Khánh Hòa thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản

21:00' - 17/11/2024
BNEWS Chuỗi liên kết sản xuất thời gian qua đã đem lại nhiều hiệu quả rõ rệt, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất rau quả và nuôi trồng thủy sản.
Ngày 15/11, tại thành phố Nha Trang, Trung tâm Khuyến nông - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa tổ chức “Hội nghị liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị năm 2024” nhằm tăng cường kết nối giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nông dân, hướng đến mục tiêu xây dựng một chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, giúp nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh cho nông sản của địa phương.

 
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chuỗi liên kết sản xuất thời gian qua đã đem lại nhiều hiệu quả rõ rệt, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất rau quả và nuôi trồng thủy sản; các sản phẩm cung ứng qua các đại lý đạt chất lượng ổn định, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Lê Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh, hội nghị lần này sẽ thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông, thủy sản giữa nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ hợp tác. Sự liên kết này sẽ giúp giải quyết tình trạng sản xuất manh mún, tăng cường sản lượng và chất lượng nông sản, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp. Theo ông Hoan, để hiện thực hóa mục tiêu này, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt đề án phát triển và mở rộng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021-2025.

Một trong những vấn đề nổi bật tại hội nghị là thảo luận về xây dựng đầu ra cho sản phẩm, tạo dựng thương hiệu nông sản, và quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP. Các đại biểu cũng đề xuất giải pháp kết nối cung cầu, tăng cường hợp tác sản xuất và kinh doanh, qua đó mở rộng các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp tại Khánh Hòa.

Ông Chu Đức Hùng, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tỉnh Khánh Hòa cho rằng, phát triển chuỗi thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi tất yếu để nâng cao giá trị và thương hiệu sản phẩm địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai gặp nhiều thách thức do thói quen sản xuất truyền thống và thiếu sự liên kết bền vững giữa các doanh nghiệp và hộ dân.

Ông Hùng đề xuất tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm tại các khâu, đặc biệt là kiểm tra việc sử dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động tiếp thị, mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu địa phương để thu hút đầu tư và giảm thiểu rủi ro trong tiêu thụ.

Theo kế hoạch, Khánh Hòa sẽ phát triển 6 chuỗi cung ứng thực phẩm chủ lực gồm rau, củ, quả, xoài, bưởi da xanh, sầu riêng, mía và thịt lợn. Mục tiêu đến năm 2025 là phát triển và nhân rộng các mô hình chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn, với ít nhất 1 doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ trong mỗi chuỗi. Đặc biệt, các sản phẩm chủ lực của tỉnh như sầu riêng, bưởi da xanh, xoài, tỏi và các sản phẩm thủy sản nuôi sẽ được kiểm soát an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, hướng đến mục tiêu xuất khẩu bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục