Khi nào Hà Nội mới cấm xe máy vào nội đô?

21:45' - 19/03/2019
BNEWS Trước thông tin thời gian gần đây cho rằng Hà Nội chuẩn bị cấm xe máy trên một số tuyến phố, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khẳng định, đến năm 2030, Hà Nội mới cấm xe máy vào nội đô.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khẳng định, đến năm 2030, Hà Nội mới cấm xe máy vào nội đô.. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

Đó là chia sẻ của ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội về thông tin Hà Nội cấm phương tiện cá nhân và xe máy ở một số tuyến phố nội đô với phóng viên báo chí tại cuộc Giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 19/3.

Trước thông tin thời gian gần đây cho rằng Hà Nội chuẩn bị cấm xe máy trên một số tuyến phố, ông Vũ Văn Viện khẳng định, đến năm 2030, Hà Nội mới cấm xe máy vào nội đô.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, chính quyền và cơ quan chức năng của thành phố phải thực hiện rất nhiều công đoạn, lộ trình để mọi điều kiện đã hoàn tất đồng bộ, người dân không bị động.

Chủ trương này cũng cần được tuyên truyền sâu rộng cho người dân biết sớm để hiểu và đồng thuận, góp tiếng nói chung xây dựng Thủ đô văn minh.

* Muốn có "lâu đài" lộ trình xây móng phải tốt

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, giai đoạn 2019-2020, Sở Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu xây dựng đề án phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận huyện vào năm 2030 để trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ngành sẽ tổ chức công khai lộ trình thực hiện và triển khai các bước theo lộ trình được duyệt.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, việc thực hiện nội dung phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030 là nhiệm vụ cần thiết nhưng là việc khó.

Đây là việc phức tạp và nhạy cảm, động chạm đến tâm tư, tình cảm, cuộc sống của rất nhiều người dân trong và ngoài thành phố.

Ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết, trong quá trình thực hiện, Sở Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan luôn thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tính khả thi vì lợi ích chung của thành phố và vì cuộc sống tốt đẹp của người dân.

Sở Giao thông Vận tải luôn cầu thị và tiếp thu mọi ý kiến đóng góp trong quá trình xây dựng đề án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và chỉ được triển khai khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

*Không chỉ cấm xe máy mà cả ô tô

Trước ý kiến tại sao chỉ cấm xe máy, người dân đi mua ô tô càng tắc đường nghiêm trọng hơn? ông Vũ Văn Viện giải đáp: Lộ trình của cơ quan chức năng không chỉ cấm xe máy.

Thực tế, những năm trước đây, Hà Nội cũng đã thực hiện phân vùng, hạn chế ô tô, taxi, uber, grab để giảm ùn tắc giao thông trong nội đô.

Hiện nay, nhiều tuyến phố đã cấm ô tô và song hành đó, việc thu phí dịch vụ ô tô cũng tăng nhiều lần.

Theo ông Viện, ùn tắc giao thông là vấn đề của thời đại. Ngay cả các thành phố hiện đại, có cơ sở hạ tầng tốt cũng xảy ra tình trạng tắc đường, không chỉ riêng ở Việt Nam.

Ngay từ năm 2008, trước tình hình ùn tắc và tai nạn giao thông, Chính phủ đã có Nghị quyết số 16/2008/NQ – CP ban hành ngày 30/7/2008, chỉ đạo các giải pháp giảm ùn tắc giao thông cho Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong 4 giải pháp của Nghị quyết, giải pháp thứ 4 đã chỉ rõ: Phát triển vận tải công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân.

Trong giải pháp này, quy định việc cấm mô tô, xe gắn máy, và ô tô lưu thông trên một số tuyến phố vào một số giờ nhất định, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực.

“Quyết định 06/2013 (ngày 25/1/2013) của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng phân vùng hạn chế ô tô theo khu vực từ vành đai 3 trở vào. Cấm ô tô là hạn chế theo từng khu vực, giờ nào được đi, có những tuyến hạn chế giờ cao điểm, có những tuyến chỉ hoạt động về đêm. Như vậy, chúng ta đã tổ chức hạn chế ô tô từ rất lâu rồi”, ông Vũ Văn Viện nêu rõ.

“Để chống ùn tắc giao thông, chúng ta chỉ có thể lựa chọn một số phương tiện cá nhân. Chúng ta đã phân luồng, phân vùng. Đề án quản lý giao thông đường bộ đã quy định hạn chế phương tiện cá nhân chung, tất cả các phương tiện chứ không phải chỉ riêng xe máy. Xe máy chỉ là một trong những phương tiện bị hạn chế, mỗi loại phương tiện có một chính sách quản lý riêng”, ông Vũ Văn Viện nói.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, việc hạn chế phương tiện cá nhân phải có lộ trình cụ thể, trải qua ba giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 1 ưu tiên phát triển, cải tạo hạ tầng, tạo thói quen người dân đi phương tiện công cộng và đi bộ cho người dân.

Giai đoạn 2 sẽ kiểm soát, phân vùng, phân luồng xe máy. Giai đoạn 3 sẽ hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân tiến tới năm 2030 là dừng sử dụng xe máy. Hiện tại, chúng ta đang trong giai đoạn 2 chứ không phải dừng luôn hoạt động của xe máy.

*Thực hiện đồng bộ 6 nhóm giải pháp

Hội đồng Nhân dân Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 04/7/2017 thông qua đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030”.

Đề án này đề cập đến nhiều giải pháp quản lý và phát triển vận tải hành khách công cộng, giảm dần phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, trong đó có giải pháp phân vùng hạn chế dần hoạt động của phương tiện xe máy, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 212/KH-UBND ngày 29/8/2017.

Theo đó, UBND Thành phố đặt ra rất nhiều nhiệm vụ, đề án cụ thể, bao gồm: Phát triển, đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong quy hoạch, đây là một nhiệm vụ có tính chất cơ bản để nâng cao năng lực vận tải trên địa bàn Thành phố; xây dựng các đề án mở rộng và phát triển vận tải hành khách công cộng, nâng cao chất lượng phục vụ hệ thống xe buýt.

Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang phối hợp với Tổng Công ty vận tải xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2025”.

Trong những năm qua, vận tải hành khách công cộng đã từng bước phát triển, nâng cao chất lượng phục vụ, mở rộng vùng phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng tốt hơn cho nhân dân; định hướng xây dựng đề án phân vùng, hạn chế hoạt động của xe máy, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030 hiện đang được Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, xây dựng. Dự kiến trong năm nay hoàn thành đề án này để công bố.

Theo Sở Giao thông Vận tải, tất cả các giải pháp phải tiến hành đồng thời, có những giải pháp lâu dài và những giải pháp trước mắt.

Hiện nay, Hà Nội đang triển khai đồng bộ 6 nhóm giải pháp chứ không phải chỉ tập trung vào phương án dừng hoạt động của xe máy.

“Dừng xe máy trong điều kiện chúng ta phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, trong Nghị quyết cũng đã nói rất rõ vấn đề này. Khi dừng hoạt động của xe máy, các quận có đủ điều kiện cần thiết để quy hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển vận tải hành khách công cộng với mục tiêu phục vụ đi lại của nhân dân và cải thiện môi trường sống của nhân dân thành phố được tốt hơn. Chúng tôi đang hành động trên phương châm: Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm phải một trăm và quan trọng nhất là sự đồng thuận của nhân dân”, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục