Khai mạc hội nghị ngành đường quốc tế IAPSIT lần thứ 8

17:31' - 16/09/2024
BNEWS “Hội nghị ngành đường quốc tế IAPSIT lần thứ 8 năm 2024” đã chính thức được khai mạc ngày 16/9, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Hội nghị do Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm ICISE phối hợp cùng Hiệp hội Quốc tế về ngành Đường và Công nghệ Mía Đường (IAPSIT), Hiệp hội Nghiên cứu và Xúc tiến ngành Đường (SSRP) tổ chức.

Gần 200 đại biểu đến từ Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Cộng hòa Fiji, Philipipines, Mỹ, Việt Nam tham dự.

Trong 4 ngày từ 16 -19/9, các đại biểu sẽ thảo luận vào các vấn đề liên quan đến sự bền vững của ngành mía đường ở khu vực ASEAN và các nguy cơ sắp tới từ biến đổi khí hậu và thời tiết thất thường đối với ngành công nghiệp đường.

 

Các đại biểu tập trung thảo luận về các giải pháp khai thác tiềm năng đổi mới công nghệ trong các lĩnh vực như năng lượng sinh học, thu hoạch xanh, lưu trữ carbon, giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu và công nghệ nông nghiệp 4.0.

Ngoài ra, các giải pháp công nghệ về quản lý nước, tái chế hơi nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao giá trị từ sinh khối như cellulose, lignin, mật rỉ, CO2 cũng sẽ được bàn luận. Sản xuất nhiên liệu sinh học từ cellulose, công nghệ pin nhiên liệu hydro và nhiên liệu hàng không cũng được xem xét nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon.

Theo ban tổ chức, hội nghị sẽ đề xuất mô hình nhà máy lọc sinh học (bio-refinery) như một hướng đi bền vững cho ngành công nghiệp đường. Mô hình này sẽ tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn từ mía và phụ phẩm, đồng thời thúc đẩy sự chuyển đổi sang nền kinh tế sinh học toàn cầu, mở ra cơ hội thị trường mới cho ngành đường. Sự phát triển của các công nghệ và kiến thức mới sẽ giúp tăng cường năng suất, lợi nhuận, khả năng cạnh tranh và bền vững cho ngành.

Tại hội nghị, các nhà nghiên cứu, chuyên gia công nghệ, nhà quản lý, nhà sản xuất và nông dân tiên tiến từ các nước không những chia sẻ các quan điểm, kinh nghiệm về các vấn đề toàn cầu mà còn tạo ra những sáng kiến phát triển bền vững và lợi nhuận cho ngành mía đường, củ cải đường, các ngành công nghiệp tích hợp, đặc biệt là trong khu vực ASEAN.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Hà - Phó Giám đốc phụ trách Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định cho biết, hội nghị là cơ hội để các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất trong lĩnh vực sản xuất đường. Đồng thời, hội nghị cũng là cầu nối để các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường. Với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, hội nghị sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành đường Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới.

Tiến sĩ Solomon, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu và xúc tiến ngành Đường (SSRP) cho biết, việc tổ chức hội nghị ngành đường quốc tế là một nỗ lực không nhỏ nhằm thiết lập sự hợp tác công nghệ sâu rộng với ngành đường. Các sáng kiến này sẽ thúc đẩy phát triển các giống cây trồng phù hợp với từng địa phương, hệ thống canh tác chịu khí hậu, cơ giới hóa phù hợp và tăng cường năng suất cây mía trong điều kiện khí hậu thay đổi.

Theo ông Solomon, nông nghiệp là một phần quan trọng trong cuộc sống của các quốc gia ASEAN, với 8/10 quốc gia trong khu vực phụ thuộc vào nông nghiệp và các hoạt động liên quan. Mía đường là một trong những cây trồng quan trọng ở khu vực này, chiếm gần 2,8 triệu ha và đóng vai trò quan trọng trong thương mại đường toàn cầu, đóng góp khoảng 10% sản lượng đường thế giới.

Sản lượng đường ước tính từ khu vực này là hơn 17 triệu tấn hàng năm. Khối lượng nhập khẩu hàng năm qua các quốc gia ASEAN thường dao động từ 5 - 6 triệu tấn; trong đó đường mía là mặt hàng đường chính được giao dịch quốc tế từ khu vực này.

Tiến sỹ Solomon cũng chia sẻ: “Các phương pháp nông nghiệp bền vững và đa dạng hóa là rất quan trọng để đảm bảo sự sống còn lâu dài của ngành đường ở ASEAN. Công nghệ xanh trong quản lý sản xuất mía, nông nghiệp chính xác, quản lý bệnh và sâu bệnh tích hợp, giám sát và lập bản đồ cây trồng bằng UAV và việc sử dụng phân bón sinh học, hữu cơ có thể giảm tác động đến môi trường, cải thiện năng suất cây trồng, đặc biệt là ở các nước như Việt Nam, Philippines, Indonesia, Campuchia và Myanmar.

Ông Solomon cũng cho biết thêm, việc áp dụng hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước, nông nghiệp thông minh, tích hợp luân canh cây trồng, trồng cây xen kẽ và phát triển các giống mía thích ứng với biến đổi khí hậu, bằng cách thúc đẩy hợp tác, chấp nhận các tiến bộ công nghệ và ưu tiên sự bền vững, các quốc gia ASEAN có thể tối đa hóa tiềm năng ngành đường, đồng thời duy trì mức độ năng suất cao và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế khu vực và an ninh lương thực.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, ngành công nghiệp đường bao gồm sản xuất, chế biến và tiếp thị các sản phẩm đường, chủ yếu từ cây mía và củ cải đường; trong đó cây mía chiếm gần 80% sản lượng toàn cầu. Mía cũng được coi là một trong những nguồn sinh khối hiệu quả nhất để sản xuất nhiên liệu sinh học.

Tuy nhiên, quá trình sản xuất và chế biến đường đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và xã hội. Các bên liên quan, từ nông dân, nhà sản xuất đến công ty năng lượng và thực phẩm đang tìm kiếm các giải pháp để giải quyết những vấn đề liên quan đến sản xuất đường, nhiên liệu sinh học và phát triển bền vững.

Ngành công nghiệp đường toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức lớn về chi phí sản xuất, biến đổi khí hậu và các vấn đề sinh học cũng như phi sinh học. Các thay đổi về mô hình sản xuất và tiêu thụ đường càng làm gia tăng áp lực cạnh tranh. Đại dịch COVID-19 và các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu đã tác động đến sản xuất, tiêu thụ và thương mại đường trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này vẫn có tiềm năng đóng góp đáng kể vào việc phát triển bền vững và toàn diện.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tháng 6/2024, ngành mía đường Việt Nam đã hoàn thành vụ ép mía 2023 - 2024 với sản lượng đạt trên 11,2 triệu tấn mía, sản xuất được gần 1,2 triệu tấn đường các loại. So với vụ ép 2022 - 2023, sản lượng mía ép đạt 117,9% và sản lượng đường đạt 118,4%. Trong vòng 4 vụ liên tiếp, sản lượng mía ép đạt mức tăng 166% và sản lượng đường đạt mức tăng 161%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục