Khó phát triển điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp

16:46' - 31/12/2023
BNEWS Đối với doanh nghiệp sản xuất, nguồn năng lượng tái tạo từ điện mặt trời mái nhà còn giúp họ tiết kiệm chi phí năng lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Hiện nay, việc phát triển các khu công nghiệp thông minh và bền vững, chú trọng các giải pháp tự động hóa, áp dụng quy trình sản xuất thông minh, hiện đại và tối ưu năng lượng tái tạo như điện mặt trời mái nhà đang được các nhà đầu tư triển khai thực hiện, đặc biệt tại các khu, cụm công nghiệp.

 

Lợi ích của xu hướng này là mang lại sự an toàn, hiệu quả cho các doanh nghiệp, giúp khu công nghiệp tuân thủ các quy định về môi trường, tạo lợi thế thu hút doanh nghiệp lớn ở trong và ngoài nước. Đối với doanh nghiệp sản xuất, nguồn năng lượng tái tạo từ điện mặt trời mái nhà còn giúp họ tiết kiệm chi phí năng lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, nhất là trong bối cảnh thị trường quốc tế tăng cường các quy định, cơ chế về giảm phát thải, bao gồm lượng phát thải gián tiếp từ điện năng tiêu thụ…

Ông Chu Đức Anh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho hay, nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế là rất lớn và cấp thiết. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Việt Nam có khoảng 335 khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng diện tích đất thuê khoảng 97.800 ha; trong đó, có 260 khu công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 76%.

Các khu công nghiệp, khu kinh tế tiêu thụ khoảng 15% tổng sản lượng điện của cả nước và có xu hướng tăng cao. Đây là những đơn vị có tiềm năng phát thải khí nhà kính rất lớn, ảnh hưởng đến môi trường và an ninh năng lượng quốc gia. Vì vậy, việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo từ điện mặt trời mái nhà là giải pháp hiệu quả để giảm thiểu phát thải khí nhà kính, tiết kiệm chi phí năng lượng và tăng cường tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Trong Quy hoạch Điện VIII, Nhà nước chủ trương phát triển điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiệp nhằm tăng nguồn cung điện tại chỗ, góp phần tăng năng lực cung ứng cho hệ thống điện địa phương và khu vực. Theo tính toán, tổng công suất tăng thêm từ nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản - tự tiêu có đấu nối hay liên kết với lưới điện quốc gia trên cả nước đến năm 2030 dự kiến sẽ là 2.600 MW.

Đồng thời, đảm bảo mục tiêu sản xuất xanh, thân thiện với môi trường, nhất là các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, EU, Nhật Bản... thì các sản phẩm đó cần có chứng nhận sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.

Do đó, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp nói riêng và doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp nói chung hiện nay đều có nhu cầu sử dụng năng lượng sạch để giành lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu. Tuy nhiên, việc sử dụng năng lượng tái tạo gặp nhiều khó khăn như: chi phí đầu tư ban đầu cao, thời gian hoàn vốn dài, nguồn cung không ổn định...

Ông Đào Du Dương, Chủ tịch Công Ty TNHH Bảo Long Solar Energy cho rằng, chính sách khuyến khích của Nhà nước đối với điện mặt trời mái nhà chưa rõ ràng và còn nhiều bất cập, chỉ mới ưu tiên cho các dự án điện mặt trời mái nhà của các hộ gia đình và trụ sở cơ quan hành chính... mà chưa đề cập đến mái nhà xưởng sản xuất chế biến của các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp.

Từ thực tế địa phương, ông Vũ Quốc Nghị, Phó Trưởng Ban phụ trách các Khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên cho biết, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đang đề nghị lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cho các nhà máy trong khu công nghiệp, nhưng gặp không ít khó khăn về hồ sơ, thủ tục xin ý kiến của các cơ quan liên quan để đảm bảo các yêu cầu an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ.

Đây là vướng mắc mà các cấp, ngành cần sớm ban hành văn bản pháp luật liên quan hoặc hướng dẫn chi tiết về trình tự thực hiện, thủ tục đầu tư, quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, đảm bảo đồng bộ và thống nhất thực hiện trong cả nước.

 Cụ thể như thế nào là hệ thống điện mặt trời mái nhà có nối lưới, không nối lưới, tự sản - tự tiêu, hệ thống điện mặt trời có hệ thống pin tích trữ. Việc quản lý cũng cần phân cấp cho các cơ quan chuyên môn địa phương phối hợp thực hiện trình tự, thủ tục đối với việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đào Du Dương kiến nghị, các doanh nghiệp cũng cần thêm sự hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức quốc tế và các ngân hàng trong việc tìm kiếm nguồn vốn, áp dụng các cơ chế khuyến khích và ưu đãi thuế cho việc đầu tư  phát triển điện mặt trời mái nhà cũng như việc xây dựng và vận hành hạ tầng lưới điện thông minh, linh hoạt và an toàn để đảm bảo sự liên kết giữa nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục