Khai mạc hội nghị trực tuyến Bộ trưởng ASEAN về Khoáng sản lần thứ 8

12:46' - 08/10/2021
BNEWS Sáng 8/10, Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng ASEAN về Khoáng sản lần thứ 8 (AMMin 8) đã khai mạc tại đầu cầu Hà Nội có kết nối mạng với 10 nước ASEAN và Ban Thư ký ASEAN.

Phát biểu tại lễ khai mạc AMMin 8 và các hội nghị liên quan, tại điểm cầu Việt Nam ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết, tài nguyên khoáng sản đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian dài.

Tuy nhiên, việc khai thác quá mức và sử dụng thiếu bền vững nguồn tài nguyên quý giá phục vụ mục đích phát triển của con người đã làm thay đổi cảnh quan trái đất, dẫn đến thách thức nghiêm trọng của thời đại như: ô nhiễm môi trường, sụp đổ hệ sinh thái, khủng hoảng khí hậu…

 Đây chính là cơ hội để ngành khoáng sản của cộng đồng ASEAN thực hiện việc chuyển đổi con đường phát triển, chú trọng công nghệ khai thác, chế biến, gia tăng giá trị, thân thiện với môi trường, phù hợp với các xu thế toàn cầu như: phát triển kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

"Hướng tới mục tiêu chung xây dựng ngành công nghiệp khoáng sản bền vững, góp phần thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, giải quyết những thách thức toàn cầu đang đặt ra, cộng đồng ASEAN cần tăng cường hợp tác và phối hợp chặt chẽ hơn trong thời gian tới. Là một thành viên tích cực và trách nhiệm của cộng đồng ASEAN, Việt Nam sẵn sàng hợp tác cùng các quốc gia và các đối tác chia sẻ kiến thức, tri thức khoa học về khoáng sản và công nghệ mới nhằm tìm kiếm những khoáng sản chiến lược mới; tạo ra những giá trị mang tính lâu dài như bảo tàng, công viên địa chất", ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã có tham luận về các vấn đề liên quan đến các giải pháp và các nhiệm vụ ưu tiên ASEAN 2021, phát triển cộng đồng ASEAN, các vấn đề kết nối và xuyên suốt; báo cáo việc thực hiện và giám sát kế hoạch hành động hợp tác ASEAN về khoáng sản (AMCAP); báo cáo của Hiệp hội Khai khoáng ASEAN (AFMA); phân tích của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) về "vai trò của khoáng sản quan trọng trong chuyển đổi năng lượng sạch"; triển vọng phát triển của hợp tác khoáng sản ASEAN; thông qua kế hoạch hành động hợp tác khoáng sản ASEAN (AMCAP-III) giai đoạn 2: 2021-2025…

Để phát triển khoáng sản bền vững trong khu vực, theo ông Suy Sem, Bộ trưởng Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia, kế hoạch hành động hợp tác khoáng sản ASEAN 2016-2025 (AMCAP III) giai đoạn 2 (2021-2025) tập trung vào việc đầu tư các giai đoạn của chuỗi giá trị khoáng sản.

Trong đó, thăm dò là bước khởi đầu và tập trung từng bước xây dựng các cơ hội trong chuỗi giá trị khoáng sản, bao gồm các hành động mà các quốc gia có nền khai khoáng tiên tiến (AMS) có thể thực hiện hưởng lợi từ những cơ hội này.

Xây dựng tính tiềm năng về địa chất và chính sách sẽ là chìa khóa cho cách tiếp cận này.

Bên cạnh đó, để nâng cao trọng tâm của việc thực hiện AMCAP, AMCAP III giai đoạn 2 thì cần thực hiện chương trình nâng cao năng lực khu vực trong hợp tác khoáng sản ASEAN dựa trên 5 chủ đề chính: ước tính trữ lượng và tài nguyên; giá trị gia tăng về khoáng sản; công nghệ khai thác xanh; quản lý môi trường mỏ và phục hồi mỏ.

Đồng thời, AMCAP III giai đoạn 2 cần ứng dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu và thông tin về khoáng sản (MID) trong nền tảng ASOOM +3 nhằm thúc đẩy trao đổi thông tin kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm và các phương pháp hay nhất về phát triển AMDIS, nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát triển khoa học địa chất, phát triển bền vững tài nguyên khoáng sản…

Theo chương trình hội nghị, các đại biểu  thảo luận, tóm tắt các vấn đề liên quan đến các giải pháp chính và các nhiệm vụ ưu tiên cho ASEAN 2021 và phát triển cộng đồng ASEAN, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nền kinh tế tuần hoàn; tóm tắt về các kết quả chính được hoàn thành bởi ASOMM và Nhóm công tác trong năm 2020, 2021 bao gồm cả tiến độ hợp tác với các đối tác và ghi nhận tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan để xây dựng, hỗ trợ phát triển chính sách, mục tiêu, nguyên tắc và thực tiễn khai thác khoáng sản bền vững trong ASEAN; đưa ra một tuyên bố ngắn gọn về chính sách: các ưu tiên và lợi ích quốc gia đối với phát triển công nghiệp khai thác khoáng sản, bao gồm phát triển và quản trị khoáng sản quốc gia; thông qua "Các khuyến nghị chính về hợp tác khu vực về khoáng sản để ứng phó với các cơ hội và thách thức của một tương lai chuyên sâu về khoáng sản.

Các đại biểu cũng ghi nhận việc thông qua Tuyên bố chương trình nghị sự ASEAN về khai thác khoáng sản và các mục tiêu thực hiện chương trình nghị sự 2030 sẽ thúc đẩy thực hiện hợp tác khai thác khoáng sản ASEAN một cách toàn diện trong giai đoạn phát triển mới, hướng tới một cộng đồng ASEAN thịnh vượng, xanh và bền vững; đóng góp tích cực vào các sáng kiến toàn cầu hiện nay, nâng cao vị thế của ASEAN trên thế giới và tương lai của từng thành viên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục