Không quân Hàn Quốc lập đơn vị theo dõi hoạt động hạt nhân, tên lửa Triều Tiên

11:10' - 01/12/2017
BNEWS Không quân Hàn Quốc đã thành lập một đơn vị hoạt động trên không lớn hơn so với trước đây để thu thập tin tức tình báo nhằm đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên.
Tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 (phải) của Triều Tiên được phóng từ sân bay Sunan ở Bình Nhưỡng ngày 29/8. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Thông báo cho biết đơn vị mới này có nhiệm vụ phối hợp với Mỹ để theo dõi các hoạt động liên quan của Triều Tiên 24/24 giờ, thu thập và phân tích thông tin liên quan đến hoạt động trên không trung của quân đội Hàn Quốc.

Theo kế hoạch, Không quân Hàn Quốc sẽ đưa hai chiếc máy bay không người lái loại RQ-4 Global Hawk vào sử dụng trong năm tới theo một thỏa thuận ký năm 2014 với Mỹ, sau đó sẽ là hai chiếc nữa vào năm 2019. Đơn vị mới sẽ có nhiệm vụ vận hành những thiết bị này thay cho phi đội tình báo chiến thuật số 37.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay vật thể mà Triều Tiên phóng ngày 29/11 vừa qua là một tên lửa đạn đạo mới có thể bay xa hơn 13.000 km và vụ thử này đã thành công.

Trong một báo cáo trình Quốc hội, bộ này nêu rõ: “Vụ thử được đánh giá là thành công. Trong trường hợp được phóng với một góc bình thường, quả tên lửa này có thể bay xa hơn 13.000 km. Điều này có nghĩa là tên lửa có thể vươn tới thủ đô Washington D.C.”.

Tuy nhiên, bộ này cũng nói thêm rằng cần xác minh thêm về khả năng quay trở lại bầu khí quyển của tên lửa, công nghệ dẫn đường chính xác giai đoạn cuối và tình trạng của đầu đạn trước khi có thể kết luận đây có phải là một quả tên lửa tầm xa đáng tin cậy hay không.

Cũng theo bộ trên, quả tên lửa Hwasong-15 mà Triều Tiên vừa phóng thuộc loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có hình dạng và đặc điểm hoàn toàn khác so với loại Hwasong-14 như dài hơn 2 mét, đường kính lớn hơn từ 0,4-0,8 mét, phương tiện chở và phóng có 9 trục (18 bánh xe) trong khi Hwasong-14 chỉ có 8 trục và tầng thứ nhất của Hwasong-15 sử dụng cụm 2 động cơ của Hwasong-14.

Hiện các chuyên gia đang phân tích động cơ của tầng thứ hai và mới chỉ khẳng định được rằng kích thước của thân tầng thứ hai của Hwasong-15 lớn hơn Hwasong-14 tới 3 hoặc 4 lần.

Trước đó, Viện sĩ cao cấp thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế của Mỹ, ông Michael Elleman ngày 30/11 cho biết tên Hwasong-15 mà Triều Tiên vừa thử có thể được triển khai vào năm tới sau vài lần thử nữa.

Theo ông Elleman, tên lửa Hwasong-15 lớn hơn tên lửa Hwasong-14 rất nhiều và những tính toán ban đầu cho thấy tên lửa này có thể mang đầu đạn hạt nhân có kích cỡ khiêm tốn tới bất kỳ thành phố nào của Mỹ. Hwasong-15 đủ lớn và đủ mạnh để mang các loại đầu đạn được ngụy trang đơn giản hoặc những đầu đạn khác nhằm đối phó với hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) hiện tại của Mỹ.

Cũng theo ông Elleman, Hwasong-15 hoạt động hiệu quả hơn và có hệ thống điều khiển đơn giản hơn Hwasong-14 và có khả năng mang đầu đạn có trọng lượng lên tới 1.000 kg tới bất cứ khu vực nào ở Mỹ. Tuy nhiên, Triều Tiên "gần như chắc chắn" đã phát triển một đầu đạn hạt nhân có trọng lượng dưới 700 kg.

Sáng 29/11, Triều Tiên đã chính thức tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 mới, "có tầm bắn bao phủ toàn bộ lục địa Mỹ". Tuyên bố cho biết tên lửa Hwasong-15 là tên lửa mạnh nhất từ trước tới nay của Triều Tiên, đã bay 950 km trong 53 phút và đạt đến độ cao 4.475km.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định Bình Nhưỡng vẫn chưa thể hoàn thiện được kỹ thuật đưa tên lửa trở lại khí quyển, một yếu tố then chốt trong chương trình phát triển ICBM.

>>>Triều Tiên công bố hình ảnh tên lửa Hwasong-15

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục