Khai thác hiệu quả tiềm năng nguồn năng lượng sạch

21:17' - 11/03/2021
BNEWS Dự thảo Đề án Quy hoạch Điện VIII đã thiết kế tỷ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo lên tới 30% trong tổng công suất nguồn của hệ thống điện quốc gia, nhằm khai thác tiềm năng điện sạch.
Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Quy hoạch Điện VIII) mới đây được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng, dự thảo được đưa ra lấy ý kiến còn nhiều lĩnh vực cần được nghiên cứu kỹ lưỡng; trong đó, có vấn đề các chính sách để đẩy mạnh nguồn năng lượng tái tạo lên lưới.

Dự thảo Đề án Quy hoạch Điện VIII đã thiết kế tỷ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo lên tới 30% trong tổng công suất nguồn của hệ thống điện quốc gia, nhằm khai thác tiềm năng điện sạch của Việt Nam giai đoạn này. Đây là một điểm mới so với các quy hoạch điện trước, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như phù hợp với xu thế phát triển năng lượng xanh hiện nay.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Việt Nam (thành viên Hội đồng phản biện Đề án Quy hoạch Điện VIII) cho rằng, dự thảo Quy hoạch Điện VIII lần này vẫn chưa tính toán kỹ lưỡng tới vấn đề lưới truyền tải điện, còn đang ở các phương án nếu - dựa trên cơ sở “kịch bản đề xuất” và tiềm năng của các tỉnh - nên rất khó triển khai trên thực tế. Đó là chưa kể khi nguồn điện năng lượng tái tạo được đưa vào nhiều sẽ gây rủi ro lớn cho hệ thống điện.

Ông Tuấn cho rằng, phải đưa ra một phương án lưới chắc chắn ít nhất là đến 2030 và không được dưới mức giới hạn thì mới làm được, bởi hiện yêu cầu cho lưới truyền tải điện rất cao. Đây là vấn đề khó của quy hoạch khi đưa vào nhiều năng lượng tái tạo.

TS Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia năng lượng, nguyên Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng cho rằng, thời gian qua, chủ đầu tư phải chịu hậu quả của việc phát triển điện tái tạo quá nóng nhưng chưa thấy dự thảo Quy hoạch Điện VIII đưa ra giải pháp khắc phục. Nhiều nguồn phát nhưng chúng ta không thể phát lên lưới. Điều này làm giảm hiệu quả đầu tư và sức hút đầu tư tư nhân trong lĩnh vực này.

"Cần phải chấm dứt việc chạy theo đề xuất của chủ đầu tư, nhét dự án vào quy hoạch bất chấp mọi cân đối về nguồn và lưới. Quy hoạch điện phải bám vào Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, thể hiện các thông tin về việc thời điểm nào cần dự án ra sao và đặt ở đâu. Từ đó, sẽ quyết định dự án phù hợp xuất hiện ở thời điểm phù hợp để tối ưu hóa được việc phân bổ nguồn lực, thay vì nguồn có nhiều mà không phát lên lưới được, người tiêu dùng cũng không được hưởng lợi", TS Nguyễn Thành Sơn nêu.

Thực tế thời gian qua, nhiều nhà đầu tư điện mặt trời đã “khóc ròng” khi buộc phải tiết giảm nguồn phát do nhu cầu giảm và có thời điểm lưới điện truyền tải không theo kịp, gây lãng phí nguồn lực lớn của xã hội và gây rủi ro cho nhà đầu tư tư nhân. Ngay cả khi truyền tải đáp ứng được thì tỷ trọng điện tái tạo quá lớn cũng đặt ra những lo lắng về độ an toàn hệ thống điện do đặc tính “thất thường của thời tiết”.

Theo các chuyên gia, thời gian đưa ra lấy ý kiến về Dự thảo Đề án Quy hoạch Điện VIII là quá gấp, không đủ để các chuyên gia và người dân đọc - hiểu. Từ đó, có được những đóng góp có chất lượng, nhất là khi đây là một bản quy hoạch kinh tế xen lẫn kỹ thuật năng lượng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cũng cho rằng, với hệ thống điện hiện nay thì bao nhiêu nguồn năng lượng tái tạo là an toàn, hệ thống lưu trữ năng lượng, khả năng phát lên lưới... Những vấn đề này phải phân tích và phải tính toán.

Theo ông Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng, Quy hoạch điện VIII có 4 tập, 831 trang nhưng phần giải pháp quá ít. Trong khi đó, quy hoạch khác với định hướng, chính sách. Quy hoạch phải rất cụ thể, công nghệ ra sao, hiệu quả năng lượng, giá cả như thế nào... Nếu không có giải pháp thì vài năm nữa, rất dễ phải điều chỉnh lại, vì vậy ngay từ bây giờ phải thấy rõ những vướng mắc để xử lý.

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cho rằng, Dự thảo Quy hoạch Điện VIII đã nâng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo lên, phù hợp với xu hướng phát triển, song cần tránh các bài học của giai đoạn  trước, đặc biệt liên quan đến việc lưới truyền tải điện không đáp ứng được để đưa lên lưới.

Đại diện doanh nghiệp, ông Phạm Nam Phong, Chủ tịch Vũ Phong Energy Group cho hay, nhiều doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp FDI hay các doanh nghiệp sản xuất, gia công cho các hãng lớn tại Việt Nam đều đang có định hướng sử dụng 100% năng lượng tái tạo.

Do vậy, quy hoạch cần khuyến khích điện sạch đưa lên lưới mà không ảnh hưởng hệ thống điện, sa thải công suất, như: điện mặt trời áp mái bằng hình thức tự sản xuất - tự tiêu thụ, bởi đây cũng là cơ chế thuận lợi mới để mời gọi thêm nhà đầu tư sản xuất lớn vào Việt Nam.

Các nguồn năng lượng điện mặt trời, gió cần được tiếp tục ưu tiên phát triển bởi đây là nguồn tài nguyên đặc biệt lớn của đất nước. Vấn đề đặt ra là các nguồn năng lượng này thời gian qua cho thấy sự thiếu ổn định, thời gian phát điện tập trung vào một số thời điểm trong ngày và những hạn chế của lưới điện truyền tải nguồn năng lượng này.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị các thành viên Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII khẩn trương góp ý kiến vào đề án; các chuyên gia phản biện làm việc tích cực, sớm có báo cáo phản biện. Bộ Công Thương nhanh chóng tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện Đề án để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục