Khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành ngân hàng-tài chính

12:12' - 30/06/2017
BNEWS Khan hiếm nguồn nhân lực tài chính, ngân hàng chất lượng cao đang là thách thức lớn đối với các ngân hàng và cả hệ thống đào tạo trong nước.
Khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành ngân hàng-tài chính. Ảnh minh họa: TTXVN
Nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực tài chính ngân hàng được dự báo sẽ tăng cao trong các năm tới. Song việc khan hiếm nguồn nhân lực tài chính, ngân hàng chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập đang là thách thức lớn đối với các ngân hàng và cả hệ thống đào tạo trong nước.

* Khan hiếm nhân lực chất lượng cao

Các chuyên gia nhận định, trong khoảng thời gian 10 năm từ 2005-2015, hệ thống các tổ chức tín dụng phát triển nhanh chóng, thể hiện qua việc tăng ồ ạt số lượng ngân hàng cũng như các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh đã bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó chất lượng nguồn nhân lực chưa phù hợp với tốc độ tăng trưởng của ngành.

Theo tiến sỹ Lê Huyền Ngọc, nguyên Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Đông Sài Gòn, thực tế nhân lực trong ngành vừa thừa, vừa thiếu khi nhân lực có trình độ đại học thừa, nhưng lại thiếu kỹ năng, yếu kiến thức, khó thích nghi với sự thay đổi.

Nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực như chiến lược phát triển, quản trị rủi ro, đầu tư quốc tế…còn yếu. Ở một số lĩnh vực chuyên sâu thiếu nhân lực, các ngân hàng phải bỏ ra nhiều chi phí để thuê chuyên gia nước ngoài.

Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhu cầu nhân lực chất lượng cao ngành tài chính ngân hàng vào năm 2020 là 120.900 người, tăng gấp hai lần so với năm 2016 (61.000 người). Nếu các cơ sở đào tạo không thay đổi chiến lược đào tạo nguồn lực, thì đến năm 2020 lực lượng lao động chất lượng cao trong ngành sẽ thiếu hụt trầm trọng.

TP.HCM là một địa phương có hệ thống ngân hàng hoạt động sôi động nhất trong cả nước, nhu cầu nhân lực ngành ngân hàng cũng đang có xu hướng tăng lên.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM thì nhu cầu nhân lực nhóm ngành tài chính ngân hàng đến 2020 chiếm tỷ trọng 4% tổng số chỗ làm việc cần tuyển hằng năm (khoảng 11.000 lao động), trong đó trình độ đại học, cao đẳng chiếm tỷ lệ trên 50% nhu cầu tuyển dụng.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Viện Nhân lực Ngân hàng – Tài chính năm 2016 cho thấy, lượng sinh viên theo học tài chính ngân hàng tốt nghiệp luôn cao qua từng năm: năm 2012 -2013 khoảng 29.000- 32.000 người, đến năm 2016 là 61.000 người. Tuy vậy, nhu cầu tuyển dụng chỉ vào khoảng 50% số sinh viên ra trường mỗi năm.

Điều này cho thấy, số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng hằng năm vẫn luôn trong tình trạng “cung vượt cầu” nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu của các ngân hàng.

Theo thạc sỹ Vũ Thanh Tùng, giảng viên Trường Đại học Tài chính Marketing, tuy rằng thị trường nhân lực ngành ngân hàng đang ở dạng thừa nhưng số lượng nhân lực được đào tạo chuyên môn cao về ngành ngân hàng lại thấp hơn các ngành khác.

Cụ thể, nguồn nhân lực có trình độ đại học ngân hàng là hơn 30%, ngành khác gần 40%; cao học ngành ngân hàng 1,35%, ngành khác 1,75%. Trong các trường đại học, tại các cơ sở đào tạo, số lượng giảng viên có kinh nghiệm thực tế đủ để truyền thụ nghiệp vụ chuyên môn sát với thực tế chưa nhiều. Chất lượng của nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ quản lý cấp cao luôn là câu hỏi gây ra nhức nhối trong ngành tài chính ngân hàng.

“Thực tế cho thấy, thời gian qua nhiều ngân hàng, doanh nghiệp ngành tài chính đang phải đối mặt trong việc quản trị kinh doanh, quản trị rủi ro nợ xấu, xử lý nợ xấu; đạo đức nghề nghiệp đang xuống cấp khi nhiều nhân viên ngân hàng đã trục lợi, cán bộ ngân hàng vi phạm quy trình nghiệp vụ về thẩm định, xét duyệt cho vay sơ sài, hay cấu kết với đối tượng cho vay để gian lận về tài sản thế chấp…”, ông Tùng cho biết.

Khá nhiều nhà tuyển dụng cũng nhận định, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu công việc. Hiện nay hầu như các ngân hàng đều phải đào tạo lại, hoặc bồi dưỡng sinh viên sau khi ra trường để đáp ứng yêu cầu công việc. Lãnh đạo một ngân hàng tại TP.HCM chia sẻ, chất lượng đào tạo cử nhân ngành tài chính ngân hàng trong nước còn thiên về lý thuyết, chưa chú trọng nhiều đến các kỹ năng, phần lớn sinh viên ra trường chưa bắt nhịp với công việc.

Không chỉ vậy, khả năng chịu áp lực công việc và ngoại ngữ cũng còn hạn chế. Trung bình các ngân hàng mất nhiều chi phí và thời gian khoảng 5-6 tháng để đào tạo nhân viên mới tuyển dụng trước khi làm việc chính thức và cần khoảng 12 tháng để nhân viên tự tin thực hiện công việc.

*Gắn kết giữa đào tạo và thực hành

Các chuyên gia cho rằng, sau 5 năm tái cơ cấu theo Đề án tái cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, hiện tại, cả hệ thống ngân hàng chỉ còn 1 ngân hàng thương mại nhà nước, 37 ngân hàng thương mại cổ phần, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 4 ngân hàng liên doanh, 1 ngân hàng chính sách và 1 ngân hàng hợp tác xã.

Trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ tiếp tục đặt một số biện pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Theo chiến lược tái cơ cấu giai đoạn mới này, đi kèm với đó là những yêu cầu khắt khe hơn về nguồn nhân lực. Điều này đòi hỏi chương trình và phương pháp đào tạo ngành tài chính ngân hàng cũng phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành tài chính ngân hàng , theo thạc sỹ Nguyễn Phạm Hải Hà, giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM, nguồn nhân lực lĩnh vực tài chính ngân hàng không phải chỉ cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản mà cần có những yếu tố đặc thù. Nguồn nhân lực tài chính ngân hàng không chỉ nói đến những lực lượng lao động đang làm trong ngành tài chính ngân hàng mà còn là các nguồn lao động sẽ làm việc trong lĩnh vực trên. Các ngân hàng cần chủ động tham gia vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực từ các trường đại học, cùng xây dựng mô hình thực hành ảo cho sinh viên, giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm, bám sát các vấn đề thực tiễn…

Theo thạc sỹ Đặng Trung Kiên, giảng viên Trường Đại học Tài chính – Marketing, nguồn nhân lực của ngành tài chính ngân hàng chất lượng cao còn là đòi hỏi quan trọng khi Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Nguồn nhân lực không những giỏi chuyên môn mà còn phải có ngoại ngữ tốt, ứng dụng được các tiến bộ khoa học kỹ thuật, có thể luân chuyển trong khu vực và trên thế giới. Do đó, việc gắn kết giữa đào tạo, phát triển năng lực chuyên môn với việc rèn luyện, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức của cán bộ ngân hàng là vô cùng quan trọng.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần chuẩn hóa trình độ cán bộ theo chuẩn mực chung của quốc tế. Cần thiết phải xây dựng bộ quy tắc chuẩn về chức danh các công việc ngân hàng, tiêu chuẩn nghề nghiệp ngân hàng tương đương với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trong khu vực.

Mặt khác, cần tập trung kỹ năng quản trị rủi ro (lãi suất, tín dụng…), nâng cao năng lực kiểm soát nội bộ. Ngân hàng cần có những chế tài xử phạt mạnh hơn nữa trong việc vi phạm về tác nghiệp, đạo đức… gây ảnh hưởng đến uy tín và thiệt hại tài sản của ngân hàng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục