Khôi phục sản xuất nông sản sau đại dịch COVID-19

14:25' - 02/10/2021
BNEWS Nằm ở khu vực sông Tiền, Tiền Giang có ngành trồng trọt phát triển mạnh với khoảng 63.000 ha đất trồng lúa, trên 50.000 ha rau màu và trên 80.000 ha đất trồng cây ăn quả đặc sản.

Nhiều thương hiệu nông sản hàng hóa nổi tiếng đã khẳng định trên thị trường trong nước và xuất khẩu như: lúa thơm VD 20, Jasmine 85, ớt Bình Ninh, dứa Tân Phước, sầu riêng Ngũ Hiệp, thanh long Chợ Gạo, xoài cát Hòa Lộc… giúp nông dân làm giàu, nông nghiệp - nông thôn đổi mới.

Năm 2021, dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề lên tất cả các mặt đời sống xã hội của tỉnh; trong đó có ngành nông nghiệp trên các khía cạnh như: thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản hàng hóa…. Nhất là khi toàn tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chỉnh phủ trong thời gian dài. Nhiều khu vực bị phong tỏa, cách ly với yêu cầu ai ở đâu ở đó, việc ra vào các khu dân cư bị kiểm soát gắt gao.

Trước tình hình trên, UBND chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và địa phương tháo gỡ khó khăn đảm bảo sản xuất, tiêu thụ nông sản thông suốt nhưng phải đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch.

Nông dân và thương lái được cấp giấy đi đường với yêu cầu tuân thủ 5K, có giấy test nhanh âm tính với vi rút SARS-COV-2, đồng thời chấp hành quy định về phòng, chống COVID-19. Các ngành chức năng hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể như: hợp tác xã, tổ hợp tác kết nối với các doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa…

Nhờ vậy, người dân yên tâm sản xuất, sản lượng hầu hết các loại cây trồng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năm lương thực 2021, Tiền Giang đạt sản lượng lúa gần 821.000 tấn, vượt gần 4% so chỉ tiêu đề ra cả năm. Sản lượng rau màu trên 1.141.000 tấn, đạt 102,46% chỉ tiêu được giao và trên 1.581.000 tấn trái cây các loại, đạt 100,09% kế hoạch cả năm.

Giá nông sản hàng hóa vẫn ổn định, đặc biệt giá một số loại rau màu cao hơn từ 1.000 - 7.000 đồng/kg so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg. Ở chiều ngược lại, giá trái cây bấp bênh, một số chủng loại giá giảm sâu bởi đầu ra không tiêu thụ được như: thanh long, sầu riêng, chanh... Tuy nhiên, đó chỉ là hiện tượng nhất thời.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, dịch COVID-19 tuy ảnh hưởng sâu sắc đến các mặt sản xuất và đời sống nhưng cũng mở ra những cơ hội mới mà nền nông nghiệp địa phương cần nắm bắt để phát triển bền vững, khi mà sau đại dịch, Nhà nước có các chính sách hỗ trợ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã sớm phục hồi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…

Tiền Giang cũng đưa ra nhiều nhóm giải pháp khôi phục phát triển nông nghiệp, nông thôn trong điều kiện bình thường mới mà trọng tâm tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc và xúc tiến thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã vượt khó, đưa hoạt động sản xuất – kinh doanh trở lại quỹ đạo mới, làm trung tâm phát triển chuỗi giá trị trên cây trồng, vật nuôi…

Tỉnh nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả đồng thời tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển toàn diện ngành hàng trái cây, đặc biệt là các vùng chuyên canh, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất, chế biến tiêu thụ theo chuỗi liên kết.

Bên cạnh đó, hỗ trợ nông dân áp dụng tiêu chuẩn GAP, chú trọng các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh từng vùng, thích ứng biến đổi khí hậu, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản, xúc tiến thương mại và thị trường.

Địa phương quan tâm xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất nông sản an toàn của tỉnh tiếp cận thị trường; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và phát triển thương mại điện tử; chương trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; ứng dụng công nghệ thông tin quảng bá, giới thiệu sản phẩm và kết nối thị trường tiêu thụ nông sản…

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp và hợp tác xã sớm vượt qua giai đoạn khó khăn sau dịch bệnh, ổn định sản xuất trở lại: đề xuất ngành ngân hàng cơ cấu lại những khoản vay, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới, bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh;

Triển khai các chính sách bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các nguồn vốn vay; hướng dẫn mạng lưới hợp tác xã xây dựng phương án kinh doanh để vay vốn từ nguồn vốn Quỹ tài chính của địa phương, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ Hỗ trợ nông dân…

Theo Giám đốc Công ty TNHH HK (thành phố Mỹ Tho) Châu Minh Hải, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đang có nhu cầu vốn đầu tư. Riêng Công ty TNHH HK trong vụ Đông Xuân 2021 - 2022 có kế hoạch liên kết xây dựng cánh đồng lớn quy mô 1.500 ha trồng lúa đặc sản VD 20 tại các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công phục vụ xuất khẩu. Do vậy, cần được nhà nước hỗ trợ vay ưu đãi khoảng 5 tỷ đồng đầu tư ứng trước cho nông dân đảm bảo sản xuất.

Để giải quyết những nhu cầu trước mắt, Sở Nông nghiệp vả Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang kết hợp cùng Hội Nông dân tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tiền Giang triển khai các chính sách trợ vốn phát triển nông nghiệp – nông thôn, trợ vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nhằm tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế, đặc biệt là mở mang sản xuất, định hình các vùng chuyên canh…

Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh củng cố 1.237 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn có 47.510 thành viên tham gia. Hiện nay, tổng dư nợ của các chương trình tín dụng chính sách đầu tư qua mạng lưới các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn lên đến trên 1.338 tỷ đồng.

Hội Nông dân phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang nâng “chất” 1.005 Tổ Liên danh vay vốn, thu hút 40.625 nông hộ. Hiện nay, tổng dư nợ của các chương trình tín dụng trên 2.627 tỷ đồng.

Ngoài ra, từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, tỉnh triển khai 43 dự án cho gần 1.000 nông hộ vay với số tiền trên 20,52 tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đây là những kênh trợ vốn tích cực giúp nông dân sớm khôi phục sản xuất sau đại dịch, đặc biệt là tổ chức sản xuất thắng lợi gần 50.000 ha vụ Đông Xuân 2021 - 2022 tới.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng, để các doanh nghiệp, tổ chức và nông dân không phải tự “bơi” sau đại dịch COVID-19, UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt danh mục 35 dự án và 16 kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 với tổng kinh phí đầu tư gần 164 tỷ đồng; trong đó, vốn đối ứng của doanh nghiệp, tổ chức là trên 103 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách nhà nước.

Công ty TNHH HK được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt dự án liên kết tiêu thụ lúa với các Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ - nông thôn Bình Nhì và Hợp tác xã nông nghiệp Lợi An (huyện Gò Công Tây), tổng diện tích 500 ha trong ba năm từ 2021 – 2023, có tổng vốn đầu tư trên 7,76 tỷ đồng; trong đó, vốn đối ứng doanh nghiệp gần 5,9 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách.

Với dự án này, doanh nghiệp kỳ vọng vướng mắc được tháo gỡ nhằm thực hiện chương trình liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao xuất khẩu trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp tiếp tục triển khai đề án phát triển cây thanh long, cây sầu riêng; đề án cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông; đề án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi khu vực phía Bắc Quốc lộ 1; các dự án liên kết chuỗi sản xuất – tiêu thụ nông sản…

Mục tiêu phấn đấu trong năm 2022, Tiền Giang nâng giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân từ 3-3,5%/năm; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng từ 12-16%/năm.

Năm 2023 và những năm tiếp theo, tỉnh đưa ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phát triển vững chắc sau dịch COVID-19, xứng đáng với tiềm năng, vị thế của tỉnh khu vực sông Tiền./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục