lần đầu tiên trong lịch sử, kinh tế Việt Nam tăng trưởng âm hơn 6%. Thế giới đang trở nên mong manh hơn trước yêu cầu phát triển bền vững, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, vẫn có những điểm sáng nổi lên, đó là sức sống mãnh liệt của doanh nghiệp Việt Nam và tinh thần khởi nghiệp kinh doanh của người dân Việt Nam, ông Phạm Tấn Công khẳng định.

Năm 2021, nền kinh tế đón nhận 116.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, 43.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2021 lên đến gần 160.000 doanh nghiệp.

Khó khăn như vậy, nhưng bình quân mỗi tháng trong năm 2021 đã có 13.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động; trong đó, khoảng 10.000 doanh nghiệp thành lập mới. Điều này cho thấy, nỗ lực tái cấu trúc và thích ứng của khu vực doanh nghiệp trong nền kinh tế, cũng như tinh thần khởi nghiệp kinh doanh của người dân, doanh nghiệp Việt Nam vô cùng mạnh mẽ.

Mọi hoạt động của VCCI từ nay sẽ luôn gắn kết với mục tiêu phát triển của quốc gia, xây dựng doanh nghiệp vững và mạnh, góp phần xây dựng quốc gia thịnh vượng. Bên cạnh đó, liên kết, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, các hiệp hội doanh bền vững văn minh hội nhập và ngang tầm thế giới. Chung tay đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, phồn vinh, hạnh phúc vào năm 2045.

Để đạt được điều này, theo Chủ tịch VCCI, rất cần tinh thần khởi nghiệp kinh doanh, sáng tạo của người dân, doanh nghiệp để đưa Việt Nam có bước tiến dài, tham gia vào nhóm các quốc gia phát triển sau 25 năm nữa. VCCI cam kết cùng tất cả bộ, ban ngành, cơ quan tổ chức trong cả nước huy động sức mạnh trí tuệ của người dân Việt Nam cho mục tiêu này.

Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và đứng thứ 59/100 quốc gia về hệ sinh thái khởi nghiệp. Hệ sinh thái Tp.Hồ Chí Minh tăng 46 bậc, xếp vị trí 179; Hà Nội tăng 5 bậc lên vị trí 191. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá xếp thứ 3 trong nhóm 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore.

Điều này thêm một lần nữa khẳng định, Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Với Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, VCCI tự hào đã đi tiên phong trong hành trình thắp lửa khởi nghiệp ở Việt Nam.

Theo đó, hàng vạn thanh niên đã tham gia và hàng nghìn dự án khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo cũng như hàng nghìn nhà khởi nghiệp đã trưởng thành từ "chiếc nôi" này.

Phát biểu buổi lễ, bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam bày tỏ sự vui mừng về những kết quả đạt được và thành công trong hợp tác giữa Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia và Chương trình Youth Co: Lab 2021. Sự kiện đã vinh danh và trao giải cho các công ty khởi nghiệp tạo tác động xuất sắc và khởi động hành trình mới vào năm 2022.

Bất chấp bối cảnh ngày càng khó khăn của dịch COVID-19, bà Caitlin hoan nghênh Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia đã tiếp tục các hoạt động lớn, để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp do thanh niên lãnh đạo. UNDP và dự án YouthCo: Lab cũng tự hào đã được hợp tác với VCCI để hỗ trợ Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia về thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới toàn diện đẩy nhanh

tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Năm 2022, UNDP cùng với Bộ Các vấn đề toàn cầu của Canada và Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam khởi động dự án ISEE-COVID, một dự án trị giá 3 triệu đô la Canada (CAD), nhằm thúc đẩy hệ sinh thái doanh nghiệp tạo tác động xã hội (bao gồm cả các công ty khởi nghiệp có tác động) để ứng phó với COVID-19.

"Với những cam kết cụ thể này, UNDP và các đối tác mong muốn xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tạo tác động và tạo động lực cho các doanh nhân trẻ với mục tiêu cốt lõi đơn giản là khai thông tiềm năng của các doanh nhân trẻ trong việc áp dụng và điều chỉnh các giải pháp mới, nhằm thúc đẩy quá trình đạt được các mục tiêp phát triển bền vững", bà Caitlin cho biết.

Cũng tại sự kiện, ông Ivo Sieber Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam đã chia sẻ về hành trình và môi trường khởi nghiệp sáng tạo tại Thụy Sĩ. Theo đó, Thuỵ Sĩ là nơi hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp cũng như cá nhân khởi nghiệp. Nền kinh tế phát triển nhanh, cùng với đó là môi trường pháp lý phát triển ổn định nên hình thành môi trường tốt cho khởi nghiệp sáng tạo.

Hàng năm, có khoảng 300 công ty khởi nghiệp mới được hình thành tại Thuỵ Sĩ. So với cách đây khoảng 5 năm, con số này đã tăng lên gấp 4 lần. Các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Thuỵ Sĩ chủ yếu khởi nghiệp trong các lĩnh vực như công nghệ y tế, công nghệ sinh học, năng lượng, tài chính. Đây cũng là nơi thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao nên đến để đầu tư phát triển.

Về bài học cho Việt Nam trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, ông Ivo Sieber cho rằng, vai trò của Chính phủ là vô cùng quan trọng. Chính phủ phải tích cực trong việc tạo nên hành lang pháp lý thuận lợi để thúc đẩy các cá nhân và doanh nghiệp tham gia vào khởi nghiệp. Tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp cũng cần được thúc đẩy trong các tổ chức giáo dục.

"Thụy Sĩ hiện đang triển khai Chương trình Doanh nhân Thụy Sĩ. Đây là chương trình tiếp cận sáng tạo để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam. Chúng tôi tài trợ chương trình này cho Việt Nam nhằm tạo ra tiếp cận tài chính. Chương trình hiện nay có nguồn tài trợ lên đến 2 triệu USD, các doanh nghiệp khởi nghiệp là đơn vị thụ hưởng cuối cùng của các hỗ trợ từ chương trình. Với chương trình này chúng tôi coi mình như đơn vị tăng tốc cho các đơn vị trong quá trình khởi nghiệp". Ông Ivo Sieber cũng khẳng định và cho biết, Chính phủ Thụy Sĩ sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác cùng với Việt Nam trong con đường hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhân tham gia khởi nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục