Khẳng định giá trị thương hiệu cho sản phẩm OCOP

15:14' - 11/01/2022
BNEWS Sau hơn 3 năm triển khai, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của nhiều người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tại tỉnh Đắk Nông.

Đến nay, chương trình đã mang lại những thành công bước đầu, với nhiều sản phẩm OCOP ra đời.

Đây là tiền đề khẳng định giá trị thương hiệu sản phẩm của tỉnh Đắk Nông, có sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Đắk Mil là địa phương triển khai Chương trình OCOP đạt hiệu quả của tỉnh Đắk Nông. Huyện có 13 sản phẩm nông sản đạt chứng nhận OCOP hạng từ 3 - 4 sao cấp tỉnh. Trong số đó, các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao như cà phê bột Đắk Đam của Hợp tác xã nông nghiệp Công Bằng Thuận An, dầu Sachi của Công ty cổ phần Sachi Tây Nguyên...

Theo ông Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, mục tiêu của huyện là tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Để phát triển sản phẩm đa dạng, huyện xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến từng chủ thể. Hướng dẫn cho các chủ thể hiểu được ý nghĩa, lợi ích của việc xây dựng các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

Từ đó, huyện phối hợp các cơ quan liên quan hỗ trợ người dân trong quá trình sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng nông nghiệp tốt, hỗ trợ tem truy suất nguồn gốc…

"Khi kết hợp nhiều phương pháp như tuyên truyền, lồng ghép các chương trình hỗ trợ, người dân sẽ nhận thấy lợi ích mang lại và thực hiện theo. Khi đó giá trị sản phẩm từng bước được nâng lên, khả năng tiêu thụ sản phẩm sẽ khác biệt so với các sản phẩm chưa tham gia Chương trình OCOP" ông Hoàng chia sẻ.

Nhận thấy hiệu quả từ Chương trình OCOP mang lại sau gần 3 năm tham gia chương trình, bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại, xuất nhập khẩu Macca Sachi Thịnh Phát, thành phố Gia Nghĩa cho biết, trước đây, khi chưa được chứng nhận OCOP 3 sao cho sản phẩm hạt macca rang sấy, công ty gặp nhiều khó khăn.

Sau khi có chứng nhận, sản phẩm macca của đơn vị đã tạo niềm tin cho khách hàng, chất lượng sản phẩm được khẳng định, dễ vào các chuỗi siêu thị.

Nhờ đó, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, sản phẩm của công ty vẫn được bạn hàng quan tâm, ủng hộ. Hiện, công ty đang liên kết xuất bán cho thị trường Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… Trung bình, công ty xuất bán ra thị trường khoảng 100 tấn macca/năm.

Theo ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Chương trình OCOP được tỉnh Đắk Nông triển khai từ năm 2018. Thời gian qua, đã có nhiều người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình.

Đây là một trong những hướng đi kỳ vọng của tỉnh Đắk Nông khi xây dựng chương trình mỗi xã một sản phẩm phải được thị trường chấp thuận. Hiện nay, Đắk Nông đã có 8 sản phẩm tham gia sàn thương mại điện tử của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Lê Trọng Yên cho hay, nông nghiệp là một trong ba trụ cột chính trong phát triển kinh tế của địa phương. Việc xây dựng nông nghiệp phát triển bền vững theo chuỗi giá trị được tỉnh Đắk Nông đặc biệt quan tâm.

Để nông nghiệp phát triển, UBND tỉnh đã định hướng người dân cần thay đổi các vấn đề như người dân cần sản xuất theo nhu cầu thị trường; doanh nghiệp cần kết nối với người nông dân, hợp tác xã xây dựng chuỗi giá trị; tập trung 3 trụ cột công nghiệp, nông nghiệp, du lịch; gắn sản phẩm OCOP trong phát triển du lịch, kết nối du lịch với nông nghiệp.

Theo thống kê, đến hết năm 2021, tỉnh Đắk Nông có 41 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận OCOP hạng từ 3 - 4 sao. Có 11 sản phẩm đang được Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP tỉnh đề nghị công nhận đạt OCOP, nâng tổng số sản phẩm đạt chứng nhận lên 52.

Phần lớn, các sản phẩm đều thuộc các lĩnh vực lương thực, thực phẩm, đồ uống, rau, củ, quả tươi… Các sản phẩm đạt OCOP đã gia tăng được giá trị, góp phần phát triển kinh tế,  tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Cụ thể, doanh thu của các sản phẩm OCOP tăng bình quân 26%/năm. Trong đó, 15 sản phẩm có giá bán tốt hơn sau chứng nhận OCOP./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục