Không né tránh, xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý đất công
Tiếp tục phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại Hội trường, sáng 5/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và các thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn nhóm vấn đề về công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo; tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long.
Các nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước.* Ngắn gọn, tập trung, làm rõ nhiều vấn đềTheo dõi phiên chất vấn, cử tri Trương Bình Trọng, Phường 8, thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) cho rằng: Phần điều hành chất vấn và trả lời chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân rất linh hoạt. Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu các Bộ trưởng trả lời những câu hỏi còn thiếu, nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm. Điều này đã giúp phiên chất vấn có chất lượng sâu, trọng tâm. Cách thức chất vấn “hỏi nhanh - đáp gọn” đã giúp nhiều đại biểu được chất vấn, nhiều vấn đề cử tri quan tâm được đưa ra nghị trường Quốc hội. Đây là những đổi mới rất thiết thực của kỳ họp Quốc hội lần này.Cử tri Nguyễn Phi Hùng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Ninh Bình cho rằng, nội dung chất vấn sáng 5/6 rất cụ thể, sát tình hình thực tế, tập trung vào nhiều vấn đề nổi cộm trong xã hội được đại biểu, cử tri quan tâm. Cử tri Nguyễn Phi Hùng ghi nhận nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về một số vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm là thẳng thắn, rành mạch, chi tiết, làm rõ trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương liên quan.Cử tri Nguyễn Phi Hùng đánh giá không khí trao đổi, chất vấn và trả lời chất vấn sáng 5/6 diễn ra sôi nổi, ngắn gọn, tập trung, đặc biệt là nội dung trao đổi làm rõ thêm một số vấn đề trong công tác quản lý đất đai của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.Cho rằng việc giải quyết nhiều vấn đề mà đại biểu đề cập trong phần trả lời chất vấn chủ yếu vẫn chỉ dừng ở giải pháp chứ chưa đưa ra được biện pháp giải quyết cụ thể, cử tri Nguyễn Phi Hùng gửi gắm đến kỳ họp mong muốn các bộ, ngành, địa phương nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong vấn đề quản lý đất đai, giảm thiểu khiếu kiện, sử dụng tốt hơn tài nguyên quốc gia…
* Dễ “tư túi” đất côngNhiều năm theo dõi vấn đề đất đai, Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, quản lý đất và tài sản công, nhất là ở các thành phố lớn, tập trung nhiều khiếu nại khiếu kiện luôn là vấn đề nóng, dễ bị “tư túi”, thất thoát nếu không quản lý chặt.Hiện nay có rất nhiều văn bản pháp quản lý đất và tài sản công như Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đấu giá, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch... Ngoài ra, các kỳ họp của Quốc hội đều thảo luận rất kỹ cơ chế nhằm quản lý chặt đất công, tài sản công.Cùng với đó, đất công, tài sản công được nhiều cơ quan Nhà nước quản lý, từ cơ quan chủ quản, UBND cấp tỉnh cho đến cơ quan chuyên ngành như Tài nguyên môi trường, Xây dựng, Tài chính, Thuế… với nhiều hoạt động được xác lập như cho thuê, xây dựng, hợp tác xây dựng, chuyển nhượng, chuyển mục đích, bán sản phẩm, cấp giấy chứng nhận…Trong bối cảnh có nhiều hệ thống văn bản pháp luật, việc để xảy ra tình trạng thất thoát đất công báo động như hiện nay chủ yếu do cơ quan Nhà nước cố ý không thực hiện đúng quy định pháp luật, chưa làm tròn, làm chưa quyết liệt việc giám sát, công bố thông tin. Đến khi phát hiện sai phạm, chỉ tập trung và giới hạn ở việc xử lý một vài cá nhân trực tiếp thực hiện sai phạm nhưng chưa xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc chấp thuận đầu tư, thực hiện công chứng, cấp phép xây dựng…, Luật sư Trần Đức Phượng nêu quan điểm.
Nếu từng cơ quan Nhà nước thực hiện đúng trách nhiệm của mình, dù Chủ tịch UBND hay Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh có làm cũng không thể thực hiện trót lọt qua “rừng” quy trình, thủ tục ở cơ quan cấp dưới chuyên ngành như tính tiền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận, quy hoạch, giấy phép xây dựng… hoặc được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.Vì vậy, để tránh tình trạng đất công bị thất thoát như thời gian qua, theo Luật sư Trần Đức Phượng, trước hết, cơ quan Nhà nước cần thực thi nghiêm quy định pháp luật trong vấn đề giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất. Cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp hay doanh nghiệp Nhà nước phải sử dụng đúng tài sản được giao…
Các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường thanh tra, kiểm tra vụ việc vi phạm, đồng thời xử lý nghiêm để đủ sức răn đe, phòng ngừa chung. Ngoài ra cần công khai minh bạch thông tin về quản lý đất công, dự án đầu tư, giao đất, quy hoạch, cổ phần hóa… bằng nhiều hình thức, trong đó có thông tin trên cơ quan báo chí.* Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tếCử tri ở Phú Yên cho rằng, phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiều vấn đề được dư luận quan tâm, nhất là vấn đề sử dụng đất đai, xử lý ô nhiễm môi trường… Các vấn đề này không chỉ có Bộ Tài nguyên và Môi trường mà xử lý rốt ráo được nên phần trả lời của Bộ trưởng Trần Hồng Hà là rất cố gắng.Cử tri Nguyễn Đắc Tấn, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh Phú Yên nhận định: Phát biểu chất vấn của các đại biểu Quốc hội đặt vấn đề rất gần với cuộc sống của người dân; có những vấn đề được đại biểu đề cập cụ thể. Phần trả lời của Bộ trưởng cũng đã giải quyết một số vấn đề, tuy chưa được thỏa mãn hoàn toàn nhưng cũng gợi mở ra nhiều cách giải quyết.Qua phần trả lời của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cử tri Nguyễn Đắc Tấn mong muốn: Việc kêu gọi đầu tư vào các đặc khu kinh tế tới đây sẽ phải rất thận trọng về môi trường. Cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là cương quyết không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế; vấn đề chống sạt lở bờ sông, bờ biển và bồi lấp cửa biển sắp tới đây sẽ có giải pháp căn cơ.Vấn đề này không chỉ có các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mà có cả ở Phú Yên. Những năm gần đây, triều cường đã uy hiếp nghiêm trọng các vùng ven biển. Bên cạnh đó, cửa biển Đà Diễn, cửa biển Đà Nông bị bồi lấp khiến việc ra vào cảng cá của hàng nghìn tàu cá gặp khó khăn.
* Chung tay xử lý ô nhiễm môi trườngVề vấn đề biến đổi khí hậu, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá, giảng viên Khoa Môi trường và Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà có nói đến vấn đề xã hội hóa việc đầu tư các công trình chống sạt lở, bảo vệ đê, kè nhưng chưa nhấn mạnh được đặc thù tại Đồng bằng sông Cửu Long khác với khu vực khác. Bởi lẽ, ở Đồng bằng sông Cửu Long, việc xây dựng đê bao, bờ kè phải tính toán đến vấn đề phù sa bồi đắp. Vì vậy, một số cánh đồng và đất nông nghiệp không cần xây dựng đê bao hay kênh nội đồng để đất được nhận phù sa trong mùa nước nổi nhằm thực hiện quá trình cải tạo đất tự nhiên.Trong vấn đề ô nhiễm không khí, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Quốc Bằng, Trưởng phòng Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, về cơ bản, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã nêu ra được thực trạng, nguyên nhân và giải pháp.Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Quốc Bằng, bên cạnh giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đưa ra, cơ quan này cũng như các địa phương cần tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí từ vấn đề giao thông, trong đó có xả thải ở những phương tiện cũ, đặc biệt trong tình trạng kẹt xe gia tăng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Cụ thể cần thực hiện chương trình kiểm tra, kiểm soát khí thải xe gắn máy; thực hiện giảm dần phương tiện giao thông cá nhân gắn với khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng.Cử tri Phạm Văn Bách, Chủ tịch UBND xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) lo lắng về tình hình ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, làng nghề và một số cơ sở sản xuất ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Hiện vẫn còn có những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lén lút xả chất thải độc hại chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường nhưng việc phát hiện, xử lý còn hạn chế.Đề xuất giải pháp để bảo vệ môi trường, cử tri Bách cho rằng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan chức năng cần đánh giá rõ hơn kết quả các dự án xử lý ô nhiễm môi trường đã triển khai. Chủ trương đầu tư xử lý ô nhiễm tại các làng nghề là phù hợp với lòng dân nhưng phải thường xuyên giám sát việc thực hiện, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.Đồng thời, việc tiếp tục tăng mức kinh phí bảo vệ môi trường là cần thiết; có ưu đãi, khuyến khích cơ sở, làng nghề áp dụng công nghệ mới vừa tăng năng suất, chất lượng vừa góp phần giảm thải vào môi trường; rà soát đánh giá toàn diện, phân loại ô nhiễm từng làng nghề để có hình thức xử lý thích hợp. Về lâu dài, cần di dời một số ngành nghề gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư; nghiên cứu, quy hoạch, chuyển đổi một số nghề và định hướng phát triển kinh tế tại một số làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Các ngành chức năng cần đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất; cần nâng mức phạt, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm môi trường./.- Từ khóa :
- quốc hội
- bộ tài nguyên và môi trường
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Chồng chéo quy định của luật trong xử lý dự án treo
12:50' - 05/06/2018
Vấn đề xử lý rác thải rắn; trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quản lý đất đai tránh tình trạng hoang hóa, gây lãng phí ngân sách… là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn.
-
Kinh tế Việt Nam
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Cần nghị quyết đặc thù để quản lý đất tại đặc khu
19:55' - 04/06/2018
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng theo quy luật, khi nhìn thấy tiềm năng, tương lai phát triển là người dân sẽ đổ xô vào đất đai, nhưng chưa có giải pháp để phòng ngừa tình trạng này.
-
Kinh tế Việt Nam
Đại biểu Quốc hội chưa thoả mãn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải
14:04' - 04/06/2018
Mặc dù, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã trả lời rất ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề, nhưng đa số các đại biểu Quốc hội đều chưa thoả mãn với phần trả lời của người đứng đầu ngành giao thông.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Hoàn thiện các tiêu chí để đưa Phú Mỹ lên quy mô thành phố
21:04' - 23/11/2024
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chú trọng quan tâm khắc phục những tiêu chí còn thiếu, đặc biệt là về phục vụ dân sinh đô thị.
-
Kinh tế Việt Nam
Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các doanh nghiệp Nhà nước
19:21' - 23/11/2024
Một số đại biểu cho rằng cần làm rõ các khái niệm, phạm vi điều chỉnh, chính sách cần thể hiện, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các doanh nghiệp Nhà nước.
-
Kinh tế Việt Nam
Liên kết chuỗi giá trị hướng đến xuất khẩu sản phẩm lợi thế
19:20' - 23/11/2024
Ninh Thuận đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất để từng bước xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững.
-
Kinh tế Việt Nam
Củng cố nền tảng vững chắc lâu dài cho sự phát triển mạnh mẽ quan hệ Việt Nam - Malaysia
17:09' - 23/11/2024
Nhân dịp này, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung đã trả lời phỏng vấn về kết quả chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Malaysia.
-
Kinh tế Việt Nam
Ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp
16:07' - 23/11/2024
Thực tế cho thấy, pháp luật hiện hành chưa tách bạch, phân định rõ chức năng giữa các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp đang sử dụng vốn nhà nước.
-
Kinh tế Việt Nam
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển công nghiệp công nghệ số
16:03' - 23/11/2024
Nhiều ý kiến cho rằng, công nghệ số đang trở thành xu thế mới và ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước.
-
Kinh tế Việt Nam
Hiến kế cho Vĩnh Phúc trong thực hiện xanh hóa kinh tế
15:04' - 23/11/2024
Ngày 23/11, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị “Chuyển đổi xanh - nhận thức và hành động vì một tương lai Vĩnh Phúc phát triển bền vững”.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao sự đóng góp của các doanh nghiệp trong hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại Việt Nam - Malaysia
13:39' - 23/11/2024
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam luôn coi trọng, hoan nghênh các doanh nghiệp của Malaysia đầu tư, làm ăn lâu dài tại Việt Nam.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ khai trương đường bay Hà Nội – Kuala Lumpur
13:38' - 23/11/2024
Việc mở đường bay mới diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, mở ra cơ hội hợp tác và phát triển mới.