Không khí bán buôn tại hầu hết chợ bán lẻ đã bắt đầu nhộn nhịp

11:25' - 15/02/2021
BNEWS Ghi nhận tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh ngày 15/2 (mùng 4 Tết) có hơn 50% tiểu thương, thương nhân và đơn vị bán buôn ở mạng lưới truyền thống đã trở lại hoạt động kinh doanh. 

Do đó, không khí bán buôn tại hầu hết chợ bán lẻ đã bắt đầu nhộn nhịp, hàng hóa kinh doanh đa dạng và phong phú về chủng loại và mẫu mã.

Tại chợ Nguyễn Văn Trỗi, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh, ngoài những mặt hàng hoa tươi cắt cành, trái cây, rau củ, quả... thì những ngành hàng như thịt gia súc, gia cầm, gạo, thực phẩm đông lạnh, đồ khô... được bày bán nhiều hơn. Đặc biệt, đón đầu xu hướng nguồn dự trữ thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng trong kỳ nghỉ Tết của người dân đã vơi dần trong những ngày qua và có nhu cầu mua sắm bổ sung nên tiểu thương, thương nhân mạnh dạn tăng nguồn cung hàng hóa nhập chợ.

Theo bà Mai Thảo, tiểu thương chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, dự đoán trong kỳ nghỉ Tết người dân đã tiêu dùng nhiều thịt lợn nên ra Tết sẽ có nhu cầu thay đổi những nguồn thực phẩm khác. Vì vậy, tiểu thương chuyên kinh doanh ngành hàng thịt bò, thủy hải sản... đã tăng nguồn cung nhập chợ để nắm bắt cơ hội kinh doanh trong đầu năm mới.

Bà Mai Thảo cho biết thêm, hiện vẫn là thời điểm trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và dù nguồn cung đảm bảo, nhưng giá cả vẫn tăng nhẹ do chi phí nhân công, vận chuyển và bảo quản hàng hóa có phụ thu thêm. Trong số đó, nạm bò có giá bán phổ biến 190.000 - 200.000 đồng/kg; bắp bò 220.000 - 250.000 đồng/kg; phi lê bò 300.000 - 370.000 đồng/kg; cá bớp 280.000 - 300.000 đồng/kg; mực ống 320.000 - 350.000 đồng/kg; tôm sú 450.000 đồng/kg; tôm đất 210.000 đồng/kg...

Tương tự, sức mua ở ngành hàng rau củ, quả, trái cây, nhất là rau ăn lá tại mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cũng bắt đầu tăng lên đáng kể so với thời điểm hai, ba ngày trước đó. Cụ thể, xà lách mỡ có giá bán từ 35.000 - 50.000 đồng/kg; rau thơm hỗn hợp 40.000 đồng/kg, cải bó xôi 30.000 đồng/kg; cải thìa 35.000 đồng/kg; cải ngọt 25.000 đồng/kg; cà rốt 20.000 đồng/kg; bông cải xanh 50.000 đồng/kg...

Hiện tại, các kênh bán lẻ, phân phối hiện đại trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cũng đã lần lượt mở cửa và khai trương chuỗi trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi... để đáp ứng nhu cầu thị trường sau Tết. Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã mở cửa hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Smile, Co.op Food... Ngoài ra, nhiều thương hiệu bán lẻ như Big C, Aeon Mall, Vissan... cũng chào đón người tiêu dùng đến mua sắm, vui chơi, giải trí với những chương trình khuyến mãi, giảm giá và lì xì đầu năm.

Trong khi đó, hầu hết chuỗi nhà hàng ẩm thực, chuỗi cà phê... trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh duy trì hoạt động kinh doanh xuyên Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Những đơn vị kinh doanh này đều chú trọng triển khai dịch vụ nhận đặt chỗ trước, giao hàng tận nhà... để chung tay cùng người dân thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, chị Nguyễn Hoàng, cư ngụ tại quận 8, Tp. Hồ Chí Minh cho hay, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm nay, gia đình không về quê do lo ngại dịch bệnh nên ăn Tết ở thành phố. Chính vì vậy, khi các trung tâm thương mại mở cửa thì gia đình đến Aeon Mall Bình Tân để vừa cho các con vui chơi, vừa mua sắm thêm thực phẩm, đồ dùng cho gia đình.

Đánh giá về giá cả hàng hóa, anh Khánh Chương, cư ngụ tại quận 10, Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, so với những mùa Tết trước, giá cả hàng hóa sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 không tăng và nguồn cung khá dồi dào. Do đó, người tiêu dùng không phải lo lắng về nguồn cung hàng hóa, nhất là thực phẩm. Tuy nhiên, người dân cần lựa chọn địa điểm kinh doanh uy tín để đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giá cả.

Báo cáo của Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh về công tác nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và phòng, chống dịch COVID-19 cho thấy, doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị các mặt hàng phục vụ người dân phòng, chống dịch bệnh từ sớm và lượng hàng đảm bảo cung ứng cho người dân thành phố. Riêng doanh nghiệp bình ổn thị trường sẵn sàng cung ứng 57,5 triệu khẩu trang các loại (trừ khẩu trang chuyên dụng ngành y tế) và 3,29 triệu chai nước rửa tay sát khuẩn (1,2 triệu lít).

Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp phòng, chống dịch COVID-19, doanh nghiệp cam kết và sẵn sàng cung ứng mặt hàng lương thực, thực phẩm với lượng hàng bình ổn thị trường chi phối 35% đến 50% nhu cầu thị trường.

Cụ thể, mặt hàng lương thực đạt hơn 3.830 tấng/tháng; thịt gia súc 6.788 tấng/tháng; trứng gia cầm 71,9 triệu quả/tháng; thực phẩm chế biến 803,9 tấn/tháng; thủy hải sản 184,5 tấn/tháng; rau củ, quả 7.395 tấn/tháng.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục