Khởi nghiệp - Dấn thân để chạm tới thành công

08:02' - 18/02/2020
BNEWS "Khởi nghiệp - startup” đã trở thành từ khóa "hot" và cho thấy mối quan tâm lớn của cộng đồng xã hội trong sự nghiệp phát triển kinh tế.

Với hơn 120 triệu kết quả trên mạng Google, “khởi nghiệp - startup” đã trở thành từ khóa "hot" nhất được tìm kiếm trong thời gian gần đây và thực sự cho thấy mối quan tâm lớn của cộng đồng xã hội trong sự nghiệp phát triển kinh tế.

Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Đánh giá về tinh thần khởi nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo một khảo sát gần đây của mạng lưới toàn cầu, cho dù năng lực còn hạn chế và khả năng hiện thực hóa các ý kiến sáng tạo của Việt Nam chưa cao, nếu không muốn nói là thuộc nhóm 20 nước cuối cùng trong bảng xếp hạng nhưng Việt Nam vẫn luôn là quốc gia có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới.

Trong kỷ nguyên số hóa như hiện nay, nếu có thêm lực đẩy và sự hỗ trợ từ thể chế chính sách cũng như sự hậu thuẫn từ chính các doanh nghiệp tiên phong thì khả năng thành công của các startup Việt Nam là điều có thể hoàn toàn tin tưởng.

Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định: “Việt Nam đã từng có "kỳ lân" tỷ đô là Vinagame và không ít doanh nghiệp công nghệ thành công khác. Vậy thì bài toán của chúng ta là cần phải làm sao để có thêm nhiều "kỳ lân" như thế”.

Chia sẻ về hành trình trở thành “kỳ lân”, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vinagame Lê Hồng Minh cho biết, đó là cả hành trình dài, phải trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Để có được ngày hôm nay, Vinagame gặp rất nhiều gian nan và nếm trải không ít thất bại. Quan trọng nhất, theo ông Minh là phải biết chớp thời cơ và tận dụng may mắn.

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ như hiện nay, có thể trong vòng 15 năm tới, thế giới sẽ nhìn vào và nói rằng, Việt Nam đã khác, ông Minh nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vinagame Lê Hồng Minh. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Khởi nghiệp và để khởi nghiệp thành công là điều không đơn giản. Thời gian gần đây, dù Nhà nước đã có nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ, khuyến khích người dân và doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi sự kinh doanh, nhưng vẫn còn hiện hữu nhiều rào cản và vướng mắc khiến hành trình khởi nghiệp của nhiều cá nhân, tập thể không thuận lợi và đạt kết quả như kỳ vọng.

Bên cạnh những vấn đề như thiếu quỹ đất sạch, thiếu nguồn cung cấp thông tin và dữ liệu cơ sở về thị trường, về đất đai từ các kênh của quản lý Nhà nước hay việc khó khăn trong hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics... đang gây tâm lý e dè, ngần ngại đầu tư đối với các doanh nghiệp và cá nhân thì câu chuyện về vốn, tín dụng đầu tư cũng là nỗi niềm trăn trở của các startup.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước cho hay, dư nợ tín dụng đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ chiếm chưa tới 19% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế - một con số quá nhỏ so với tỷ lệ chiếm hơn 95% tổng số doanh nghiệp Việt Nam của khu vực này. Nếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã khó tiếp cận tín dụng thì các startup sẽ còn khó hơn.

Tuy nhiên, ông Lê Hồng Minh (Vinagame) rằng: "Không phải là không thể thay đổi và không có gì là không thể tháo gỡ". Trong vòng 5 năm trở lại đây, có rất nhiều công ty đã bước ra thế giới như: Grab, Uber, Airbnb cùng rất nhiều công ty thương mại điện tử… Họ chuyển dịch dần từ không gian online sang môi trường thực tế. Đây chính là cơ hội và xu hướng công nghệ. Internet sẽ dịch chuyển ở Việt Nam trong vòng 3-5 tới đây.

Tuy nhiên, để tham gia vào những lĩnh vực như logistics, dịch vụ tài chính, y tế, bảo hiểm… cần phải có nguồn lực và chuyên môn cao. "Ở đâu khó thì ở đó có cơ hội, thậm chí là rất nhiều cơ hội", ông Minh nhấn mạnh.

“Chúng tôi tin mình có thể giải quyết được một vài thách thức cụ thể và nếu thành công, Vinagame có thể tăng trưởng từ 10 đến 20 lần trong những năm tới”, ông Minh khẳng định.

Ông Tăng Ngọc Trường An, Tổng giám đốc Công ty Ibosses Việt Nam - một trong những đơn vị tiên phong trong việc thúc đẩy, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam cho hay, Việt Nam đang phải đối mặt với 2 vấn đề cần giải quyết là tài chính và công nghệ.

Xét về các điều kiện kinh doanh trong tương quan so sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam đang có nhiều ưu thế ở những chỉ số như: sự năng động của thị trường, cơ sở hạ tầng hay về văn hóa chuẩn mực xã hội… nhưng lại hạn chế hơn về tài chính, nhận thức và giáo dục kinh doanh, chuyển giao công nghệ. Vì thế, việc khởi sự kinh doanh sẽ khó thành với những doanh nghiệp non trẻ, vừa yếu về tiềm lực, vừa thiếu về kinh nghiệm và mối quan hệ.

Tuy nhiên, để hun đúc tinh thần khởi nghiệp, giữ lửa nhiệt huyết trong tim những doanh nghiệp trẻ và hỗ trợ họ "chạm tới" thành công trên chặng đường khởi sự kinh doanh, theo ông An, về phía doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh có tầm nhìn và kiện toàn bộ máy tổ chức; đồng thời thiết lập hệ thống quản trị tốt để vận hành hiệu quả.

Về phía quản lý Nhà nước, các bộ, ngành, đơn vị liên quan nên tạo động cho lực lượng này bằng việc khuyến khích phát triển các cơ chế đầu tư tài chính rủi ro; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận tín dụng và phát triển các dịch vụ đào tạo, nâng cao trình độ cho doanh nghiệp.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục