Xây dựng các cụm công nghiệp chế biến gỗ

15:42' - 14/04/2017
BNEWS Đa phần các doanh nghiệp chế biến gỗ hiện là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nếu không liên kết lại với nhau sẽ không có sức cộng hưởng đủ mạnh để cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn của nước ngoài.
Xây dựng các cụm công nghiệp chế biến gỗ. Ảnh: TTXVN

Xây dựng các cụm công nghiệp chế biến gỗ để tạo chuỗi liên kết bền vững. Đó là nhận định của các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ tại Diễn đàn “Kết nối vì mục tiêu phát triển bền vững ngành chế biến gỗ”, do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức ở Tp.Hồ Chí Minh ngày 14/4.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngành gỗ hiện nay có hơn 4.300 doanh nghiệp, trong đó, trên 95% các doanh nghiệp gỗ có quy mô nhỏ, sở hữu tư nhân với số lượng dưới 50 lao động.

Ngoài lực lượng lao động làm trong các nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, còn có hàng trăm ngàn hộ gia đình hiện đang tham gia các hoạt động chế biến, thương mại tại các làng nghề truyền thống. Việc liên kết giữa các doanh nghiệp trong nội bộ ngành hiện vẫn còn rất hạn chế.

Ông Điền Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2 (Tp.Hồ Chí Minh) cho rằng, đa phần các doanh nghiệp chế biến gỗ hiện là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nếu không liên kết lại với nhau sẽ không có sức cộng hưởng đủ mạnh để cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn của nước ngoài. Vấn đề liên kết giữa các doanh nghiệp sẽ quyết định sự sống còn của ngành trong tương lai.

“Với tình hình mỗi doanh nghiệp nằm mỗi nơi như hiện nay thì ngay cả việc đi chơi đã khó rồi huống gì kết nối làm việc với nhau. Để giải quyết vấn đề này này, việc hình thành cụm công nghiệp chế biến gỗ sẽ giúp các doanh nghiệp trong ngành có cơ hội chia sẻ thông tin, cũng như các nguồn lực sẵn có và đơn hàng với nhau.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào nguồn lực của các doanh nghiệp thì rất khó thực hiện được, mà cần sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ ngành và các địa phương liên quan”, ông Hiệp chia sẻ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, ngành chế biến gỗ hiện nay thiếu vắng ngành công nghiệp phụ trợ và các ngành khác có liên quan bởi giữa các khâu trong chuỗi cung ứng theo chiều dọc và các công ty cùng trong lĩnh vực chế biến hầu như chưa được hình thành.

Điều này hạn chế tính hiệu quả của nguồn cung cũng như hạn chế tiếp cận thông tin thị trường của các doanh nghiệp, từ đó làm giảm tính cạnh tranh cho ngành. Do vậy, việc hình thành cụm công nghiệp chế biến gỗ sẽ kéo theo ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành này phát triển, tạo nên chuỗi liên kết giá trị bền vững.

Tại diễn đàn, bà Trần Thị Thúy Hoa, Trưởng ban Tư vấn phát triển ngành cao su thuộc Hiệp hội Cao su Việt Nam cũng kêu gọi các doanh nghiệp chế biến gỗ cao su đầu tư xây dựng nhà máy tại khu công nghiệp Đồng Phú và cụm công nghiệp Phước Hòa (Bình Dương).

Hiện tại đây đã có các doanh nghiệp đã làm ra nguyên liệu gỗ cao su từ vườn cây thanh lý tái canh. Nếu có doanh nghiệp đầu tư vào đây để tiếp tục chế biến, tạo nên sản phẩm cao su cao cấp, với giá trị gia tăng cao phục vụ xuất khẩu thì sẽ có các chính sách ưu tiên đối với doanh nghiệp.

Ngoài việc thảo luận về hình thành các cụm công nghiệp chế biến gỗ, nhiều ý kiến cho rằng, để ngành chế biến phát triển bền vững, mấu chốt của thành công là phải liên kết để tạo thành chuỗi giá trị từ nguyên liệu, sản xuất, chế biến và tiếp cận thị trường. Các doanh nghiệp cần liên kết với nhau và tạo lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với các hộ trồng rừng để có nguyên liệu ổn định và giảm rủi ro.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải chủ động xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, để làm được điều này, các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các hiệp hội trong cơ chế, chính sách, đơn giản thủ tục hành chính và tiếp cận thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục