Sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã tăng quy mô sản xuất và doanh thu

21:22' - 08/01/2022
BNEWS Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu.

Ngày 8/1, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội thảo Sản phẩm OCOP và phát triển ngành hàng lúa gạo: Động lực quan trọng để phát triển nông thôn mới. Đây là một trong những hoạt động của Festival Lúa gạo Việt Nam lần V diễn ra từ ngày 7-10/1 tại Vĩnh Long.

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Khắc Toàn, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, với quy mô hơn 3,6 triệu ha đất trồng lúa, sản lượng hàng năm từ 44,45 triệu tấn; trong đó, xuất khẩu khoảng 6,5 triệu tấn, thu ngoại tệ trên 3 tỷ USD, chiếm trên 7,5% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong những năm qua, lúa gạo thật sự đã trở thành ngành hàng chủ lực của Việt Nam.

Bên cạnh mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, sản xuất lúa gạo ở Việt Nam còn có vai trò đảm bảo sinh kế cho hơn 8 triệu hộ nông dân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế ở nông thôn.

Thực tiễn hơn 3 năm qua cho thấy, từ khi có Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), lúa gạo là một trong những ngành hàng được quan tâm đầu tư, hỗ trợ, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đổi mới cải tiến bao bì, mẫu mã… Từ đó, nâng dần giá trị xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

Theo Ban tổ chức hội thảo, chương trình OCOP được xem là giải pháp phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả, tạo nên động lực mới trong xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia và báo cáo của các cơ quan chức năng cho rằng, quá trình triển khai chương trình OCOP và ngành hàng lúa gạo Việt Nam, nhận thức và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chưa đồng đều; bộ máy tổ chức thực hiện còn thiếu, yếu và chưa đồng bộ; triển khai các chu trình OCOP chưa vào nề nếp…

Bên cạnh một số tỉnh thực hiện tốt thì vẫn còn nhiều địa phương triển khai chậm, chưa tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc, trình tự các bước trong chương trình OCOP,  huy động nguồn lực triển khai chương trình OCOP còn hạn chế, chỉ tập trung vào nguồn ngân sách triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mà chưa lồng ghép nhiều từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn…

Đánh giá về kết quả chương trình OCOP, ông Trần Thế Như Hiệp, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Mê Kông Cần Thơ cho biết, chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP.

Chương trình còn góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số.

Tính đến nay, cả nước có 4.759 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên. Trong số đó, Đồng bằng sông Hồng chiếm 37,16%, miền núi phía Bắc chiếm 20,56%, Đồng bằng sông Cửu Long với 15% và thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ chiếm 1,85%. Sản phẩm OCOP đạt 3 sao chiếm 62,05%; sản phẩm đạt 4 sao chiếm 36,2% và sản phẩm tiềm năng 5 sao chiếm 1,72%.

Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Trong số đó, 60,7% chủ thể OCOP đạt từ 3 sao trở lên có doanh thu tăng bình quân 17,6%/năm, giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%. Đồng thời, một số doanh nghiệp, tập đoàn siêu thị lớn đã đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP để đưa vào hệ thống phân phối, hiện đang được tiêu thụ ổn định…

Theo ông Trần Thế Như Hiệp, nhiệm vụ trọng tâm của chương trình là phấn đấu đến năm 2025 cả nước có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 3% sản phẩm OCOP đạt 5 sao.

Để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP và hiệu quả của chương trình OCOP giai đoạn này cần tập trung giải quyết hàng loạt vấn đề ở nông thôn hiện nay như hình thành và tái cấu trúc các hợp tác xã, doanh nghiệp ở vùng nông thôn trở thành chủ nhân của quá trình phát triển; tạo công ăn việc làm, thu nhập thông qua sản xuất và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế; đào tạo, huấn luyện nhân lực tham gia OCOP; bảo vệ môi trường, anh sinh xã hội…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt cho rằng, hội thảo không chỉ giúp giải quyết các vấn đề mang tính thời sự của chương trình OCOP mà với sự tham gia của nhiều ý kiến của nhà khoa học, nhà quản lý sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực để phát triển OCOP và ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong thời gian tới; tạo chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới đi vào thực chất, bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục