Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm phản ánh sát hơn thực tiễn

11:55' - 20/02/2019
BNEWS Việc thực hiện Đề án thống kê kinh tế chưa được quan sát góp phần nâng cao chất lượng thông tin thống kê, phản ánh sát thực và đầy đủ hơn về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.
Họp báo về Đề án Thống kê kinh tế chưa được quan sát. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại buổi họp báo về Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát do Tổng cục Thống kê tổ chức sáng 20/2, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, việc thực hiện Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ là căn cứ quan trọng giúp ngành thống kê tiếp tục đổi mới, hoàn thiện phương pháp chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế và thực tiễn.

Việc thực hiện Đề án này cũng góp phần nâng cao chất lượng thông tin thống kê, phản ánh sát thực và đầy đủ hơn về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, phục vụ kịp thời, hiệu quả khi xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các ngành, lĩnh vực và địa phương.

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục Thống kê có trách nhiệm thu thập phản ánh rõ nhất quy mô của nền kinh tế, đây là nhiệm vụ phải làm trung thực. Đó cũng là chính sách và quyết sách của Chính phủ. Hiện nay, nợ công/GDP của Việt Nam là 61,4% so với các nước khác trên thế giới chưa phải là vấn đề, nợ công/GDP mục tiêu được Quốc hội đề ra là không quá 65%.

“Thực hiện Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát là có khó khăn, thách thức, Tuy nhiên, cần sự vào cuộc của các bộ, ngành có liên quan và sẽ có lộ trình thực hiện cụ thể từng năm... để Tổng cục Thống kê thực hiện thành công Đề án trong những năm tới”, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm chia sẻ.

Ngày 1/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát với 3 mục tiêu chính là: đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ thống kê nói chung và nghiệp vụ biên soạn tài khoản quốc gia nói riêng, từng bước tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ thống kê quốc tế và góp phần bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với nền kinh tế.

Nhận định thêm về Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, hiện vẫn còn không ít hoạt động kinh tế chưa cập nhật được đầy đủ kết quả sản xuất kinh doanh do còn bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê.

Các hoạt động kinh tế ngầm và hoạt động kinh tế bất hợp pháp cũng chưa được nhận diện một cách đầy đủ. Do đó, tính kịp thời, đầy đủ, chính xác của các chỉ tiêu tài khoản quốc gia và những chỉ tiêu kinh tế - xã hội liên quan của cả nước cũng như của các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế…

Tổng cục Thống kê cho biết, Đề án này được triển khai từ năm 2019, cụ thể: Tổng cục Thống kê sẽ hoàn thành nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm quốc tế; xác định phạm vi, quy mô khu vực kinh tế chưa được quan sát trong nền kinh tế nước ta; lựa chọn phương pháp đo lường và tiến hành đo lường thử nghiệm; đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm.

Năm 2020, Tổng cục Thống kê bắt đầu đo lường chính thức. Hàng năm sẽ cập nhật kết quả biên soạn tổng sản phẩm trong nước, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội liên quan.

Bên cạnh việc biên soạn, công bố, phổ biến kịp thời, đầy đủ số liệu của các chỉ tiêu này, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 còn phải có số liệu hoặc hướng dẫn phương pháp tính toán, xác định các số liệu không bao gồm khu vực kinh tế chưa quan sát, phục vụ đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 và các phân tích, đánh giá khác về tình hình kinh tế - xã hội của cả nước cũng như của các bộ, ngành, địa phương.

Theo Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia, Tổng cục Thống kê, ông Dương Mạnh Hùng, việc thực hiện Đề án này để xác định danh mục phạm vi của từng thành tố, phạm vi thông tin; đồng thời, tăng cường chia sẻ về hồ sơ hành chính như: Tổng cục Thuế đang chia sẻ với Tổng cục Thống kê về chế độ báo cáo kế toán của doanh nghiệp; Ngân hàng Nhà nước thực hiện Đề án không chi tiêu tiền mặt… để phản ánh rõ nhất khu vực kinh tế chưa quan sát được, tạo thuận lợi cho cơ quan thống kê.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục