Khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng gần 70% quy mô nền kinh tế Đà Nẵng

18:05' - 05/10/2023
BNEWS Theo báo cáo của Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, quy mô nền kinh tế thành phố Đà Nẵng trong 9 tháng theo giá hiện hành ước đạt hơn 97.581 tỷ đồng, mở rộng gần 7.088 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Cơ cấu trong quy mô nền kinh tế tiếp tục có sự dịch chuyển nhẹ so với cùng kỳ năm trước, khu vực dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn, lên đến 69,98%; khu vực công nghiệp và xây dựng thu hẹp còn 18,94%.

Sau 9 tháng năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố Đà Nẵng ước tăng 2,83% so với cùng kỳ năm 2022. Kinh tế thành phố Đà Nẵng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, trừ lĩnh vực du lịch tăng trưởng ổn định, nhiều ngành kinh tế khác có xu hướng giảm so với cùng kỳ.

Trong sự tăng trưởng của toàn nền kinh tế Đà Nẵng 9 tháng qua, khu vực dịch vụ tăng 4,44%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,54%; lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,13%; riêng khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 2,02%.

Trong 9 tháng năm 2023, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tại Đà Nẵng ước đạt 22.800 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022.

 

Do tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, việc thu hút vốn đầu tư của thành phố Đà Nẵng trong 9 tháng chưa được như kỳ vọng. Thành phố đã cấp mới và điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 31 dự án vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký hơn 40.306 tỷ đồng.

Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Đà Nẵng đã cấp mới 82 dự án, với tổng vốn đăng ký 11,888 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 29 dự án với tổng vốn tăng thêm là 20,183 triệu USD.

Theo Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng Trần Văn Vũ, trong quý IV/2023, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng nên sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức; nhiều ngành nghề chưa có dấu hiệu khôi phục. Vì vậy, thành phố Đà Nẵng cần tập trung các giải pháp để duy trì và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn có tốc độ tăng trưởng tốt, khôi phục những lĩnh vực còn nhiều khó khăn.

Trong lĩnh vực du lịch, thành phố cần tiếp tục triển khai chương trình kích cầu du lịch, xúc tiến du lịch trong nước vào quốc tế, hỗ trợ khách công vụ MICE. Đồng thời ngành du lịch cần tiếp tục khai thác và đưa vào sử dụng các sản phẩm mới như: mô hình thí điểm bãi biển đêm Mỹ An; phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch; tổ chức dịch vụ phục vụ du lịch về đêm; đưa vào hoạt động công trình Bảo tàng Đà Nẵng, Hải Vân Quan…

Đối với lĩnh vực công nghiệp, Đà Nẵng cần tiếp tục tìm hiểu, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng liên kết, hội nhập và phát triển. Chính quyền cần có giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất thông minh, tiết kiệm năng lượng…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục