Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp qua kênh chứng khoán

11:33' - 18/11/2021
BNEWS Sáng 18/11, Báo Đầu tư phối hợp với Ủy ban Chứng khoán tổ chức tọa đàm "Thị trường chứng khoán: Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp - Kênh đầu tư sinh lời và tích sản".

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, tọa đàm là sự kiện ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập và phát triển thị trường chứng khoán. Bộ Tài chính đang cùng các bộ, ngành, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, căn cứ định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quan điểm của Bộ Tài chính là phát triển thị trường chứng khoán một cách đồng bộ, thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính; gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo liên kết thị trường tài chính với thị trường tiền tệ. Bên cạnh đó, Bộ chú trọng ứng dụng công nghệ, đặc biệt là cách mạng công nghệ thông tin, yêu cầu chuyển đổi số của nền kinh tế.

Cơ quan quản lý giám sát thị trường trên cơ sở rủi ro, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư cũng như các chủ thể tham gia, minh bạch, an toàn, bền vững, nhà nước quản lý thị trường bằng pháp luật.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, mục tiêu phấn đấu đưa thị trường cổ phiếu đạt 85% GDP đã điều chỉnh vào năm 2025 và đạt 110% GDP vào năm 2030. Đối với trái phiếu, hướng tới 47% GDP vào năm 2025 và 58% GDP vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng chứng khoán phái sinh từ 20-30%/năm, số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số vào năm 2025 và 8% năm 2030.

Mục tiêu là xây dựng thị trường chứng khoán thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn, chủ yếu của nền kinh tế, hỗ trợ hệ thống ngân hàng thương mại hay như hội nhập với thị trường quốc tế.

 

 

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay, trong các nhóm giải pháp để thúc đẩy thị trường phát triển nhanh, bền vững thì việc hoàn thiện cơ sở pháp lý là rất quan trọng. Đây là điểm tựa quan trọng cho sự đi lên của thị trường. Quốc hội đã ban hành Luật Chứng khoán năm 2019, giai đoạn 2020-2025 sẽ hoàn thiện các văn bản hướng dẫn luật, tập trung vào công tác tuyên truyền; xem xét hoàn thiện thêm khuôn khổ pháp lý phù hợp thị trường. Các giải pháp tiếp theo là cơ cấu lại cơ sở hàng hóa; cơ sở nhà đầu tư, thị trường chứng khoán; các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, nâng cao năng lực quản lý giám sát và tăng cường vai trò của tổ chức nghề nghiệp.

Theo ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam đang phát triển sang giai đoạn mới, thời kỳ mới, bền vững và phù hợp với sự phát triển kinh tế. Sự phát triển thị trường trong hai năm qua là bản lề để chứng khoán sẽ tiếp tục đi lên bền vững.

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cho rằng: "Tiềm năng thị trường còn rất lớn, dù tài khoản chứng khoán mở mới trên thị trường tăng cao trong thời gian qua, nhưng mới chỉ có khoảng hơn 1% dân số thực sự giao dịch chứng khoán, quy mô hơn 1 tỷ USD mỗi phiên".

Hệ thống ngân hàng hiện có hơn 50 triệu tài khoản cá nhân, tiền gửi trong ngân hàng thương mại có hơn 5 triệu tỷ đồng.  Nếu chất lượng thị trường chứng khoán được nâng lên thì thị trường chúng khoán sẽ bước vào giai đoạn phát triển chiều sâu.

Thực tế, dù có không ít thách thức đến từ dịch COVID-19, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Hầu hết các chuyên gia, nhà quản lý đều cho rằng, thị trường chứng khoán đang đứng trước những cơ hội lớn, có nhiều động lực để phát triển.

Do tác động của COVID-19, xu hướng muốn có độc lập về tài chính của giới trẻ rất mạnh mẽ. Sự quan tâm về tự do tài chính, an toàn tài chính, về hưu sớm rất rõ ràng và đây là yếu tố giúp cho thị trường chứng khoán phát triển.

Tuy nhiên, vẫn còn có những vấn đề, số lượng nhà đầu tư tăng vọt là điều tích cực, nhưng ở mặt trái khi số lượng nhà đầu tư tăng "nóng" có thể tạo ra lớp nhà đầu tư chưa thực sự am hiểu thị trường./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục