Khởi tố đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội

15:44' - 02/02/2019
BNEWS Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố bị can và ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lê Văn Duy về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
 Lực lượng chức năng lấy lời khai đối tượng Duy. Ảnh: Hoàng Chiêm -TTXVN phát 

Ngày 2/2, Công an thành phố Hà Nội cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lê Văn Duy (sinh năm 1997, ở Tân Phú, Quốc Oai, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tài Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015.

Trước đó, ngày 14/1, Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Công an thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã điều tra làm rõ vụ lừa đảo qua mạng nhằm đến những phụ nữ không có việc làm hoặc học sinh, sinh viên.

Theo tài liệu điều tra, đầu năm 2018, Duy sử dụng hai tài khoản Facebook là “Thảo Hồng” và “Ngọc Thảo” để đăng bài viết tuyển nhân công xâu hạt vòng xuất khẩu làm việc tại nhà.

Hứa hẹn trả công 850 nghìn đồng cho mỗi kg hạt vòng thành phẩm, Duy cam kết thu nhập của nhân công không dưới 2 triệu đồng/tuần.

Đối tượng Duy tại cơ quan điều tra. Ảnh: Hoàng Chiêm -TTXVN phát 

Theo yêu cầu của Duy, nhân công đặt cọc 300 nghìn đồng/kg nếu muốn nhận hạt vòng mang về nhà xâu thành chuỗi. Tiền công và đặt cọc sẽ được hoàn trả khi bàn giao sản phẩm.

Tuy nhiên, bị can 22 tuổi đã chiếm đoạt toàn bộ tiền đặt cọc rồi chặn liên lạc mà không gửi hàng như thỏa thuận.

Truy vết các giao dịch, lực lượng chức năng xác định Lê Văn Duy nhận tiền đặt cọc thông qua 3 hình thức gồm: Thẻ cào điện thoại, chuyển khoản qua ví điện tử MoMo hoặc tài khoản ngân hàng.

Từ mã thẻ điện thoại bị hại gửi đến, Duy đổi thành tiền nạp vào tài khoản cá nhận tại một số ngân hàng tổng số 167 triệu đồng (tương ứng 250 triệu đồng tiền mã thẻ điện thoại).

Với 3 tài khoản ví điện tử MoMo, bị can nhận tiền của một số bị hại rồi nạp tiền vào tài khoản trò chơi trực tuyến hoặc thanh toán cước internet.

Việc chuyển tiền đặt cọc đến tài khoản ngân hàng có thể dễ dàng truy vết nhưng Duy vẫn sử dụng vì có thể chuyển lượng tiền lớn mà không bị chiết khấu.

Đến nay, Duy đã chiếm đoạt hơn 280 triệu đồng của khoảng 100 bị hại ở nhiều tỉnh, thành khác nhau. Trong đó, người bị chiếm đoạt ít nhất là 300 nghìn đồng, người nhiều nhất là 9 triệu đồng.

Theo lời khai của Duy, đa số bị hại là người không có việc làm, ở nhà làm nội trợ hoặc học sinh, sinh viên.

Cơ quan công an đang xác minh bị hại trong vụ án đồng thời cảnh báo người dân cần cảnh giác trước thông tin tuyển dụng, bố trí việc làm yêu cầu đặt cọc được đăng tải trên mạng xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục