Kỳ vọng nhà đầu tư trong nước tham gia nhiều hơn vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

21:16' - 10/01/2022
BNEWS Năm 2021, thu hút đầu tư vào các dự án khởi nghiệp tại Việt Nam đạt kỷ lục với hơn 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, phần lớn các thương vụ là do các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện.

Năm 2021, thu hút đầu tư vào các dự án khởi nghiệp tại Việt Nam đạt kỷ lục với hơn 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, phần lớn các thương vụ là do các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện. Các nhà đầu tư trong nước cần tham gia nhiều hơn vào các dự án này để khơi thông được nguồn lực trong nước.

Thông tin trên được đưa ra tại “Chương trình gặp gỡ 2022: Triển vọng đầu tư vào thị trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (Sihub) phối hợp cùng Công ty cổ phần Viet Lotus (chuyên hoạt động về đổi mới sáng tạo) tổ chức chiều 10/1.

Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), đổi mới sáng tạo vẫn chủ yếu dựa vào sự tự thân của người trẻ và trông đợi nhiều vào các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài.

Trong khi đó, nguồn lực trong nước dù có nhiều nhưng chưa được khai phá. Ông Quất bày tỏ hi vọng, những doanh nghiệp lớn trong nước đã đầu tư thành công trong những lĩnh vực khác, sẽ trở thành nhà đầu tư cho đổi mới sáng tạo - công nghệ, hình thành các nhà đầu tư nội địa, khai thông được nguồn lực.

 

Ông Phạm Hồng Quất đánh giá, thời gian qua, các tập đoàn là nguồn lực lớn nhất của một quốc gia thì hầu như vẫn nhập các công nghệ ngoại, dựa vào nguồn công nghệ nhập khẩu; đồng thời không thương mại hóa được nguồn công nghệ trong nước. Do đó, chúng ta đều mong muốn những doanh nghiệp lớn của Việt Nam là người đặt hàng cho các bạn trẻ khởi nghiệp (startup) và cũng là những người đầu tiên sử dụng sản phẩm đó.

Ở góc nhìn về đầu tư, ông Phạm Duy Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ khởi nghiệp Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam chia sẻ, phải xác định đầu tư về đổi mới sáng tạo là đầu tư mạo hiểm, không phải đầu tư chắc chắn. Chỉ khi xác định như vậy thì hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mới được đầu tư mạnh mẽ. Việc đầu tư này rất động, thay đổi liên tục và trông chờ vào sự trưởng thành của các nhóm khởi nghiệp. Đầu tư trong đổi mới sáng tạo không giới hạn sự tham gia của các nhà đầu tư khác nhau. Hợp lực lại, chúng ta sẽ tạo ra sự sáng tạo rất lớn.

Năm 2020 do tác động của dịch COVID-19, đầu tư khởi nghiệp vào Việt Nam giảm hơn 60%, từ 861 triệu USD năm 2019 xuống 317 triệu USD. Tuy nhiên, năm 2021, Việt Nam ghi nhận sự gia tăng vượt bậc về thu hút đầu tư khởi nghiệp với trên 1,3 tỷ USD, con số kỷ lục trong hoạt động đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam.

Dù vậy, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đặt vấn đề, Việt Nam có 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng mỗi năm chỉ có khoảng 100 dự án được gọi vốn; thậm chí có năm chỉ 60 dự án gọi vốn. Đơn cử năm 2021 rất thành công, nhưng chỉ có 147 dự án được gọi vốn, dù hiện có 200 tổ chức đầu tư tại Việt Nam. Trung bình mỗi quỹ đầu tư 1 năm gọi vốn chưa được một dự án. Do vậy, các vườn ươm, đơn vị tăng tốc khởi nghiệp cần tìm hiểu, nắm bắt được nhà đầu tư cần gì để đáp ứng được thị trường này.

Tại buổi gặp gỡ, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cùng Công ty cổ phần Viet Lotus đã ký kết hợp tác thúc đẩy, xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mối sáng tạo trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục