Đẩy nhanh ứng dụng QR Code, ưu tiên "luồng xanh" cho vận tải

19:49' - 21/07/2021
BNEWS Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đang yêu cầu Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố đẩy nhanh đăng ký thẻ nhận diện (mã QR Code) ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh” vận tải toàn quốc.

* Nhiều thuận lợi từ QR Code

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin, để tạo thuận lợi cho các phương tiện lưu thông thông 24/24h, giảm thời gian kiểm tra, kiểm soát khi phương tiện đi qua các chốt kiểm soát dịch bệnh, ngành giao thông vận tải đã thực hiện cấp thẻ nhận diện phương tiện kèm mã QR Code thông qua phần mềm của Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh và phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam hiện đã xây dựng xong và đưa vào sử phần mềm đăng ký thẻ nhận diện phương tiện (có mã QR Code) áp dụng cho 63 Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố.

“Để triển khai đăng ký thẻ nhận diện được nhanh chóng, thuận tiện, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố cần tuyên truyền đến các đơn vị vận tải trên địa bàn khẩn trương đăng ký tại địa chỉ www.luongxanh.drvn.gov.vn để cấp mã QR Code", ông Nguyễn Văn Huyện cho hay.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đối tượng được cấp mã QR Code gồm: xe ô tô vận chuyển các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ an sinh xã hội, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, vận chuyển thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19, ga, xăng dầu; xe vận chuyển hàng cứu trợ.

Các loại xe do Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 địa phương cho phép hoạt động gồm: xe ô tô vận chuyển công nhân, người lao động, chuyên gia phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, xe vận chuyển người từ vùng dịch về các địa phương. Thời gian Sở Giao thông Vận tải tiếp nhận thông tin, giải quyết và trả kết quả tối đa không quá 24 giờ.

Cũng theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, kết quả sẽ được hệ thống gửi tự động về địa chỉ email lái xe đã đăng ký, hoặc truy cập vào tài khoản do đơn vị đăng ký trên hệ thống. Doanh nghiệp vận tải tự in giấy nhận diện phương tiện kèm theo mã QR Code lên giấy để dán trên kính phía trước và dán thêm lên kính hai bên cửa xe nhằm tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát.

Đối với các phương tiện vận chuyển hàng hoá là hàng mau hỏng (hàng nông sản, thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh) thực hiện in bổ sung thêm nhãn “Hàng mau hỏng” trên giấy màu vàng, đóng dấu treo của đơn vị, thực hiện dán trên kính phía trước và trên kính hai bên thành xe.

Mã QR Code trên thẻ nhận diện phương tiện sẽ tự động huỷ trong các trường hợp như: hết thời hạn ghi trên thẻ nhận diện; lực lượng chức năng phát hiện phương tiện hoạt động không đúng hành trình đăng ký; trường hợp cơ quan cấp phát hiện đơn vị vận tải khai báo thông tin không trung thực.

Đơn vị vận tải, lái xe phải cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin đã đăng ký khi cấp thẻ nhận diện và các thông tin cung cấp cho các chốt kiểm soát, các Sở Giao thông Vận tải trong quá trình vận chuyển. Đồng thời, có phương án quản lý chặt lái xe và người đi theo xe nhằm hạn chế tiếp xúc, ngăn chặn lây lan dịch bệnh cả trước, trong và sau khi vận chuyển.

Ông Nguyễn Văn Huyện cũng cho biết, đến nay Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã công bố “luồng xanh” vận tải cho phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông thông suốt trên 63 tỉnh, thành phố, không riêng gì các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Tuy nhiên, hiện tại còn một số tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Hà Nội xảy ra ùn tắc nơi cửa ngõ là do địa phương thực hiện chưa thống nhất trong kiểm tra y tế tại các chốt kiểm dịch. Bên cạnh đó, nhiều lái xe thuộc các tỉnh, thành phố không có dịch còn chủ quan chưa thực hiện.

"Sau hơn 2 ngày công bố hệ thống cấp mã QR Code, mã này tích hợp được toàn bộ các thông tin về doanh nghiệp, lái xe. Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố khẩn trương tuyên truyền cho doanh nghiệp, khai báo thông tin, cấp mã QR Code cho lái xe.

Khi đến các chốt kiểm dịch, kiểm tra các thông tin về lái xe, hành trình vận chuyển bằng mã QR Code, lái xe không mất thời gian chờ đợi. Sở Giao thông Vận tải chỉ thực hiện việc hậu hiểm tại nơi lấy và trả hàng", ông Nguyễn Văn Huyện chia sẻ.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các phương tiện vận chuyển hàng hoá là các loại hàng mau hỏng, các loại hàng thiết yếu, hàng hoá phục vụ sản xuất kinh doanh khi lưu thông giữa các địa phương trong khu vực đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì không cần đăng ký, không cần dán thẻ nhận diện phương tiện trên xe.

Hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối chỉ đạo lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn nghiên cứu các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các phương tiện có dán thẻ nhận diện phương tiện để đảm bảo lưu thông thông suốt 24/24h, hạn chế ùn tắc giao thông, ùn ứ hàng hoá tại các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn địa phương.

*Cần hướng dẫn về xét nghiệm COVID-19 cho lái xe

Liên quan đến chi phí xét nghiệm COVID-19 cho lái xe, đại diện lãnh đạo Cục Y tế Giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, theo Bộ Y tế, người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh đã được cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ nhận diện ưu tiên “luồng xanh” trên các tuyến giao thông, có QR Code sẽ được xét nghiệm miễn phí.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng sẽ không kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa là: lái xe, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hóa đi theo xe… chỉ lưu thông trong phạm vi nội bộ tỉnh, thành phố đang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông từ khu vực giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, khu vực phong tỏa, sang khu vực liền kề đang áp dụng cấp độ phòng chống dịch bệnh thấp hơn, phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (theo phương pháp RT-PCR, hoặc test nhanh kháng nguyên), được thực hiện trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu.

Về vấn đề miễn phí xét nghiệm COVID-19 cho lái xe đã được cấp thẻ nhận diện ưu tiên “luồng xanh” trên các tuyến giao thông, có QR code, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho hay, đây là chính sách rất thiết thực, điều này thể hiện những nỗ lực của nhà nước trong hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang khó khăn. Tuy nhiên, để chính sách này thực hiện tốt cần có hướng dẫn cụ thể.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, qua phản ánh của các hiệp hội, hiện tại chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Chẳng hạn, lái xe thuộc diện này khi đi xét nghiệm thì ứng tiền ra trước sau đó sẽ lấy lại sau hay là các cơ sở xét nghiệm sẽ chi trả. Hoặc là theo phương thức thanh toán nào phải có hướng dẫn chi tiết. Mặt khác, việc miền phí này do ngân sách Trung ương chi trả hay ngân sách địa phương chi trả cũng cần làm rõ.

 

Cũng theo ông Nguyễn Văn Quyền, việc Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế quy định không kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa (lái xe, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hóa đi theo xe) chỉ lưu thông trong phạm vi nội bộ tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội nhưng hiện nay nhiều địa phương chưa thực hiện gây khó khăn cho các lái xe. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc tại một số địa phương qua.

Về vấn đề liệu có lợi dụng chính sách không thu phí xét nghiệm đối với lái xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh đã được cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ nhận diện ưu tiên “luồng xanh” trên các tuyến giao thông, có QR Code, ông Nguyễn Văn Quyền khẳng định, rất khó có chuyện lợi dụng chính sách này.

Bởi, khi các xe được cấp thẻ nhận diện ưu tiên đã phải đăng ký số phương tiện, biển kiểm soát, số người theo xe, các cơ sở y tế chỉ cần căn cứ vào thông số trên đó để thực hiện sẽ không có chuyện lợi dụng chính sách này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục