Khó xác định và đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát

07:42' - 04/03/2019
BNEWS Phóng viên TTXVN đã trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm xung quanh Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát với mục tiêu đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực này nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế.

Tuy nhiên, các hoạt động trong khu vực kinh tế chưa được quan sát có bản chất kinh tế khác nhau nhưng thường đan xen với nhau, gây khó khăn cho việc xác định và đo lường.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm.

BNEWS/TTXVN: Tổng cục Thống kê là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm nghiên cứu, lựa chọn phương pháp đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát. Vậy, Tổng cục Thống kê sẽ dùng phương pháp nào để có thể đo lường được các hoạt động này, thưa ông?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Theo lý luận của Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc (UNSD), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) trong nền kinh tế tồn tại 2 khu vực, đó là: khu vực kinh tế đã được quan sát và khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Theo đó, khu vực kinh tế chưa được quan sát bao gồm 5 nhóm: hoạt động kinh tế ngầm; hoạt động kinh tế bất hợp pháp; hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát; hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê.

Tôi cho rằng, các hoạt động trong khu vực kinh tế chưa được quan sát có bản chất kinh tế khác nhau, nhưng thường đan xen với nhau, gây khó khăn cho việc xác định và đo lường.

Hiện nay, trên thế giới có 3 phương pháp đo lường phổ biến là: phương pháp trực tiếp; phương pháp gián tiếp và phương pháp ước lượng mô hình.

Việc sử dụng phương pháp đo lường nào sẽ phụ thuộc vào tính chất và đặc điểm của từng nhóm; phù hợp với điều kiện và nguồn lực hiện có nhằm bảo đảm tính khả thi và theo lộ trình hợp lý.

BNEWS/TTXVN: Ông có thể nói rõ hơn về phương pháp đo lường những hoạt động thống kê chưa được quan sát này?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Để có thể đo lường được một loại hoạt động trước hết cần nhận dạng được hoạt động đó, tức là cần xác định rõ khái niệm, phạm vi, nguồn thông tin của các chỉ tiêu phản ánh.

Sau đó có sự phân công, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương cùng thống nhất tổ chức thực hiện để tránh bỏ sót hoặc trùng lặp.

Ví dụ, trong thời gian qua, Tổng cục Thống kê phối hợp với cơ quan Thuế đã thực hiện nhóm hoạt động số 5 (hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê), tiến hành rà soát, đối chiếu danh sách doanh nghiệp trong các cuộc Tổng điều tra kinh tế với danh sách doanh nghiệp trong hồ sơ của cơ quan thuế để bổ sung cho đầy đủ số lượng doanh nghiệp, cơ sở có hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, không trùng lặp.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê cũng đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thu thập thông tin của các doanh nghiệp, các hoạt động thuộc chức năng quản lý của các bộ này phụ trách để đảm bảo đầy đủ về phạm vi, quy mô của tất cả các hoạt động trong nền kinh tế; đồng thời, tránh trùng lắp, chồng chéo.

BNEWS/TTXVN: Thưa ông, trong 5 nhóm hoạt động kinh tế chưa được quan sát có nhóm “kinh tế ngầm” và “kinh tế phi chính thức” rất khó quản lý, thu thập thông tin do bị giấu giếm. Vậy Tổng cục Thống kê sẽ có cách nào để tính toán được cho đúng?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Đối với hoạt động kinh tế ngầm bao gồm các hoạt động kinh tế hợp pháp, nhưng bị giấu giếm một cách có chủ ý tránh các nghĩa vụ nộp thuế và trách nhiệm xã hội.

Do đó, việc thu thập thông tin về kết quả sản xuất của các hoạt động kinh tế ngầm rất phức tạp và khó khăn vì các chủ thể thực hiện các hoạt động này có nhiều cách tinh vi để che giấu.

Theo đó, để có thể thu thập thông tin về hoạt động kinh tế ngầm, cần phải xác định rõ gồm những loại hoạt động nào? Thường diền ra trong đơn vị đơn vị sản xuất kinh doanh nào. Trên thực tế, trong một đơn vị hoạt động kinh tế có một phần hoạt động kinh tế ngầm, bị dấu giếm.

Để thực hiện việc này, Tổng cục Thống kê sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan rà soát và xác định hoạt động, xây dựng một số chỉ tiêu nhận dạng, chỉ tiêu thay thế và phương pháp ước tính (trực tiếp hoặc gián tiếp) cho từng chỉ tiêu, sau đó tiến hành thử nghiệm khảo sát thực tiễn trước khi ước lượng mức độ ảnh hưởng của nó.

Đối với loại hoạt động này việc xem xét, đánh giá cần được tiến hành thận trọng, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan như cơ quan thuế, quản lý thị trường, Ủy ban phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái….

Kết quả ước tính có thể được tính hoặc không tính vào GDP tùy theo độ tin cậy của phương pháp ước tính và mức độ ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế. Mục tiêu chính xem xét là thu hẹp tối đa hoạt động này trong nền kinh tế.

Còn đối với hoạt động kinh tế phi chính thức được nhận dạng là các cơ sở sản xuất có quy mô vốn và lao động nhỏ; không bắt buộc phải đăng ký kinh doanh; không ký hợp đồng lao động; không có hệ thống sổ sách ghi chép kế toán; không tách biệt tài sản và lao động của cơ sở cho sản xuất và sinh hoạt hoặc không có tư cách pháp nhân. Hoạt động kinh tế phi chính thức ở Việt Nam thường biểu hiện dưới hình thức kinh tế hộ gia đình.

Hoạt động kinh tế phi chính thức là hoạt động kinh tế không giấu giếm nhưng thường là những hoạt động nhỏ lẻ, đa dạng, liên tục xuất hiện nhiều hoạt động mới như các cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ, cửa hiệu giặt là, bán hàng rong, xe ôm, bán hàng online… và thường tập trung ở các thành phố lớn.

Hoạt động kinh tế phi chính thức gồm 2 loại: đã được quan sát và chưa được quan sát. Hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát là bộ phận kinh tế phi chính thức, nhưng chưa được thu thập thông tin về kết quả sản xuất kinh doanh.

Các cuộc Tổng điều tra Kinh tế thực hiện 5 năm/lần tiến hành thu thập thông tin tổng thể về khu vực phi chính thức.

Hàng năm, Tổng cục Thống kê đã quan tâm, tiến hành điều tra chọn mẫu trong cuộc điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể vào 1/10 hàng năm để thu thập thông tin về khu vực kinh tế phi chính thức và đã tính vào chỉ tiêu GDP.

Tuy nhiên chưa tiến hành phân loại và công bố riêng kết quả sản xuất của hoạt động này.

Như vậy, ở Việt Nam, hầu hết các hoạt động kinh tế phi chính thức đã được quan sát, thu thập thông tin và tính toán từ các cuộc điều tra của ngành thống kê. Sau khi thực hiện Đề án, Tổng cục Thống kê sẽ phân loại và công bố riêng kết quả đóng góp của hoạt động này trong nền kinh tế.

BNEWS/TTXVN: Có ý kiến cho rằng, kinh tế ngầm sẽ được tính vào GDP. Như vậy, con số này liệu có ảnh hưởng đến nợ công của Việt Nam và ông nhận định về vấn đề này như thế nào?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Về hoạt động kinh tế ngầm, có những quốc gia điều tra, ước lượng và tích hợp vào chỉ tiêu GDP, nhưng cũng có nhiều quốc gia chỉ tiến hành tính toán để biết tỷ lệ của hoạt động kinh tế ngầm của một năm nào đó phục vụ quản lý, điều hành và nghiên cứu ban hành chính sách phù hợp mà không tính vào chỉ tiêu GDP.

Hoạt động kinh tế ngầm tồn tại khách quan và có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế như ảnh hưởng đến nguồn thu thuế của Chính phủ; ảnh hưởng đến văn hóa, xã hội của một quốc gia; làm cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của các sản phẩm của quốc gia bị giảm đi; môi trường kinh doanh không bình đẳng, giảm độ tin cậy và sự minh bạch trong sản xuất kinh doanh; không khuyến khích và thúc đẩy tính sáng tạo, đầu tư dài hạn, quy mô lớn, đầu tư phát triển nguồn nhân lực; lao động làm việc ở khu vực kinh tế ngầm không được đảm bảo các điều kiện về lao động, hoặc các hình thức an sinh xã hội khác.

Việc không xem xét, đánh giá mức độ ảnh hưởng của hoạt động kinh tế ngầm sẽ không có thông tin cung cấp cho các cơ quan hoạch định chính sách, các nhà quản lý đưa ra các chính sách hoặc quyết định điều hành hợp lý làm cho hiệu lực, hiệu quả của các chính sách bị hạn chế, hoạt động kinh tế kém hiệu quả.

Hiện nay, hoạt động kinh tế ngầm chưa được tính toán và tích hợp vào chỉ tiêu GDP của Việt Nam. Tổng cục Thống kê sẽ phối hợp với các bộ, ngành để khảo sát, đánh giá và đề xuất các giải pháp thu hẹp phạm vi của khu vực này.

Việc quyết định có tích hợp hoạt động kinh tế ngầm vào chỉ tiêu GDP hay không sẽ được xem xét sau khi nghiên cứu, khảo sát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của hoạt động kinh tế ngầm trong nền kinh tế.

Tôi cho rằng, nếu hoạt động kinh tế ngầm được tích hợp vào chỉ tiêu GDP không chỉ ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ công so với GDP của Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác như: tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP; hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR); tỷ lệ thuế trừ trợ cấp sản phẩm so với GDP; tỷ lệ thu, chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP; năng suất lao động xã hội….

Các quốc gia trên thế giới khi công bố thay đổi quy mô của chỉ tiêu GDP đồng thời cũng công bố sự thay đổi của các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có liên quan.

BNEWS/TTXVN: Xin cám ơn ông !

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục