Khó khăn trong quản lý khai thác khoáng sản tại Bắc Kạn

16:07' - 26/05/2018
BNEWS Bắc Kạn là tỉnh có tài nguyên khoáng sản phong phú như quặng chì, kẽm, sắt và vàng, nhưng tình trạng thất thoát, khai thác, vận chuyển quặng trái phép diễn ra khá phức tạp.

Bắc Kạn là tỉnh có tài nguyên khoáng sản phong phú. Nguồn khoáng sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu là quặng chì, kẽm, sắt và vàng. Việc khai thác và chế biến khoáng sản đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng thất thoát, khai thác, vận chuyển quặng trái phép diễn ra phức tạp ở Bắc Kạn.

* Tái diễn tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép

Vừa qua, lực lượng chức năng huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) đã thu giữ 60 tấn quặng khai thác và vận chuyển trái phép trên địa bàn, chủ yếu là quặng sắt thô.

Số quặng trên được các đối tượng vận chuyển trên ô tô và đang trên đường đi tiêu thụ thì bị phát hiện. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, đưa phương tiện, số quặng về tập kết để xử lý theo quy định.

Một điểm khai thác cát trái phép tại thôn Bản Pẻn, xã Dương Quang. Ảnh: TTXVN

Trong 5 tháng đầu năm 2018, lực lượng chức năng huyện Chợ Đồn tổ chức kiểm tra và phát hiện 13 vụ khai thác, thu gom, vận chuyển khoáng sản trái phép, thu giữ hơn 64 tấn quặng, 15 máy móc, dụng cụ phục vụ khai thác khoáng sản trái phép; đồng thời xử phạt vi phạm hành chính 6 đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp với tổng số tiền phạt 5 triệu đồng; tháo dỡ 1 lán trại phục vụ việc khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực đèo Ba Bồ, xã Ngọc Phái.

Ông Hà Sỹ Huân, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn cho biết: Do nguồn lợi mang lại từ khoáng sản lớn, trên địa bàn lại có nhiều điểm mỏ khai thác khoáng sản nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù lực lượng chức năng và tổ liên ngành đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, nhưng đời sống của một bộ phận người dân trong vùng có nhiều khoáng sản khó khăn, thiếu đất sản xuất, đất canh tác nên vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển nhỏ lẻ.

Trong thời gian tới, địa phương sẽ siết chặt công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác, vận chuyển khoáng sản; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản.

Ông Trần Đức Trung Thiên, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chợ Đồn cho biết: “Lực lượng liên ngành thường xuyên tuần tra kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện các hành vi khai thác, vận chuyển, buôn bán khoáng sản trái phép.

Nhiều khi nhận tin báo lúc nửa đêm, anh em vẫn lên đường, băng rừng để kịp thời bắt giữ những đối tượng, phương tiện khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở, lực lượng tổ liên ngành mỏng, chủ yếu là kiêm nhiệm; các đối tượng thường khai thác, vận chuyển vào ban đêm nên khó khăn cho việc phát hiện, xử lý, bắt giữ”.

Huyện Ngân Sơn là một trong những địa phương có nhiều mỏ sắt, mỏ vàng. Trước đây, tình trạng khai thác quặng trái phép diễn ra rất phức tạp và trở thành điểm nóng, nhiều người ở nơi khác ùn ùn kéo về khu mỏ vàng Pác Lạng thuộc xã Thượng Quan của huyện để đào đãi vàng.

Lực lượng chức năng rất vất vả để có thể dẹp được vấn nạn “vàng tặc”. Hiện nay, mỏ vàng này đã được giao cho công ty tư nhân quản lý khai thác nên tình trạng khai thác trái phép đã "lắng xuống".

Bà Chu Thị Huyền, Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn chia sẻ, nhằm hạn chế việc khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, ngay từ đầu năm, huyện đã xây dựng kế hoạch về bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, để các xã, thị trấn có căn cứ tổ chức thực hiện.

Đồng thời, huyện chỉ đạo tổ công tác liên ngành, UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra tại các điểm có khoáng sản mà các đối tượng có thể lợi dụng khai thác trái phép. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã thu giữ 14 tấn quặng chì, kẽm không rõ nguồn gốc, tiêu hủy 2 lán trại, máy móc phục vụ việc khai thác trái phép khoáng sản.

Huyện Na Rì cũng là một trong những điểm nóng về khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép với nhiều điểm mỏ vàng, mỏ cát.

Đặc biệt, tại những điểm mỏ vàng nằm sâu trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ vẫn diễn ra thường xuyên tình trạng khai thác lén lút. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, truy quét tại các lũng, tiêu hủy 4 máy móc các loại, 50 m vòi dẫn nước và nhiều vật dụng khác.

* Cần siết chặt công tác quản lý khoáng sản

Bắc Kạn được đánh giá là một trong những tỉnh có thế mạnh, tiềm năng về khoáng sản với 273 mỏ và điểm khoáng sản, gồm 24 loại khoáng sản khác nhau. Khoáng sản phân bố ở hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê, giai đoạn từ năm 2011 - 2017, Bắc Kạn đã cấp 72 giấy phép hoạt động khoáng sản, mỗi năm ngân sách tỉnh chỉ thu được 60 - 70 tỷ đồng.

Con số này chưa tương xứng với tiềm năng thực tế bởi tình trạng thất thoát vẫn diễn ra. Điều này cũng làm nảy sinh những bất cập trong việc quản lý thuế, phí. Việc Bắc Kạn để doanh nghiệp tự kê khai sản lượng nộp thuế, phí như hiện nay rất dễ dẫn đến tình trạng thiếu minh bạch trong kê khai trữ lượng và đóng thuế cho nhà nước.

Ông Nguyễn Phúc Đán, Phó Trưởng phòng phụ trách khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn cho biết, việc khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra rải rác, nhỏ lẻ ở một số địa phương và việc thất thu về hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn là có xảy ra.

Để đánh giá được doanh nghiệp đó có kê khai đúng hay không và xác định sản lượng khai thác trong khoảng thời gian đó có đầy đủ hay không phụ thuộc vào các cơ quan chuyên môn.

Đây cũng là nội dung chưa được quản lý chặt chẽ. Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh đề án nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ khoáng sản, chống thất thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2017-2020; qua đó hạn chế tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán khoáng sản trái phép và chống thất thu thuế trong khai thác khoáng sản.

Giàu nguồn tài nguyên nhưng lợi ích mang lại từ tài nguyên lại chưa tương xứng và hệ lụy do khai thác, chế biến khoáng sản gây ra trong thời gian qua đang đặt ra yêu cầu bức thiết đối với tỉnh Bắc Kạn là cần có chiến lược và định hướng phát triển phù hợp hơn trong thời gian tới.

Để hoạt động khai khoáng tuân thủ đúng quy định của pháp luật và đem lại hiệu quả kinh tế, việc chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý khoáng sản đã và đang được các cấp, các ngành của Bắc Kạn quan tâm, tìm giải pháp tháo gỡ.

Trong đó, một giải pháp quan trọng là tập trung công nghệ chế biến sâu, không cấp phép khai thác cho doanh nghiệp không có nhà máy chế biến.

Bên cạnh đó, tỉnh cần thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp có kinh nghiệm, có tiềm lực tài chính vào lĩnh vực khai thác, gắn với chế biến sâu khoáng sản; từ đó tạo giá trị gia tăng, giải quyết nhiều việc làm tại chỗ và tăng thu cho ngân sách địa phương. Đồng thời, tỉnh cần tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát, truy quét các điểm khai thác khoáng sản trái phép…/.

Xem thêm:

>>>Thực hiện nghiêm chủ trương không xuất khẩu cát

>>>Chấn chỉnh quản lý khai khoáng nhìn từ Hà Giang

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục