Bộ Công Thương đồng hành xúc tiến thương mại các sản phẩm chủ lực của Cà Mau

20:58' - 15/11/2024
BNEWS Ngày 15/11/2024, UBND tỉnh Cà Mau phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản tỉnh Cà Mau năm 2024.

Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương, phát biểu tại Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản tỉnh Cà Mau năm 2024. Ảnh: Thành Trung - TTXVN
Ngày 15/11, Ủy ban nhân tỉnh Cà Mau phối hợp Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản tỉnh Cà Mau năm 2024.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, UBND tỉnh Cà Mau..., các Tập đoàn phân phối, bán lẻ lớn như Central Retail (Thái Lan), Aeon (Nhật Bản); các đoàn doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Ả Rập Xê Út, Algeria cùng với hơn 50 doanh nghiệp trực tiếp tham dự hội nghị và chương trình giao thương với doanh nghiệp tỉnh Cà Mau...

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc xúc tiến thương mại và kết nối các thị trường là yếu tố then chốt giúp các sản phẩm của tỉnh Cà Mau vươn xa đến các thị trường mới. Do vậy, hội nghị này được xem là sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy xúc tiến thương mại cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, đặc sản của địa phương, kết nối với các kênh phân phối hiện đại và mở rộng thị trường xuất khẩu tiềm năng trong thời gian tới.
Ký kết biên bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp trong kết nối sản xuất với phân phối sản phẩm OCOP Cà Mau. Ảnh: Thành Trung - TTXVN

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cũng cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và đối tác dễ dàng tiếp cận, tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thủy sản chất lượng cao, cùng các sản phẩm OCOP và đặc sản của tỉnh. Tỉnh đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo yêu cầu thị trường, thân thiện môi trường, dồi dào về số lượng, ổn định về giá cả, tạo nền tảng vững chắc để các doanh nghiệp và đối tác mở rộng thị trường, nâng cao hình ảnh, vị thế thương hiệu, đạt được lợi nhuận bền vững và phát triển trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu hiện nay.

Theo bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, sự hiện diện đông đảo của quý đại biểu đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với tiềm năng xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản của tỉnh Cà Mau, đồng thời minh chứng rõ nét cho quyết tâm thúc đẩy chuỗi cung ứng hàng nông, thủy sản của Việt Nam ngày càng phát triển bền vững.

Lãnh đạo Bộ Công Thương tin tưởng, thông qua các phiên trao đổi, thảo luận và kết nối trực tiếp cũng như trực tuyến, hội nghị lần này không chỉ dừng lại ở việc quảng bá sản phẩm, thương hiệu, môi trường đầu tư tỉnh Cà Mau, mà còn là tiền đề để thúc đẩy giao thương, kết nối và thiết lập các mối quan hệ đối tác lâu dài; củng cố và mở rộng chuỗi cung ứng hiện tại, xây dựng các chuỗi cung ứng mới theo hướng bền vững hơn, góp phần đưa các sản phẩm nông, thủy sản chủ lực của Cà Mau nói riêng và Việt Nam nói chung vươn xa hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng UBND tỉnh Cà Mau và các doanh nghiệp của tỉnh trong triển khai các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm có thế mạnh của Cà Mau, cũng như tháo gỡ vướng mắc, khó khăn phát sinh trong hoạt động thương mại quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, đảm bảo tính bền vững và lâu dài cho chuỗi cung ứng.

Hội nghị dành nhiều thời gian để các đại biểu trung trao đổi, chia sẻ về cơ hội, thách thức đối với xuất khẩu năm 2024 và những năm tiếp theo; tiềm năng và lưu ý đối với xuất khẩu sang thị trường Singapore, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc...

Trong khuôn khổ hội nghị còn diễn ra hoạt động khảo sát nhà máy chế biến thủy sản, cơ sở sản xuất chế biến sản phẩm OCOP, vủng nguyên liệu; tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP Cà Mau; Phiên kết nối sản xuất với phân phối và Phiên kết nối giao thương, hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác thiết thực và hiệu quả.

Cà Mau là một trong 4 ngư trường trọng điểm của Việt Nam với diện tích trên 70.000 km2, có 280.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, với sản lượng tôm hàng năm khoảng 250.000 tấn, cung cấp nguyên liệu tại chỗ cho 41 nhà máy chế biến thuỷ sản. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt khoảng 1 tỷ USD/năm. So sánh với các cường quốc xuất khẩu tôm khác, Cà Mau có lợi thế cạnh tranh lớn nhờ vào các sản phẩm giá trị gia tăng, các sản phẩm này giúp cho Cà Mau nhiều năm giữ vững thị phần tại các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục