Không bỏ lỡ cơ hội vàng phục hồi ngành du lịch

14:16' - 13/03/2022
BNEWS Sẵn sàng cho việc mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15/3, các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều động thái tích cực và linh hoạt trong việc tiếp cận, quảng bá để phục hồi mạnh mẽ.

Sẵn sàng cho việc mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15/3, các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều động thái tích cực và linh hoạt trong việc tiếp cận, quảng bá để phục hồi mạnh mẽ.

* Sẵn sàng đón khách

Có thể nói các doanh nghiệp du lịch đang rất sẵn sàng cho việc mở cửa du lịch quốc tế; trong đó, phải kể đến Công ty Du lịch Vietravel là một trong những doanh nghiệp của Việt Nam chủ động trong hoạt động quảng bá sản phẩm đến với thị trường quốc tế.

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel cho biết, hiện tại, khối du lịch Inbound của Công ty Vietravel đã tập trung vào việc phát động thị trường; lên kế hoạch quảng bá; kết nối với đối tác và văn phòng Vietravel tại Campuchia, Thái Lan, Singapore, Pháp, Mỹ… để giới thiệu sản phẩm, bán tour tuyến; xây dựng quy trình, quy chuẩn đón khách bảo đảm an toàn cho khách. Nếu tình hình chính sách tạo điều kiện thuận lợi mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15/3 thì Vietravel có thể đón khách từ cuối tháng 4/2022.

Cũng theo bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, khi có chính sách mở cửa đón khách quốc tế rõ ràng, sẽ thuận lợi cho doanh nghiệp tiến hành xúc tiến, quảng bá du lịch, tạo cơ hội cho lộ trình phục hồi du lịch Inbound trong thời gian tới.

Tuy nhiên theo bà Khanh hiện nay, trước thông tin yêu cầu khách du lịch không được rời nơi lưu trú trong vòng 72 giờ là quá bất tiện cho khách, vì như vậy thì mở cửa toàn bộ nhưng không khác gì chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ trước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Mà mục đích của du lịch là để du khách có được sự trải nghiệm thú vị, thỏa sức tham quan, mua sắm, tận hưởng dịch vụ và có cảm giác thoải mái, thư giãn…  để tái tạo nguồn năng lượng tích cực.

Thực tế, không du khách nào bỏ thời gian và tiền bạc đi du lịch ở một quốc gia mà có nhiều điều kiện ràng buộc. Thay vào đó, họ sẽ chuyển hướng tìm hiểu và lựa chọn điểm đến ở các quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho du khách hơn.

So sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Campuchia đã hoàn toàn mở cửa (khách du lịch đã tiêm vaccine, chỉ cần test nhanh trước khi nhập cảnh), Philippines cũng hoàn toàn dỡ bỏ các rào cản nhập cảnh… Điều này cho thấy các nước trong khu vực đều đang gấp rút để mở cửa nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong việc thu hút khách du lịch.

Nếu Việt Nam tiếp tục thắt chặt sẽ bỏ lỡ cơ hội vàng trong quá trình thúc đẩy phục hồi ngành du lịch và cả ngành kinh kế.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đón khách quốc tế trong thời gian tới, Vietravel đề nghị cơ quan quản lý chấp nhận hình thức test PCR hoặc test nhanh trước khi nhập cảnh Việt Nam; sau khi nhập cảnh thì khách di chuyển về khách sạn hoặc nơi lưu trú và tiếp tục test nhanh, không được rời khỏi nơi cư trú trong vòng 24 giờ. Khi có kết quả âm tính khách đi du lịch bình thường.

"Được như vậy thì Vietravel nói riêng và các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam nói chung sẽ có cơ hội sớm đón các đoàn khách quốc tế", bà Khanh chia sẻ.

Ông Lại Quốc Tĩnh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết, Hiệp hội Du lịch Hà Giang đã lên kế hoạch cụ thể cho lộ trình thích ứng an toàn sẵn sàng đón khách. Ngay từ đầu năm Hiệp hội tổ chức chương trình du lịch trải nghiệm với chủ đề "Hành quân theo bước chân anh". Thông qua chương trình này sẽ giới thiệu một sản phẩm du lịch tâm linh lịch sử để các du khách hiểu hơn về lịch sử dân tộc và trân quý cuộc sống hòa bình hiện tại mà cũng là nén tâm nhang tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc trong những ngày đầu xuân.

Đặc biệt, trong tháng ba này Hiệp hội tổ chức chương trình chạy Marathon trên biên giới Pà Vầy Sủ, huyện Xín Mần (Đích là cột mốc 172 ngã 3 biên giới của 3 tỉnh 2 nước)…. nơi ít du khách có dịp trải nghiệm để quảng bá thêm nhiều sản phẩm du lịch của Hà Giang….

Các tháng tiếp theo, Hiệp hội thường xuyên tổ chức tạo các điểm nhấn truyền thông giúp hình ảnh du lịch Hà Giang thường xuyên được cập nhật kịp thời liên tục tới du khách cũng như các đơn vị kinh doanh lữ hành du lịch trong nước cũng như quốc tế.

Hiệp hội cũng tận dụng tối đa nền tảng số, các trang website, page, Facebook, youtube…. của mình và của các đối tác để thường xuyên đưa hình ảnh mảnh đất và con người Hà Giang, của du lịch Hà Giang, những gì là đặc trưng, tinh túy nhất của mình đến với du khách quốc tế.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã ký ban hành kế hoạch đón khách du lịch quốc tế đến Bình Thuận. Kế hoạch yêu cầu rõ đón khách du lịch quốc tế quay trở lại Bình Thuận theo các phương án đảm bảo an toàn, thuận lợi cho khách du lịch, doanh nghiệp, người lao động tham gia phục vụ đón khách du lịch quốc tế.

 

Kế hoạch yêu cầu các cơ sở du lịch tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và của tỉnh về phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình đón khách du lịch quốc tế và phòng chống dịch.

* Nội địa vẫn là thị trường chính

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và các bộ ngành liên quan về mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022.  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra kiến nghị sau ngày 15/3, du khách quốc tế đến Việt Nam được nhập cảnh khi âm tính SARS-CoV-2  bằng RT-PCR và không cần tự cách ly trong 72 giờ.

Đại diện các bộ cũng đề xuất Việt Nam miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia/vùng lãnh thổ như trước dịch.

Các chính sách này cùng chung tinh thần cởi mở, hướng đến sự bình đẳng cho khách du lịch, tạo điều kiện tốt nhất để thu hút du khách quốc tế tới Việt Nam.

Theo Tổng cục Du lịch, năm nay Việt Nam đặt kế hoạch đón 5 - 6 triệu khách nước ngoài và 60 triệu khách nội địa. Để đạt mục tiêu trên, theo Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, toàn ngành du lịch cần tập trung vào một số giải pháp. Đó là ưu tiên đảm bảo an toàn phòng chống dịch lên hàng đầu; tăng cường hợp tác giữa du lịch và hàng không; tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Ngành du lịch sẽ tăng cường đàm phán mở rộng thêm ngoài 14 quốc gia công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng COVID-19 của Việt Nam; nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến; xúc tiến quảng bá và thu hút khách du lịch.

Về thị trường, ngành xác định thị trường nội địa vẫn là thị trường chính của du lịch Việt Nam năm 2022. Xu hướng mới, khách nội địa đi theo nhóm nhỏ, sử dụng phương tiện cá nhân sẽ tăng cao hơn.

Với thị trường quốc tế, trọng điểm năm 2022 của ngành du lịch là Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu, Australia, ưu tiên những thị trường có chính sách công nhận lẫn nhau hộ chiếu vaccine với Việt Nam./. 

>>>Giải pháp nào xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái Na Hang – Lâm Bình?

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục