Khí thải nhà kính - “thủ phạm" giấu mặt gây thảm họa cháy rừng California

09:28' - 02/09/2020
BNEWS Bang California đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp kể từ ngày 18/8 và huy động hơn 12.000 lính cứu hỏa từ nhiều bang lân cận tới trợ giúp dập cháy mà vẫn chưa thể kiểm soát được tình hình.
California, bang đông dân nhất nằm ở phía Tây nước Mỹ, đang trải qua những ngày tồi tệ nhất vì thảm họa cháy rừng. Tính đến 25/8, ít nhất đã có 7 người chết và gần 50.000 người phải sơ tán khỏi nơi cư trú để đảm bảo an toàn tính mạng. Những cánh rừng bạt ngàn phủ kín diện tích khoảng 1,5 triệu mẫu Anh (hơn 600.000 ha) đã bị thiêu rụi.

Biển lửa lan rộng với tốc độ khủng khiếp ở đây từ đầu tuần trước sau khi California bị giáng tới 11.000 cú sét đánh chỉ trong vòng 72 giờ khiến gần 400 đám cháy rừng vốn đã đang âm ỉ lập tức bùng lên dữ dội không thể kiểm soát nổi.

Bang California đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp kể từ ngày 18/8 và huy động hơn 12.000 lính cứu hỏa từ nhiều bang lân cận tới trợ giúp dập cháy mà vẫn chưa thể kiểm soát được tình hình. Cuối tuần vừa qua, ngày 22/8, Tổng thống Trump cũng phải ban bố tình trạng thảm họa lớn đối với cháy rừng California.

Cháy rừng không phải là câu chuyện lạ lẫm ở California. Trái lại, ở khu vực bờ Tây nước Mỹ, nhất là California, cháy rừng là chuyện năm nào cũng xảy ra, nhất là trong khoảng thời gian hanh khô từ tháng Tám đến tháng Mười Một.

Chỉ có điều, bất chấp rất nhiều nỗ lực của chính quyền tiểu bang cũng như liên bang, các vụ cháy rừng ở đây ngày càng kéo dài hơn và mức độ hủy diệt của nó cũng khủng khiếp hơn rất nhiều trong những năm gần đây. Cháy rừng liên tục cũng tạo ra những đợt sóng nhiệt dẫn đến tình trạng mất điện cục bộ ở nhiều nơi.

Hôm 16/8, khu vực Furnace Creek ở California đo được nhiệt độ lên tới 54,4 độ C, có thể nói là mức nhiệt độ cao kỷ lục đo được trên trái đất.

Chỉ tính từ tháng Một tới nay, bang California đã ghi nhận 6.754 vụ cháy rừng, tăng hơn 2.700 vụ so với cùng thời gian này năm ngoái.

*Vì sao như vậy?

Các nhà khoa học tại địa bàn đã nghiên cứu và chỉ ra 4 nguyên nhân chính:

Thứ nhất, đó là tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Khí hậu hanh khô theo mùa ở California vốn bình thường cũng đã rất dễ gây cháy cho nên chỉ một bất cẩn, sơ suất của con người cũng đã có thể gây ra những vụ cháy rừng dữ dội. Giờ đây, nguy cơ cháy rừng tăng cao hơn rất nhiều bởi tình trạng biến đổi khí hậu đang khiến trái đất nóng lên từng ngày.

Theo những tài liệu còn lưu giữ và được công bố tại Mỹ, California luôn phải đối mặt với các vụ cháy rừng triền miên từ những năm 1930. Tuy nhiên, tình trạng cháy rừng dữ dội và lan nhanh với tốc độ chóng mặt như hiên nay mới chỉ xuất hiện trong khoảng 20 năm vừa qua. Đây cũng là khoảng thời gian California có tới 10 vụ cháy rừng lớn kỷ lục, gây thiệt hại nặng nề về người và của.

Nguyên nhân thứ hai, chính là con người. Theo số liệu của chính quyền bang California, cháy rừng do các nguyên nhân từ hệ thống điện chiếm khoảng 10% số vụ mỗi năm. Vụ cháy hồi năm 2018 có thể nói là khủng khiếp nhất trong lịch sử của tiểu bang rộng lớn này khi đường dây tải điện đã cũ tới 100 năm bắt lửa bùng cháy khiến ít nhất 85 người chết và thiệt hại vật chất lên tới 16 tỷ USD.

Nguyên nhân thứ ba, nghe có vẻ vô lý nhưng lại là sự thật đang xảy ra ở Mỹ mà các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra: Đó là do nỗ lực dập lửa của con người. Vì sao vậy? Bởi cuộc chiến dập lửa của con người đã tiếp diễn qua nhiều thập kỷ và trong cuộc chiến đó, cũng có nhiều lần con người dập lửa thành công và vì vậy, nhiều thứ đáng lẽ đã bị thiêu rụi lại không bị thiêu rụi. Trải qua thời gian hàng trăm năm, những thứ không bị thiêu rụi lại phát triển mạnh mẽ, cây cối chen chúc quá dày ở một số khu vực và chính tình trạng này là nguyên nhân khiến các khu vực này dễ bắt lửa và dễ bùng cháy hơn các nơi khác.

Thứ tư, đó là gió khô Santa Ana đặc trưng của Canifornia. Hàng năm khi mùa thu đến, các đợt gió mạnh Santa Ana mang không khí khô từ khu vực Lưu vực Lớn ở phía Tây vào Nam California. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, những đợt gió Santa Ana mạnh khiến lửa lan nhanh gấp ba lần bình thường và đây chính là nguyên nhân gây ra tới 80% thiệt hại kinh tế  từ các vụ cháy rừng trong 2 thập kỷ qua.

Nhưng có lẽ biến đổi khí hậu vẫn là nguyên nhân mấu chốt và sâu xa dẫn đến các thảm họa cháy rừng ngày càng nhiều như hiện nay, ở California cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới.

*Khí thải nhà kính từ đâu ra?

Không khó để thấy rằng đó chính là hậu quả trực tiếp của việc con người quá phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. 20 năm trở lại đây được ghi nhận là những năm nóng nhất từ trước tới nay trong lịch sử cận đại kể từ khi con người bắt đầu theo dõi nhiệt độ vào khoảng năm 1880 là bởi các hoạt động của con người đã tích tụ lượng khí thải nhà kính lên tới mức khủng khiếp.

Với California, năm nay, chính quyền sở tại đã thực hiện nhiều chương trình ứng phó thảm họa cũng như đề phòng cho tình trạng mất điện diện rộng. Thế nhưng, những tháng đầu năm nay lượng mưa tại bang lại thấp kỷ lục. Ở nhiều khu vực lượng mưa chưa được nổi 5% lượng mưa trung bình hàng năm và tình trạng hạn hán kéo dài khiến nhiều cánh rừng lúc nào cũng thường trực nguy cơ phát lửa.

Riêng trong năm nay, cơ quan theo dõi và cảnh báo cháy rừng bang California đã thống kê được hơn 4.500 vụ cháy rừng tại bang, trong đó có 17 vụ lớn lan rộng hơn 1000 mẫu Anh trở lên (khoảng 400 héc-ta), và như vậy, số vụ cháy rừng và diện tích rừng bị cháy năm nay tăng hơn 75% so với thời điểm này năm 2019. Riêng tuần vừa qua đã có thêm khoảng hơn 50 vụ cháy rừng mới và giới chức địa phương đành bất lực công bố hầu hết các vụ cháy đều không thể kiểm soát ngay được, nhất là với tình hình cơ quan khí tượng thủy văn đã dự báo không có mưa trong những ngày tới.

Cháy rừng và nhiều thảm họa khác do trái đất nóng lên mới chỉ mới bắt đầu bởi cũng theo tính toán của các chuyên gia thì hành tinh của chúng ta sẽ còn nóng hơn nữa, ở mức mà con người chưa bao giờ trải nghiệm. Tổ chức Khí tượng Thủy văn Thế giới dự báo rằng nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng khoảng 3-5 độ C vào năm 2100.

*Làm gì để chống biến đổi khí hậu?

Cách ứng phó cấp thiết nhất đối với thảm họa cháy rừng là hãy ứng phó với cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng hiện nay, phải cắt giảm khí thải nhà kính càng nhanh càng tốt.

Sau nhiều năm khí thải nhà kính trên toàn cầu tăng triền miên, tháng Tư vừa qua lần đầu tiên con số này giảm 17%. Thật trớ trêu, nguyên nhân khí thải nhà kính giảm là bởi các hoạt động trên toàn thế giới bị ngừng trệ vì đại dịch COVID-19. Cơ quan Năng lượng Quốc tế  ước tính tổng lượng khí thải nhà kính năm 2020 sẽ giảm khoảng 8% so với năm ngoái.

Nhiều tổ chức quốc tế như LHQ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, hay Ngân hàng Thế giới từ lâu đã lên tiếng kêu gọi các nước phải đẩy nhanh tiến trình phi các-bon hóa trong các hoạt động sản xuất kinh tế. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều nước vẫn bỏ ngoài tai những lời kêu gọi cấp thiết này. Ngay cả những nước đã cam kết cắt giảm khí thải nhà kính cũng chưa thực sự đạt được những cam kết đề ra.

Mỹ là một trong những nước xả ra nhiều khí thải nhà kính nhất nhưng chính Tổng thống Trump lại quyết định từ bỏ thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu có tên gọi là Hiệp định Paris kể từ ngày 4/11 tới, ngay sau khi nước Mỹ bầu xong Tổng thống. Chính ông Trump cũng bãi bỏ rất nhiều đạo luật bảo vệ môi trường đã được đưa ra dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Barrack Obama, đồng thời ông lại tiếp tục khuyến khích dùng nhiên liệu hóa thạch vì tiết kiệm chi phí.

Nếu thế giới không thay đổi, từng nước và từng người dân không nhận thực được mối nguy hiểm của khí thải nhà kính thì những thảm họa cháy rừng khủng khiếp như chúng ta đang chứng kiến sẽ chưa dừng lại, nếu không muốn nói là sẽ còn xảy ra với mức độ tàn phá khủng khiếp hơn nữa trong tương lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục