Khởi nghiệp sản xuất kinh doanh từ khai thác tài nguyên bản địa

12:36' - 05/12/2024
BNEWS Với tinh thần siêng năng, nhạy bén, những năm gần đây nhiều thanh niên tỉnh Kiên Giang tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, khai thác tài nguyên bản địa khởi nghiệp sản xuất kinh doanh.

Các mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho gia đình, còn góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động ở địa phương.

 

Sản phẩm Trà mãng cầu xiêm 2 Đậu của anh Nguyễn Tấn Đậu (40 tuổi), xã Thạnh Hòa, là sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 3 sao được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021, đồng thời được tỉnh Kiên Giang chọn làm sản phẩm trong giỏ quà tết nhiều năm qua.

Anh Đậu cho biết, năm 2017, gia đình trồng vườn mãng cầu xiêm để bán trái, tuy nhiên thương lái chọn trái suôn và to để mua, còn lại thì bỏ hết. Thấy sót nông sản vất vả chăm sóc hàng năm trời mới có được nhưng phải đem bỏ, anh Đậu đã tìm hiểu, học hỏi cách làm trà mãng cầu xiêm ở huyện Cò Đỏ, thành phố Cần Thơ, đồng thời nghiên cứu tìm hiểu thêm trên mạng xã hội để chế biến trà loại trà này. Vậy là những mẻ trà đầu tiên ra đời và được anh Đậu tặng cho bạn bè, người thân dùng thử. Nhận được lời khen trà ngon và có thể chế biến để bán ra thị trường, anh Đậu mạnh dạn đầu tư, đăng ký thương hiệu và từng bước cải tiến bao bì, mẫu mã đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng trong hơn 4 năm qua.

Anh Đậu cũng cho hay, cơ sở có từ 5-7 nhân công làm thường xuyên các khâu như: rửa, gọt vỏ, xắt sợi, sấy và đóng gói sản phẩm. Lao động làm việc tại đây mỗi ngày thu nhập từ 150.000 - 200.000 đồng (tuỳ vào năng suất lao động của mỗi người). Trung bình, mỗi năm cơ sở Trà mãng cầu xiêm 2 Đậu xuất bán khoảng 2 tấn trà thành phẩm, sau khi trừ các khoản chi phí lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/năm. Từ năm 2022 đến nay, ngoài bán hàng trên sàn thương mại điện tử, bỏ sỉ cho các cơ sở kinh doanh, gia đình anh Đậu sử dụng zalo, facebook để bán online, đăng ký gian hàng trên lazada, shoppe để mở rộng thị trường kinh doanh.

Theo anh Đậu, trong năm đầu tiên sản xuất trà mãng cầu xiêm vào năm 2020, thị trường đầu ra khá hạn chế, sản phẩm bán được không nhiều, tuy nhiên sau đó tôi được tham gia các hoạt động kết nối giao thương, bán hàng tại các hội chợ, hội thảo do Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh tổ chức đã giúp anh học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm trong cách tạo dựng thương hiệu, quảng bán sản phẩm và mở rộng thị trường bán hàng cho đến nay.

“Bên cạnh niềm vui xây dựng được thương hiệu, giúp tăng thu nhập cho gia đình, điều tôi thấy phấn khởi và ý nghĩa hơn đó là tạo việc làm cho nhiều người, đồng thời góp phần tiêu thụ mãng cầu trái của nông dân với mức giá ổn định, đảm bảo lợi nhuận cho người trồng. Hiện tại, cơ sở thu mua mãng cầu trái của gần 20 chủ vườn ở trong và ngoài huyện Giồng Riềng, số lượng hơn 7 tấn mỗi năm với mức giá cao hơn thị trường từ 5-10%”, chủ Cơ sở Trà mãng cầu xiêm 2 Đậu nói.

Ông Võ Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng cho biết, Trà mãng cầu xiêm 2 Đậu hiện là một trong những sản phẩm đặc trưng của huyện Giồng Riềng, góp phần giới thiệu đặc sản địa phương đến bạn bè trong và ngoài tỉnh. Cơ sở trồng và chế biến trà mãng cầu xiêm của anh Nguyễn Tấn Đậu không chỉ phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho nhiều người còn là điểm tham quan, học hỏi của đoàn viên thanh niên, nông dân để mở rộng phát triển nghề trồng mãng cầu và những kinh nghiệm trong khởi nghiệp thành công.

Anh Danh Nguyên (31 tuổi) Bí thư Xã đoàn Bình Trị, huyện Kiên Lương là một cán bộ đoàn năng nổ, siêng năng, bên cạnh làm tốt công tác đoàn, anh còn nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh. Anh Nguyên chia sẻ, xã Bình Trị có địa hình núi rừng với rất nhiều cây nho rừng mộc tự nhiên và nhiều thập kỷ trước đến nay người dân đã khai thác chế biến rượu nho rừng để dùng trong các dịp lễ, Tết, các bữa tiệc, bán lẻ cho người dân địa phương và được nhiều người khen ngon, tốt cho sức khỏe; tuy nhiên quy mô chế biến rượu nho rừng nhỏ lẻ nên sản phẩm chỉ được bán lẻ tại địa phương.

Nhận thấy tiềm năng của rượu nho rừng, anh Nguyên đã trồng thử nghiệm thành công tại nhà với 200 cây nho rừng đến khi cho trái làm rượu nho rừng. Tuy nhiên, trong năm 2018 nhiều lần thử ngâm rượu không thành công và đúc kết kinh nghiệm đến năm 2019 anh Nguyên ngâm thành công rượu nho rừng và mở rộng diện tích trồng, sản xuất kinh doanh sản phẩm này cho đến nay.

Để đảm bảo nguyên liệu chế biến rượu nho rừng, anh Nguyên đã vận động thành lập Tổ hợp tác trồng nho rừng với hơn 20 hộ dân ven núi xã Bình Trị, huyện Kiên Lương tham gia và đến nay, trên địa bàn xã có hơn 30 hộ trồng nho rừng để cng ứng nho trái cho cơ sở sản xuất Rượu Nho Rừng NBT do anh Danh Nguyên làm chủ.

Theo anh Nguyên, Rượu nho rừng là thức uống tự nhiên từ thiên nhiên có nhiều công dựng tốt cho sức khỏe như: chống lão hóa, làm đẹp da, kích thích ăn, đau nhức xương khớp... nên có thể dùng cho nhiều đối tượng khách hàng trong các dịp đám tiệc, phục vụ khách du lịch mua về làm quà… Đến nay, sản phẩm Rượu nho rừng của anh Danh Nguyên có mặt ở một số điểm du lịch nổi tiếng ở Kiên Lương, Hà Tiên để phục vụ khách du lịch như: Khu du lịch Chùa Hang – Hòn Phụ Tử, Hang Cá Sấu, Hang Mo So...

Ông Lê Thanh Hưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kiên Lương cho biết, năm 2023 sản phẩm Rượu nho rừng NBT của anh Danh Nguyên được Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, anh Nguyên cung ứng ra thị trường 1.000 chai rượu nho rừng với thương hiệu được đóng gói trong hộp gỗ điêu khắc phục vụ nhu cầu khách hàng biếu tặng đối tác và người thân.

“Thành công từ việc ươm cây giống, trồng và sản xuất rợu nho rừng của anh Nguyên đã tạo sức lan tỏa, hình thành nghề trồng nho rừng ở nhiều hộ dân sống ven chân núi ở huyện. Cơ sở của anh Nguyên cung cấp cây giống, hướng dẫn người dân quy trình chăm sóc, bao tiêu sản lượng của nông dân, góp phần tạo công ăn việc làm cho khoảng 100 người, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương”, ông Hưởng nói.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục