Không có khí đốt Nga, Hà Lan làm cách nào để đối phó với mùa Đông tới?

06:30' - 05/06/2022
BNEWS Chính phủ Hà Lan đã lên tiếng đảm bảo rằng các hộ gia đình không phải lo lắng về việc bị cắt nguồn cung cấp khí và khẳng định sẽ cố gắng duy trì nguồn cung cho các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh này, Chính phủ Hà Lan đã lên tiếng đảm bảo rằng các hộ gia đình không phải lo lắng về việc bị cắt nguồn cung cấp khí và khẳng định sẽ cố gắng duy trì nguồn cung cho các doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, tình hình năng lượng của một số quốc gia châu Âu đang căng thẳng. Các kho dự trữ khí đốt thậm chí không đầy một nửa, các nhà cung cấp thay thế đang có nhu cầu mạnh mẽ và giá tăng cao. 

Không có đồng ruble, không có khí đốt 

Ngày 31/5, Nga một lần nữa thực hiện lời đe dọa cắt nguồn cung khí đốt cho một quốc gia châu Âu. Theo đó, Gazprom đã ngừng giao hàng trực tiếp đến Hà Lan vì nhà nhập khẩu GasTerra của nước này từ chối thanh toán hóa đơn bằng đồng ruble. 

Theo công ty này, các hợp đồng trước đây thường được thanh toán bằng đồng euro hoặc USD và việc thanh toán bằng đồng ruble có nguy cơ vi phạm các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với Nga. 

Phần Lan, Bulgaria và Ba Lan trước đó đã chứng kiến việc nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn vì những lý do tương tự. 

Theo hợp đồng hiện tại, Gazprom vẫn phải cung cấp 2 tỷ m3 khí đốt cho GasTerra vào tháng Mười. Con số này chiếm 5% lượng tiêu thụ hàng năm ở Hà Lan. Nhà nhập khẩu GasTerra, một nửa thuộc sở hữu nhà nước và một nửa thuộc Shell và Esso, tuyên bố đã lường trước việc cắt giảm này bằng cách tìm nguồn cung ứng ở nơi khác. 

"Quyết định này sẽ không gây ra hậu quả lớn đối với nguồn cung khí đốt vật chất của các hộ gia đình Hà Lan", Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Hà Lan Rob Jetten trấn an. 

Tuy nhiên, ông Jetten không hứa sẽ có thể đảm bảo nguồn cung cho các công ty. Ông nói : "Quyết định này tạo thành một thách thức mới, nhưng không phải là không thể vượt qua". 

GasTerra là nhà nhập khẩu khí đốt trực tiếp duy nhất của Nga vào Hà Lan. Các công ty khác mua khí đốt thông qua trung gian, chẳng hạn như Eneco - một khách hàng của công ty con Gazprom của Đức. Nga vẫn chưa ngừng cung cấp khí đốt cho các khách hàng lớn nhất ở châu Âu là Đức và Italy. 

Đằng sau bài phát biểu trấn an của chính phủ, nhiều tiếng nói bày tỏ mối quan tâm của họ đối với sự ổn định năng lượng của đất nước vào mùa Đông tới. Dự trữ khí đốt của Hà Lan hiện đang ở mức thấp, chỉ có 38% công suất dự trữ được đảm bảo. 

Để có thể đối mặt với mùa Đông mà không có nguy cơ thiếu hụt, lượng dự trữ này nên được lấp đầy đến 80% vào tháng 11/2022. Tuy nhiên, làm thế nào để đạt được điều đó khi thị trường năng lượng toàn cầu bị gián đoạn bởi căng thẳng giữa  Nga và Ukraine? 

Trả lời phỏng vấn báo De Stentor, Joris Thijssen, thành viên của đảng xã hội chủ nghĩa PvdA, tỏ ra lo lắng: "Điều này khiến tôi lo lắng, bởi vì hiện nay trên thị trường, lượng khí đốt đã giảm hơn nhiều. Chúng tôi đột nhiên phải đối phó với một tình huống mới mà không có khả năng thực hành. Tôi không dám nói rằng mọi thứ sẽ ổn. Chẳng bao lâu nữa sẽ là mùa Đông, và chúng tôi phải tận dụng mùa Hè để bổ sung dự trữ. Giá khí đốt do đó sẽ tăng. Nhiều người có mức lương bình thường không còn đủ khả năng chi trả hóa đơn".

Bản thân Hà Lan là một nước sản xuất khí đốt. Nhưng mỏ khí Groningen đang cạn kiệt dần. Việc đóng cửa mỏ khí này đã được lên kế hoạch do sự gia tăng của các trận động đất do việc khai thác khí gây ra. 

Hồi sinh nhiệt điện?

Hà Lan đang cố gắng đóng cửa các nhà máy nhiệt điện cuối cùng của mình để đáp ứng các cam kết về khí hậu. Tuy nhiên, một số nhà máy hiện đang muốn được đưa vào hoạt động trở lại để tiết kiệm khí đốt. 

Theo ông Silvio Erkens, thành viên Hạ viện Hà Lan, "có vẻ như không có vấn đề gì trước mắt, nhưng bây giờ chúng ta phải chuẩn bị cho mùa Đông. Chúng ta có thể bù đắp lượng khí đốt của Nga bị mất bằng cách mua khí đốt hóa lỏng từ các nước khác. Nhưng thị trường này đang đã gần như bão hòa. Nếu các nước châu Âu khác cũng phải làm như vậy, chúng ta sẽ hết khí đốt". 

Hà Lan hiện đang mở rộng công suất của các cầu cảng cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng, giải pháp thay thế đầu tiên cho khí đốt của Nga. Nhưng câu hỏi vẫn còn là liệu khí đốt sẽ có mặt trên thị trường quốc tế trong những tháng tới hay không, và ở mức giá nào?

Một chuyên gia về năng lượng René Peters nhấn mạnh: "Giá khí đốt hiện tại đắt hơn nhiều so với giá GasTerra trả cho Gazprom. Tình hình sẽ thay đổi vào mùa Thu, khi chúng ta bắt đầu phải sử dụng hệ thống sưởi. Cả châu Âu đang tìm kiếm giải pháp thay thế khí đốt của Nga. Và nhu cầu khí đốt trên thế giới đã rất lớn nên giá sẽ tăng". 

Đối với Chính phủ Hà Lan, năng lượng tốt nhất cuối cùng là năng lượng mà chúng ta không tiêu thụ. Điều này sẽ thúc đẩy tiết kiệm năng lượng, khuyến khích người dân cách nhiệt tốt hơn cho ngôi nhà của họ và doanh nghiệp trở nên "tiết kiệm năng lượng hơn"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục