Khẩn trương đẩy nhanh cấp ưu tiên "luồng xanh" vận tải

18:58' - 26/07/2021
BNEWS Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản về điều chỉnh, bổ sung một số nội dung liên quan đến đăng ký Giấy nhận diện phương tiện có mã QR Code ưu tiên để in dán lên phương tiện.

Trước phản ánh của các doanh nghiệp việc cấp mã QR Code ưu tiên hoạt động trên "luồng xanh" tại các địa phương còn chậm so với yêu cầu thực tế. Doanh nghiệp phải mất tới một ngày mới nhận được mã QR Code ưu tiên để in dán lên phương tiện, đại diện lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, để giải quyết tình trạng trên, ngày 26/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố về điều chỉnh, bổ sung một số nội dung liên quan đến đăng ký Giấy nhận diện phương tiện có mã QR Code.
Để tiếp tục thực hiện các giải pháp thuận lợi cho đơn vị vận tải trong việc đăng ký thẻ nhận diện phương tiện có mã QR Code được ưu tiên hoạt động trên các “luồng xanh” vận tải tại các địa phương áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố hướng dẫn đơn vị vận tải về đối tượng được đăng ký thẻ nhận diện phương tiện trên phần mềm.
Theo đó, đối với xe ô tô tải, xe đầu kéo, xe container và các loại xe chuyên dụng vận chuyển các loại hàng hóa thiết yếu theo hướng dẫn tại văn bản số 4349/2021/BCT của Bộ Công Thương về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

"Hàng hóa thiết yếu khác theo hướng dẫn của UBND các tỉnh, thành phố là nơi nhận hàng của hành trình vận chuyển hàng hóa thiết yếu hoặc đầu mối do UBND tỉnh, thành phố chỉ định. Hàng hóa phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh không bị dừng hoặc cấm hoạt động theo chỉ đạo của UBND cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh, thành phố", Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết.
Đối với hành khách, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các cơ sở sản xuất kinh doanh không bị dừng hoặc cấm hoạt động theo chỉ đạo của UBND cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh, thành phố, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu đơn vị đăng ký thẻ nhận diện phương tiện lựa chọn một trong các đối tượng vận chuyển nêu trên phải cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các thông tin đã kê khai khi đăng ký.

Đồng thời, thực hiện theo đúng các nội dung đã đăng ký; thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế…
Đánh giá về việc triển khai “luồng xanh” hàng hóa hiện nay, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, trong những ngày đầu khi triển khai đăng ký phương tiện hoạt động trên “luồng xanh” vận tải gặp tình trạng ùn tắc tại chính nơi cấp, dẫn đến chậm cấp thẻ.
Ông Hùng dẫn chứng, ngày đầu tiên Hà Nội có hơn 10.000 hồ sơ nộp xin cấp thẻ nhận diện ưu tiên trên “luồng xanh” vận tải.

Mặc dù hơn 10 cán bộ Phòng quản lý vận tải và lượng lượng Thanh tra sở cấp nhưng chỉ được hơn 2.000 hồ sơ. Tp. Hồ Chí Minh có 13.000 hồ sơ xin cấp, chỉ duyệt được 1.000 hồ sơ trong hệ thống phần mềm.
“Vướng mắc lớn nhất chính là khái niệm về hàng thiết yếu. Do chưa có có danh mục về mặt hàng thiết yếu nên quy trình cấp mất khá nhiều thời gian. Chẳng hạn, một doanh nghiệp khai chở hàng hóa là thịt lợn hay kính thì cán bộ Phòng Vận tải duyệt hồ sơ phải “soi” xem đó có phải là hàng hóa thiết yếu hay không”, ông Hùng nói.
Để tháo gỡ vấn đề này, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã làm việc với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở Giao thông Vận tải thống nhất không yêu cầu doanh nghiệp kê khai loại mặt hàng.

Thay vào đó là phân nhóm mặt hàng để doanh nghiệp kê khai. Chủ doanh nghiệp đăng ký thẻ ưu tiên “luồng xanh” phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc kê khai hàng hóa vận chuyển.
Theo đó hàng hóa thiết yếu hiện có 3 nhóm. Thứ nhất là theo văn bản hướng dẫn 4349/2021/BCT của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, trong văn bản này, Bộ Công thương cũng lại cho phép sở Công thương và UBND các tỉnh, thành phố tự quy định theo đặc thù.

Như vậy, lại thêm nhóm hàng hóa đặc thù theo quy định của các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, nhóm khác nữa là hàng hóa thiết yếu khác nữa là vận chuyển hàng từ địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg sang địa phương chưa áp dụng.

Doanh nghiệp khai báo dựa trên 3 nhóm hàng hóa thiết yếu nêu trên và khi doanh nghiệp cam kết làm đúng sẽ giải tỏa được ùn tắc xét hồ sơ xin cấp.
"Đối với vận chuyển công nhân, chuyên gia có chút phức tạp hơn, ví dụ muốn chở chuyên gia từ Hà Nội sang Bắc Ninh (đã dỡ bỏ áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg) thì đơn vị sử dụng chuyên gia ở Bắc Ninh khai báo về phương tiện và con người cụ thể. Sau đó gửi về Sở Giao thông Vận tải nhập dữ liệu và cấp thẻ ưu tiên trên “luồng xanh” vận tải cho phương tiện chở chuyên gia", ông Hùng nói.
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện trên phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và theo báo cáo từ các Sở Giao thông địa phương, cả nước đã cấp gần 55.000 thẻ “luồng xanh” cho các phương tiện lưu thông. Tuy nhiên, bà Hiền cho hay, kể từ khi thành phố Hà Nội triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, số lượng phương tiện đăng ký giấy nhận diện “luồng xanh” tăng rất cao, gây nên sự quá tải đột ngột, tạm thời với cơ quan quản lý nhà nước.
“Sở Giao thông Vận tải Hà Nội hiện đang nhận rất nhiều hồ sơ và đang rất nỗ lực để giải quyết nhanh nhất. Trong khi đó, hệ thống có trữ lượng nhất định, nên nếu có sự chậm trễ trong việc trả kết quả qua phần mềm, rất mong doanh nghiệp có sự chia sẻ với cơ quan quản lý nhà nước”, bà Hiền đề nghị.
Liên quan đến “luồng xanh” tại Hà Nội và tình trạng phương tiện phải quay đầu tại các điểm chốt kiểm soát dịch, ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho hay, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã yêu cầu lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với công an chủ trì cùng các lực lượng y tế, quân đội tổ chức phân luồng, hướng dẫn cụ thể để giảm bớt ách tắc.
“Những ngày qua Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang trực 24/24h để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp xe tải. Với phương tiện chưa được cấp thẻ “luồng xanh” hoạt động trên địa bàn Hà Nội hoặc đi qua Hà Nội không cần phải đến Sở Giao thông Vận tải chỉ cần vào trang web của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tại địa chỉ: https://sogtvt.hanoi.gov.vn để đăng ký trực tuyến. Trong trường hợp gặp khó khăn, cần gọi trực tiếp đến số điện thoại trực về công tác trên để được giải đáp, tháo gỡ: 0912357845, 0972756888”, ông Đào Việt Long cho hay.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam thông tin, hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang soạn thảo quy định tạm thời về vận tải cho các địa phương thực hiện theo Chỉ thị 16/CT-TTg cũng như phòng, chống dịch. Trên cơ sở hướng dẫn chung của Bộ Y tế hướng dẫn tài xế, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng hướng dẫn những việc tài xế phải làm trước, trong và sau mỗi chuyến đi.
“Quy định tạm thời này đang được nghiên cứu gấp rút để các địa phương có hành lang pháp lý thống nhất để đảm bảo hành lang vận tải thông suốt, đảm bảo phòng chống dịch”, bà Hiền cho hay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục