Khởi công hai nhà máy gỗ với tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng

15:25' - 18/09/2020
BNEWS Ngày 18/9, tại Yên Bái đã diễn ra Lễ khởi công xây dựng Nhà máy Cưa xẻ, sấy gỗ thành phẩm và sản xuất, xuất khẩu Plywood và Nhà máy sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu.

Ngày 18/9, tại thôn Ngọn Ngòi, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên (Yên Bái) diễn ra Lễ khởi công xây dựng Nhà máy Cưa xẻ, sấy gỗ thành phẩm và sản xuất, xuất khẩu Plywood và Nhà máy sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu.

Dự án do Công ty TNHH Năng lượng An Việt Phát - thành viên của Tập đoàn An Việt Phát làm chủ đầu tư. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, được tỉnh lựa chọn là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nhà máy Cưa xẻ sấy gỗ thành phẩm và sản xuất, xuất khẩu Plywood có công suất trên 56.000 tấn gỗ xẻ/năm và gần 190.000 tấn gỗ dán công nghiệp/năm. Nhà máy Sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu với công suất 150.000 tấn/năm.

Hai nhà máy được xây dựng trên diện tích 16 ha với tổng vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác từ năm 2021. Đây là dự án phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh Yên Bái trong giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo.

Tập đoàn An Việt Phát quyết định xây dựng 2 nhà máy tại xã Minh Quân, huyện Trấn Yên vì đây là nơi có vị trí giao thông thuận tiện, gần nút giao IC12 nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Hơn nữa, Trấn Yên là một trong những địa phương đi đầu của tỉnh Yên Bái về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp; có diện tích rừng sản xuất chiếm tỷ trọng lớn; có quy hoạch và phát triển các vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm đầu ra, là những yếu tố quan trọng, quyết định đến sự thành công của dự án ngành chế biến gỗ.

Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy đánh giá cao sự lựa chọn đúng đắn của nhà đầu tư khi quyết định phát triển dự án tại tỉnh Yên Bái - là tỉnh cửa ngõ của khu vực Tây Bắc, trung tâm của vùng trung du và miền núi phía Bắc -  nơi có tổng diện tích đất lâm nghiệp đạt trên 530 nghìn ha, với tỷ lệ che phủ rừng đạt 63%, cao thứ tư cả nước.

Yên Bái có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp để phát triển các loài cây gỗ lớn và cây nguyên liệu giấy; diện tích rừng trồng sản xuất toàn tỉnh đạt khoảng 188 nghìn ha, tổng sản lượng gỗ thu hoạch hàng năm đạt khoảng 480.000 m3, giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2020 ước đạt gần 2.000 tỷ đồng (chiếm gần 30% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp).

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: "Việc triển khai, hoàn thành đưa các nhà máy của dự án đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích lớn cho nhà đầu tư, đóng góp tích cực vào việc nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho lao động địa phương, tăng thu cho ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Trấn Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung.

Đồng thời cũng tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán của tỉnh Yên Bái trong nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân".

Để dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đề nghị nhà đầu tư tập trung nguồn lực để triển khai dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ như đã cam kết; tuân thủ đúng các quy định của pháp luật; chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương, liên kết chặt chẽ với các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình cá nhân để triển khai các dự án liên kết sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, đảm bảo vừa phát triển các vùng nguyên liệu ổn định cho các nhà máy, vừa góp phần nâng cao đời sống thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần phát triển ngành công nghiệp chế biến lâm sản, xuất khẩu của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái cũng đề nghị các đơn vị tư vấn, các nhà thầu tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng; đảm bảo chất lượng, an toàn công trình, an toàn lao động và vệ sinh môi trường; không được để quá trình thi công xây dựng ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của nhân dân khu vực lân cận dự án.

Các sở, ngành, địa phương, nhất là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Trấn Yên tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thi công, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, hỗ trợ kịp thời nhà đầu tư giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai Dự án.

Cùng với đó, tuyên truyền, vận động các hộ dân, hợp tác xã, tổ hợp tác chủ động phối hợp với nhà đầu tư triển khai các dự án liên kết phát triển sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, tích cực tham gia trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, đời sống người dân sản xuất lâm nghiệp ổn định và khá lên từ rừng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục