Không buông lỏng quản lý khi gỡ bỏ điều kiện đầu tư kinh doanh

06:12' - 21/10/2016
BNEWS Khi cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, nếu các cơ quan quản lý không chứng minh được sự rủi ro liên quan đến an ninh quốc phòng thì cần chuyển sang cách quản lý khác đó là quản lý hậu kiểm.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông. Ảnh: TTXVN

Việc bãi bỏ nhiều nhất có thể các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và sửa đổi các điều kiện đầu tư tồn tại ở các luật khác có liên quan đến kinh doanh là nội dung đang được Chính phủ quan tâm và nỗ  lực thực hiện.

Hiện Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo Dự thảo “Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh” nhằm đáp ứng với việc cải cách trên. Đây là dự luật quan trọng đang được cộng đồng doanh nghiệp mong đợi cũng như kỳ vọng.

Để hiểu rõ hơn về dự thảo luật này cũng như định hướng cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, Phóng viên BNEWS đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – đơn vị chủ trì soạn thảo dự án luật trên.

BNEWS: Xin Thứ trưởng cho biết những điểm nổi bật của dự thảo “Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh” mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang là đơn vị chủ trì soạn thảo?

Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Điểm nổi bật của Dự thảo Luật này là một lần nữa rà soát lại Phụ lục số 4 trong Luật Đầu tư về danh mục các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Từ 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện tại chúng tôi dự kiến sẽ cắt giảm trên 50 ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho doanh nghiệp.

Điểm nổi bật thứ hai, chúng tôi sẽ rà soát lại khoảng 12 Luật có liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh trong đó 2 luật chính là Luật Đầu tư  và Luật Doanh nghiệp. Dự thảo Luật lần này chúng tôi sẽ thay đổi cách thức làm việc từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Bên cạnh đó, các luật ban hành từ nhiều thời điểm khác nhau còn mâu thuẫn chúng tôi cũng rà soát lại. Việc rà soát lần này theo đúng tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tạo môi trường đầu tư thông thoáng và cũng là nhiệm vụ mà Thủ tướng đặt ra để thực hiện trong 3 năm tới.

Dự thảo Luật này sẽ quán triệt đầy đủ định hướng, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

BNEWS: Thưa Thứ trưởng, trong quá trình làm luật thời gian qua, hình thức một luật sửa nhiều luật có được áp dụng ở các nước trên thế giới và thực tế áp dụng ở Việt Nam như thế nào?

Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Việc xây dựng một luật sửa nhiều luật không phải là mới ở Việt Nam. Thực tế chúng ta đã có kinh nghiệm xây dựng luật theo hình thức này. Cụ thể, Luật số 38 năm 2009 sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản.

Tiếp theo là Luật sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế số 71/2004/QH13 và mới gần đây là Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý thuế.

Kinh nghiệm cho thấy, Luật sửa đổi nhiều luật thích hợp để sửa các quy định có tính cấp bách hoặc cùng một nội dung được quy định ở nhiều luật khác nhau, đặc biệt là sửa đổi để thống nhất và đồng bộ các quy định có liên quan với nhau.

BNEWS: Có ý kiến cho rằng, hiện có những quy định của các luật liên quan đến doanh nghiệp và môi trường đầu tư, kinh doanh đang trong tình trạng chồng chéo về nội dung, thiếu tính đồng bộ, không nhất quán, và thiếu tính liên thông. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Tôi cho rằng đây là nhận định đúng vì nó phản ảnh thực tiễn khách quan. Thực tế cho thấy, một số văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh chưa được hoàn thiện kịp thời để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với những cải cách của Luật Đầu tư nên đã dẫn đến xung đột giữa các luật gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Từ thực tiễn này, đây là dịp chúng tôi ngồi lại cùng với các bộ, ngành để xem xét và rà soát lại trên tinh thần là đứng về phía doanh nghiệp, từ phía nhà đầu tư và người tuân thủ pháp luật. Các bộ, ngành đều đồng thuận sửa đổi và khắc phục sự chồng chéo này.

BNEWS: Trong quá trình soạn thảo, Bộ có gặp phải những ý kiến trái chiều của các cơ quan chuyên ngành hay không?

Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Nói chung là cũng có ý kiến trái chiều, nhưng tôi nhấn mạnh rằng, trong quá trình thảo luận chúng tôi nhận được sự đồng thuận và hợp tác rất cao và sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các bộ.

Do đó, mặc dù có các quan điểm khác nhau - mà điều này tất nhiên phải có, nhưng tất cả đều cùng đặt lợi ích của đất nước, vì sự phát triển của doanh nghiệp lên trên hết, nên chúng tôi cũng đã đạt được sự đồng thuận rất cao của các bộ, ngành.

BNEWS: Có ý kiến cho rằng, việc xỏa bỏ điều kiện kinh doanh ở một số ngành nghề cũng có thể làm buông lỏng vai trò quản lý của Nhà nước. Vậy theo Thứ trưởng, cần có giải pháp gì để cân bằng được vấn đề vừa quản lý chặt chẽ nhưng vẫn tạo được môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp?

Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Chúng tôi xác định đây là nguyên tắc quan trọng. Cách tiếp cận của chúng tôi là không buông lỏng quản lý nhà nước. Để gỡ bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh, chúng tôi đặt vấn đề với cơ quan quản lý liên quan là có cách nào khác để quản lý không?

Nếu các cơ quan quản lý không chứng minh được sự rủi ro liên quan đến an ninh quốc phòng thì cần chuyển sang cách quản lý khác đó là quản lý hậu kiểm. Chứ chúng tôi không buông lỏng. Đây là tư tưởng chúng tôi quán triệt rất chặt chẽ trong quá trình soạn thảo.

BNEWS: Thưa Thứ trưởng, đây là dự án Luật được cho là khó và phức tạp, dự án Luật này sẽ phải sửa đến hàng chục luật khác, vậy liệu có khả thi khi mục tiêu Chính phủ muốn Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10 tới đây?

Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Đây là dự án Luật khó và phức tạp, thời gian xây dựng ngắn. Tuy nhiên, với vai trò là cơ quan đầu mối, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, các hiệp hội, đặc biệt là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam rà soát kỹ lưỡng, chuẩn bị công phu các nội dung.

Nội dung đưa ra đều bảo đảm đã được đánh giá, thảo luận kỹ lưỡng từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp.

Tôi tin rằng, vì sự phát triển chung của đất nước, vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi sẽ nhận được sự ủng hộ cao của Quốc hội.

BNEWS: Xin cảm ơn Thứ trưởng !

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục