Khơi điểm nghẽn giao thông kết nối vùng và khu, cụm công nghiệp

16:37' - 08/08/2023
BNEWS Ngày 8/8, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc chủ trì Hội nghị Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Nam Định.

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định  Phạm Gia Túc chỉ đạo, tỉnh cần huy động đầu tư phát triển giao thông để khơi thông điểm nghẽn về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng các khu dân cư tập trung, dẫn đến khối lượng phải giải phóng mặt bằng của tỉnh lớn.

 

Thời gian qua, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của tỉnh đã được thực hiện quyết liệt nhưng vẫn còn những vướng mắc, do đó Ban Chỉ đạo phải quyết tâm hơn nữa. Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả để các cấp chính quyền, ngành chức năng thực hiện đạt chất lượng cao nhất công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các dự án trọng điểm.

Trực tiếp các trưởng ban, phó trưởng Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng cấp tỉnh sẽ trực tiếp làm việc, cùng các địa phương trọng điểm trong giải phóng mặt bằng gồm: Nghĩa Hưng, Xuân Trường và thành phố Nam Định nhằm cùng tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn; không để các địa phương phải đơn phương trong thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng.

Cùng với đó, Bí thư tỉnh uỷ Nam Định yêu cầu Bí thư cùng lãnh đạo UBND các huyện, thành phố phải cam kết trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo phải thực hiện đúng trách nhiệm đã được giao.

 

Đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể cần sát dân, gần dân hơn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tăng cường vận động để cán bộ, đảng viên và người dân hiểu rõ công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của cả hệ thống chính trị, hiểu rõ các giá trị lợi ích người dân được hưởng và các giá trị lợi ích lớn, bao trùm mà toàn tỉnh được hưởng lợi khi đầu tư mặt bằng cho phát triển sản xuất công nghiệp, kinh doanh, từ đó đồng thuận cùng tỉnh thực hiện hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định Hà Lan Anh, thời gian qua, công tác giải phóng mặt bằng luôn được Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo chỉ đạo sát sao cùng sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành và chính quyền địa phương; đặc biệt là sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân trong vùng dự án. Do vậy, việc giải phóng mặt bằng được thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh Nam Định đã kịp thời ban hành các văn bản cụ thể hóa chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh và tỉnh cũng đã chỉ đạo các cấp, các ngành công khai, minh bạch, tuân thủ chính sách pháp luật trong quá trình lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Qua đó, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trong công tác giải phóng mặt bằng được đảm bảo.

Tuy vậy, theo bà Hà Lan Anh, tỉnh Nam Định còn gặp một số khó khăn như công tác bố trí tái định cư tại các huyện còn khó khăn trong việc tái định cư phân tán tìm vị trí có điều kiện tương đồng. Thời gian thực hiện thủ tục để xây dựng hạ tầng khu tái định cư tập trung dài ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng. Một số địa phương chưa quản lý chặt chẽ quỹ đất công ích dẫn đến việc khó thanh lý hợp đồng cho thuê đất công ích làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng…

Cũng theo Bà Hà Lan Anh, nguyên nhân là do cấp ủy, chính quyền một số địa phương nhất là cấp cơ sở chưa kiên quyết chỉ đạo trong giải phóng mặt bằng. Việc tuyên truyền vận động nhân dân chưa đạt hiệu quả cao; quản lý đất đai ở một số địa phương còn thiếu chặt chẽ, hệ thống dữ liệu về đất đai chưa đồng bộ. Đặc biệt, việc mua bán, chuyển nhượng đất đai diễn ra phức tạp, nhất là đối với việc chuyển nhượng đất nông nghiệp không đúng với quy định của pháp luật, đã thực hiện từ trước…

Thời gian tới, tỉnh Nam Định xác định giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cấp ủy, chính quyền nơi có dự án, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo và tổ chức triển khai thực hiện của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.

Nam Định tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát cũng như công tác đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng. Các địa phương tập trung tìm các điểm tái định cư phân tán phù hợp; phối hợp với các sở, ngành giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng các cấp đã kiểm điểm rõ trách nhiệm, chất lượng chỉ đạo, điều hành công tác giải phóng mặt bằng của các thành viên, người đứng đầu các sở, ngành, địa phương.

Hiện, tỉnh Nam Định xác định có 7 dự án đầu tư công trọng điểm gồm: xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – Đường ven biển; xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh Nam Định; đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn II); xây dựng đường trục phía nam thành phố Nam Định; xây dựng cầu qua song Đào thành phố Nam Định; đường cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình và Cầu vượt sông Đáy nối Ninh Binh với Nam Định.

Cùng với đó, tỉnh cũng xác định các dự án trọng điểm ngoài ngân sách gồm: các dự án của tập đoàn Xuân Thiện; Khu công nghiệp Mỹ Thuận (huyện Mỹ Lộc); Khu công nghiệp Bảo Minh mở rộng (huyện Vụ Bản); Dự án cụm công nghiệp Yên Bằng (huyện Ý Yên); Dự án xây dựng và kinh doanh và hạ tầng cụm công nghệp Giao Thiện (huyện Giao Thủy); dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp Tân Thịnh (huyện Nam Trực); mở rộng cụm công nghiệp tập trung Đồng Côi (huyện Vụ Bản).

Theo UBND tỉnh Nam Định, trong 7 tháng các huyện, thành phố đã hoàn thành khối lượng giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm với diện tích đất trên 250 ha với trên 4.400 hộ chủ sử dụng và đã chi trả trên 900 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục