Khởi sắc từ xây dựng nông thôn mới

11:19' - 27/10/2019
BNEWS Nông thôn Bắc Ninh đã "khoác chiếc áo mới" sau 10 năm xây dựng với cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, chất lượng giáo dục, y tế hiện đại, mang lại sự hài lòng cho nhân dân.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong xây dựng nông thôn mới tại xã Song Hồ, huyện Thuận Thành. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN 

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng góp sức của người dân, bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã thay đổi rõ nét, khoác lên mình "chiếc áo mới" với cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, chất lượng giáo dục, y tế hiện đại, mang lại sự hài lòng cho nhân dân.

Đến nay, tỉnh Bắc Ninh có 4 đơn vị cấp huyện gồm: huyện Tiên Du, Quế Võ, Gia Bình và Thị xã Từ Sơn đã về đích nông thôn mới; riêng thành phố Bắc Ninh hiện có 3 xã đều đã về đích nông thôn mới. Hiện, tỉnh Bắc Ninh đang tập trung mọi nguồn lực để đưa hai huyện Lương Tài và Thuận Thành về đích nông thôn mới vào cuối năm 2019.

*Bộ mặt nông thôn khởi sắc

Lương Tài là huyện thuần nông của tỉnh Bắc Ninh nên khi triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông mới gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, với cách làm năng động, sáng tạo, cộng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, chính quyền và nhân dân trong thực hiện phong trào thi đua ''Bắc Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới'' giai đoạn 2010 - 2020, đến nay, diện mạo nông thôn huyện Lương Tài đã không ngừng khởi sắc.

Đến xã Bình Định, huyện Lương Tài những ngày này dễ dàng nhận thấy diện mạo nông thôn đã được thay đổi.

Sự thay đổi hiện hữu từ con đường bê tông phẳng lỳ trải dài từ đầu làng cuối xóm, đến các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch UBND xã Bình Định cho biết, với xuất phát điểm thấp, xã Bình Định xác định tiêu chí nào "dễ làm trước, khó làm sau", không để tư tưởng nóng vội chạy theo thành tích.

Các cán bộ từ xã đến thôn đã thực hiện tốt phương châm 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với nhân dân và là đầu tàu gương mẫu bám sát cơ sở, đến từng hộ dân để "cầm tay chỉ việc" cùng nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Nguyễn Hồng Quang, sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã Bình Định đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới.

Hiện xã đã trình hồ sơ để Ban Chỉ đạo nông thôn mới tỉnh Bắc Ninh tiến hành thẩm định, công nhận xã đạt chuẩn vào cuối năm 2019.

Điều phấn khởi nhất là sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế ra đời, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của nhân dân.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 49,34 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm chỉ còn 1,13%.

Ông Nguyễn Văn Nga, trú tại thôn Ngọc Trì, xã Bình Định, huyện Lương Tài chia sẻ, từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Bình Định đã thay đổi nhiều so với những năm trước đây, nhà cửa được xây dựng khang trang, đường sá đi lại thuận lợi.

Người dân còn được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng, hướng dẫn cách thức làm ăn mới, tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống.

Theo UBND huyện Lương Tài, sau gần 10 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện đã huy động gần 3.500 tỷ đồng để xây dựng các công trình trường học, đường giao thông, nhà văn hóa, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất...

Đến nay, toàn huyện có 11/13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện, huyện đang tập trung mọi nguồn lực đưa hai xã Phú Lương và Bình Định về đích; đồng thời hoàn thiện các tiêu chí về quy hoạch, môi trường và an ninh trật tự- xã hội để về đích nông thôn mới vào cuối năm 2019.

Xác định xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, theo Chủ tịch UBND huyện Lương Tài Lê Tuấn Hồng, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Bên cạnh đó, huyện sẽ tập trung chỉ đạo các xã đã đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới phải hoàn thiện nông cao chất lượng xây dựng nông thôn mới bền vững; tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa quy hoạch, điều chỉnh đề án xây dựng nông thôn mới phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn...

* Thu nhập cải thiện

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong xây dựng nông thôn mới tại xã Song Hồ, huyện Thuận Thành. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN 

Sau gần 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện Thuận Thành đã có 14/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Để đạt mục tiêu huyện nông thôn mới vào cuối năm 2019, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thuận Thành đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện những tiêu chí chưa đạt để sớm về đích như kế hoạch đề ra.

Hiện, huyện Thuận Thành đang tập trung mọi nguồn lực để ba xã Trạm Lộ, Ngũ Thái và Hà Mãn về đích nông thôn mới vào cuối năm 2019.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành Nguyễn Xuân Đương cho biết, xác định phát triển kinh tế là mục tiêu mũi nhọn trong xây dựng nông thôn mới, ngay khi triển khai, huyện Thuận Thành đã tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông mới.

Từ việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trên địa bàn huyện đã hình thành, phát triển nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân.

Là một xã thuần nông, nhưng với cách làm sáng tạo, hiệu quả, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành đã về đích sau 5 năm triển khai.

Ông Nguyễn Văn Thành chia sẻ, khi đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016, xã Đình Tổ xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm để xã tiếp tục đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ Tiêu chí mới.

Vì vậy, xã đã tập trung hỗ trợ, hướng dẫn  người dân nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trồng chuối tại hai thôn Bút Tháp, thôn Đình Tổ (40 ha), mô hình trồng cam tại hai thôn Bút Tháp và Đình Tổ (50 ha)...tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều lao động trên địa bàn xã. Hiện nay, thu nhập đầu người tại xã Đình Tổ đạt 42,5 triệu đồng/người/năm.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thành, thời gian tới, xã Đình Tổ sẽ thực hiện lồng ghép hiệu quả các nguồn lực, triển khai, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tập trung xây dựng một số mô hình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi đạt hiệu quả. Đồng thời, xã tiếp tục cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng  sản xuất hàng hóa, với quy mô lớn, hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng thu nhập cho người dân.

Ông Nguyễn Xuân Đương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tập trung thực hiện tái cơ cấu, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, xanh, sạch, có thương hiệu và giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các nội dung xây dựng nông thôn mới từ huyện đến cơ sở để người dân hiểu rõ về lợi ích được hưởng từ chương trình xây dựng nông thôn mới.

Dự kiến, tổng kinh phí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 -2025 trên địa bàn huyện Thuận Thành là hơn 2.000 tỷ đồng.

Còn theo ông Nguyễn Công Trình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Ninh, sau gần 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bắc Ninh đã huy động trên 12.500 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 69 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 10.000 tỷ đồng, quỹ tín dụng là  hơn 1.500 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động của người dân và cộng đồng.

Từ nguồn vốn này, diện mạo các vùng nông thôn của tỉnh Bắc Ninh không ngừng khởi sắc, người dân phấn khởi khi được tham gia, đóng góp và hưởng thụ thành quả từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông mới.

“Thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng nông thôn theo hướng hình thành khu vực dân cư và cơ sở hạ tầng phù hợp tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp và thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nhằm từng bước chuẩn bị cho việc hình thành đô thị trong tương lai, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

Đồng thời,  tỉnh tiếp tục phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường khâu bảo quản và chế biến hàng nông sản; hình thành các trung tâm kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm gắn với chuỗi các chợ đầu mối hoặc trung tâm cung ứng hàng nông sản hiện đại, sàn giao dịch nông sản”, ông Nguyễn Công Trình chia sẻ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Công Trình khẳng định, xây dựng nông thôn mới là một chặng đường dài trong lộ trình phát triển của tỉnh Bắc Ninh, đây là điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc.

Diện mạo nông thôn mới khởi sắc như tiếp thêm động lực cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh tiếp tục chinh phục những mục tiêu mới, qua đó nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục