Khai thác tiềm năng thị trường Australia từ CPTPP

15:27' - 12/04/2019
BNEWS Australia là 1 trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, với nhiều tiềm năng về khoa học công nghệ, khai thác khoáng sản, dịch vụ chất lượng cao, sản phẩm nông nghiệp...
 
Khai thác tiềm năng thị trường Australia từ CPTPP.

Ảnh: Ngọc Quỳnh/Bnews-TTXVN

Ngày 12/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo "Tiềm năng thị trường Australia từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)". Sự kiện thu hút đại diện lãnh đạo các cơ quan, bộ ngành, giới luật gia và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), Australia là 1 trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, với nhiều tiềm năng nổi bật về khoa học công nghệ, khai thác khoáng sản, dịch vụ chất lượng cao, sản phẩm nông nghiệp... Australia cũng là thị trường có sức mua cao và ổn định. Đặc biệt, hiện Việt Nam và Australia đều là thành viên của CPTPP. Đây chính là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy giao thương, mở rộng quy mô tiếp nhận đầu tư và hợp tác trong thời gian tới.

Mặc dù, tiềm năng, thế mạnh và các loại sản phẩm của mỗi bên đều rất phong phú, không có tính chất cạnh tranh trực tiếp nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia còn hạn chế. Sản phẩm xuất khẩu lớn nhất là giày dép và hạt điều, trong khi các sản phẩm khác đã có mặt nhưng chưa có sự bứt phá đáng kể.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho biết thêm, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng cơ hội thực thi cam kết trong khuôn khổ CPTPP, nhất là việc cắt giảm thuế quan để tăng cường xuất khẩu sang thị trường Australia. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể kêu gọi sự hợp tác, nhập khẩu các sản phẩm hoặc công nghệ mà Australia có thế mạnh; kể cả nhu cầu về tư vấn, cung cấp dịch vụ chất lượng cao...

Theo bà Phùng Thị Lan Phương, Trưởng phòng FTA thuộc Trung tâm WTO, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu rõ về thị trường, thị hiếu cũng như các quy định pháp luật; đặc biệt là quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và xuất xứ, nhãn hàng hóa, lịch giao hàng để đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu. Cần lưu ý là, nhà nhập khẩu Australia thuộc hàng khó tính nhất toàn cầu...

Dư địa cho xuất khẩu hàng Việt Nam sang nước bạn còn nhiều, nhưng không tập trung vào tất cả các loại sản phẩm và số người tiêu dùng cũng nhỏ hơn nhiều so với các thị trường truyền thống khác.

Thời gian tới, doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ khả năng thâm nhập thị trường bạn, tập trung vào một số sản phẩm nông nghiệp độc đáo như: thanh long, xoài; các sản phẩm chủ lực như: dệt may, máy tính, đồ gỗ nội thất, điện thoại...

Dưới góc độ thực tiễn, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay, quan điểm của các nhà nhập khẩu Australia với các đối tác nước ngoài là giá cả sản phẩm nhập khẩu đã được tính thuế giao tại Australia phải rẻ hơn giá mặt hàng tương tự được sản xuất tại Australia hoặc từ các nguồn khác.

Nhà cung cấp phải có khả năng sản xuất những sản phẩm có chất lượng ổn định, giao hàng đúng hạn và giữ liên lạc thường xuyên. Nhà cung cấp cũng phải sẵn sàng chấp nhận những đơn đặt hàng có giá trị vừa phải. Vì thế, trên thực tiễn, sự cạnh tranh trong lĩnh vực nhập khẩu và bán lẻ tại thị trường này rất mạnh mẽ. Cùng với đó, là sự mở cửa của chính sách nhập khẩu của Australia và số lượng lớn các nhà cung cấp từ các nước lân cận đang cố gắng bán hàng vào thị trường này.

Làm thế nào để tiếp cận được hệ thống bán lẻ của Australia, theo bà Loan, các doanh nghiệp Việt cần xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn; trong đó, chú trọng từ việc giới thiệu sản phẩm, tạo lòng tin, thiết lập mối quan hệ cho tới thực hiện các giao dịch kinh doanh.

Doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, phải đa dạng hóa và nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu cũng như tránh các hàng rào kỹ thuật đã có và sẽ có trong tương lai.

Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Australia cũng khá đơn điệu, chất lượng hàng còn nhiều bất cập khi so sánh với cơ cấu và chất lượng hàng hóa xuất khẩu của các đối thủ cạnh tranh khác như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia hay Indonesia. Vì thế, bà Loan cho rằng, muốn trụ vững trên thị trường Australia, doanh nghiệp Việt phải hướng đến một nền sản xuất sạch hơn, ở đó, chất lượng sản phẩm luôn là vấn đề đặt lên hàng đầu chứ không phải là sản lượng và giá thất.

Việc hình thành chuỗi liên kết cũng hết sức cần thiết, bởi nếu thiếu nó, doanh nghiệp sẽ khó lòng củng cố được vị trí của mình trong chuỗi mắt xích mà mình là đơn vị cung cấp.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục