Thái Nguyên ứng dụng chuyển đối số trong nông nghiệp

10:53' - 29/09/2021
BNEWS Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong kết nối, quảng bá và tiêu thụ nông sản.

Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong kết nối, quảng bá và tiêu thụ nông sản.

Toàn bộ 76 sản phẩm OCOP tỉnh Thái Nguyên đã được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò (voso.vn), sàn thương mại điện tử của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (postmart.vn).

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên đã hỗ trợ 180.000 tem truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR Code cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, cung cấp danh sách 59 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác để kết nối, giới thiệu và hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử.

Trong lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản, Sở này đã tiếp tục phối hợp với các địa phương trong tỉnh triển khai đồng bộ và sử dụng hiệu quả Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến; cập nhật dữ liệu của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh lên phần mềm quản lý hợp tác xã nông nghiệp.

Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ trên 40 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, chủ yếu là ứng dụng công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt, tưới tiết kiệm, nhà màng, nhà lưới có hệ thống điều khiển bán tự động, hệ thống dây chuyền đóng gói hút chân không, tôn sao chè bằng nhiên liệu gas, kho bảo quản lạnh…Từ đó, đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Để cảnh báo nguy cơ cháy rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lắp đặt và đưa vào sử dụng ổn định 10 biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng tự động với các tính năng cảm ứng nhiệt, tự xác định ẩm độ, nhiệt độ; dự báo các cấp độ cháy rừng, sử dụng chip điện tử tích hợp trên điện thoại thông minh; trả kết quả dự báo cấp cháy rừng về điện thoại của cán bộ kiểm lâm để chủ động phòng nguy cơ cháy rừng.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp hiện đang phát triển hệ thống thông tin cảnh báo sớm thiên tai tích hợp thông số tại các trạm đo mưa tự động và hệ thống camera trực tuyến giám sát mực nước tại các điểm xung yếu phục vụ quản lý một số hồ, đập thủy lợi, đê bao, lưu vực sông trên địa bàn tỉnh…

Đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã lắp đặt 10 trạm đo mưa tự động do Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai tài trợ tỉnh Thái Nguyên; lắp đặt camera theo dõi giám sát mực nước tại 10 hồ chứa nước lớn, có dung tích thiết kế trên 1 triệu m3 nước.

Đồng thời, đưa vào sử dụng phần mềm quản lý khách hàng, ghi chỉ số và hóa đơn điện tử (citywork.vn) trên ứng dụng di động hỗ trợ vận hành khai thác 25 công trình cấp nước nông thôn, cấp nước sinh hoạt cho khoảng 20.000 hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Từ đó, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, đơn giản hóa việc truy xuất dữ liệu và tăng hiệu quả quản lý các công trình cấp nước nông thôn.

Ông Dương Sơn Hà, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên cho biết, mục tiêu chính của chương trình chuyển đổi số của ngành nông nghiệp trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 là, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; quản trị và quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số, xây dựng hệ thống dữ liệu ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi.

Đồng thời, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm; phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: chè, quả (na, nhãn, bưởi), gỗ, quế, lợn, gà, trứng; các sản phẩm OCOP...

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó, đặc biệt chú trọng việc chuyển đổi số trong cải cách hành chính; xây dựng phần mềm dùng chung để phục vụ quản lý dữ liệu ngành, ứng dụng công nghệ số trong chỉ đạo sản xuất, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý và thương mại điện tử trong nông nghiệp.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong kết nối, quảng bá và tiêu thụ nông sản; đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiêu biểu của tỉnh. Cùng đó, phối hợp với các ngành, địa phương trong tỉnh sớm hoàn thiện, đưa vào hoạt động có hiệu quả Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thái Nguyên../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục