Khoán xe công theo những phương án nào?

16:39' - 19/07/2017
BNEWS Mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô khi đi công tác của các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe theo một trong 2 phương án là khoán gọn hoặc thanh toán theo thực tế.
Mức khoán kinh phí xe công có thể thực hiện theo một trong hai phương án. Ảnh minh họa: TTXVN

Bộ Tài chính vừa hoàn thành dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, trong đó quy định tiêu chuẩn, định mức xe ô tô được hình thành từ nguồn vốn ngân sách, có nguồn gốc ngân sách, nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước (kể cả viện trợ, quà biếu, tặng cho của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hoặc được xác lập quyền sở hữu của nhà nước theo quy định của pháp luật).

Theo dự thảo, căn cứ tình hình thực tế, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng quyết định thành lập, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô khi đi công tác của các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe theo một trong 2 phương án sau:

Phương án 1 (khoán gọn): Căn cứ khoảng cách đưa, đón đối với chức danh theo quy định; tần suất, khoảng cách đi công tác của chức danh đủ điều kiện sử dụng xe ô tô và đơn giá dịch vụ vận chuyển của phương tiện tương đương trên thị trường tại địa phương để xác định mức khoán cụ thể cho các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe. Bộ, cơ quan trung ương, Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng quyết định thành lập, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định mức khoán gọn.

Phương án 2 (thanh toán theo thực tế): Thanh toán theo km thực tế và đơn giá dịch vụ của phương tiện vận tải tương đương trên thị trường. Việc xác định đơn giá dịch vụ của phương tiện vận tải tương đương trên thị trường để thanh toán cho đối tượng khoán do bộ, cơ quan trung ương, Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng quyết định thành lập, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định.

Dự thảo quy định giá mua xe ô tô phục vụ chức danh theo quy định tối đa 720 triệu đồng/chiếc. Trường hợp cần thiết mua xe từ 12 đến 16 chỗ để thực hiện nhiệm vụ hoặc xe ô tô loại 2 cầu do thường xuyên phải đi công tác tại địa bàn các huyện miền núi, vùng hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn thì giá mua xe tối đa là 1,1 tỷ đồng/chiếc.

Đối với mua xe ô tô chuyên dụng thì giá mua do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thuộc phạm vi quản lý; Giá mua xe ô tô chuyên dùng phải quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định này do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo dự thảo, đối tượng thực hiện khoán kinh phí xe công gồm: Phó Trưởng ban của Đảng ở Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước.

Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Thứ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục thuộc Bộ, cơ quan trung ương, Phó các đoàn thể Trung ương, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngoài ra còn các chức danh của thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh: Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

Dự thảo cũng nêu rõ nguyên tắc khoán kinh phí sử dụng xe là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng quyết định thành lập, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định phương án khoán (đối tượng và công đoạn áp dụng khoán) và mức khoán kinh phí cụ thể phù hợp với thực trạng quản lý, sử dụng xe, điều kiện thực tế tại các Bộ, cơ quan trung ương, Tập đoàn kinh tế và địa phương.

Tổng chi phí cho sử dụng xe (kinh phí khoán và kinh phí duy trì hoạt động của số xe đã được trang bị) không cao hơn chi phí sử dụng xe của năm trước liền kề (khi chưa áp dụng khoán);

Việc khoán kinh phí sử dụng xe phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả hơn việc trang bị xe ô tô theo tiêu chuẩn, định mức quy định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục