Khu vực nào được hưởng lợi trong cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung?

06:30' - 10/11/2022
BNEWS Theo tờ The Economist, dịch bệnh, suy thoái và sự xấu đi trong quan hệ Mỹ-Trung, tất cả đều là cú sốc giáng xuống hệ thống thương mại của thế giới.

Mối đe dọa mới nhất bắt nguồn từ khả năng xảy ra một cuộc suy thoái toàn cầu tiếp theo. Chỉ hai năm sau khi thế giới chìm vào khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra, các hãng vận tải biển một lần nữa cảnh báo về triển vọng tồi tệ đối với thương mại quốc tế.

Nhưng ngoài những thăng trầm của chu kỳ kinh tế, những thay đổi sâu sắc hơn trong mô hình thương mại toàn cầu đang diễn ra. Các công ty đang xem xét lại các quyết định sản xuất của họ và các chính phủ đang thúc đẩy quá trình này. Những thay đổi như vậy có thể có vẻ kỳ lạ vào năm 2018 khi ông Donald Trump, hồi đó là Tổng thống Mỹ, lần đầu tiên áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc.

Kể từ đó, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã cấm xuất khẩu công nghệ bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc và có kế hoạch cung cấp các khoản trợ cấp trị giá hàng trăm tỷ USD để đầu tư vào sản xuất trong nước. Sự thay đổi dòng chảy thương mại giờ đây là điều không thể tránh khỏi và phác thảo về địa lý mới của thương mại quốc tế ngày càng rõ ràng hơn.

Thương mại hàng hóa toàn cầu đã có sự phục hồi ấn tượng sau cuộc suy thoái do đại dịch gây ra vào năm 2020. Với tư cách là một thị phần của GDP thế giới, giá trị của thương mại hàng hóa năm ngoái đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014. Nhưng không phải tất cả các tuyến thương mại đều hưng thịnh.

Khi ông Trump chuyển hướng theo chủ nghĩa bảo hộ, có hy vọng rằng các nền kinh tế ở châu Phi và Mỹ Latinh có thể thu hút một số hoạt động kinh doanh mà lẽ ra sẽ đổ sang Trung Quốc. Điều đó đã không xảy ra. Thay vào đó, những người chiến thắng lớn nhất từ việc thay đổi mô hình thương mại lại là ở châu Á.

Dữ liệu thương mại toàn cầu thường được công bố chậm, có nghĩa là số liệu về nhập khẩu của các nền kinh tế lớn là cách tốt nhất để có được bức tranh cập nhật về những gì đang xảy ra. Theo dữ liệu của Mỹ được công bố vào ngày 3/11, nhập khẩu của nước này đã tăng hơn 30% kể từ năm 2018. Tuy nhiên, mức tăng không đồng đều.

Nhập khẩu của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc chỉ cao hơn 6% so với mức của 4 năm trước, một sự sụt giảm nghiêm trọng trong thị phần của Trung Quốc kể từ khi ông Trump phát động cuộc chiến thương mại. Nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) của Mỹ cũng tăng theo chiều hướng mờ nhạt, chỉ tăng 12% kể từ năm 2018.

Quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng về các nước "thân thiện" có thể đang diễn ra, nhưng không phải ở quy mô lớn. Nhập khẩu của Mỹ từ Canada và Mexico đã tăng lần lượt 39% và 34%.

Thay vào đó, những nền kinh tế hưởng lợi nhiều nhất trong bốn năm qua là ở châu Á. Xuất khẩu của Bangladesh và Thái Lan sang Mỹ đã tăng hơn 80% kể từ năm 2018. Ấn Độ và Indonesia đã chứng kiến xuất khẩu của họ sang Mỹ tăng hơn 60%.

Thị phần nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc giảm từ 21% trong năm 2018 xuống 17% vào năm 2022. Trung Quốc từng chiếm gần 1/2 xuất khẩu của châu Á sang Mỹ; giờ đây chỉ chiếm hơn 1/3.

Đây cũng không chỉ đơn giản là một xu hướng của Mỹ. Trung Quốc cũng đang nhập khẩu nhiều hơn từ châu Á. Trong tháng 1-9/2022, thị phần nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ đã giảm 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2018. Thị phần đến từ Khu vực đồng euro (Eurozone) giảm một lượng tương tự. Mặt khác, ASEAN đã chứng kiến thị phần nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 2 điểm phần trăm.

Các số liệu thương mại của châu Âu ít cập nhật hơn, nhưng sự trỗi dậy của châu Á cũng thể hiện rõ trong đó. Mặc dù tỷ trọng nhập khẩu của EU từ Trung Quốc đã tăng trong năm ngoái, nhưng nhập khẩu từ các nước Nam và Đông Nam Á cũng vậy. Cả Trung Quốc và châu Âu đều không thấy sự gia tăng tương đương trong nhập khẩu từ các khu vực khác trên thế giới.

Việc thiết lập các nguồn hàng hóa hoặc thành phần mới cần có thời gian và đầu tư, vì vậy sự thay đổi trong các mô hình thương mại hiện có thể nhìn thấy trong dữ liệu hầu hết phản ánh các lựa chọn mà các công ty đã đưa ra trước các cuộc cạnh tranh địa chính trị của năm nay.

Một số hoạt động phân phối lại thương mại sẽ xảy ra ngay cả trong những điều kiện kinh tế ổn định. Ví dụ, chi phí lao động tăng ở Trung Quốc sẽ khiến việc chuyển các loại hình sản xuất có giá trị thấp - ví dụ như hàng dệt may - sang những nơi như Bangladesh sẽ trở nên hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, thuế quan của ông Trump dường như đã đóng một vai trò quan trọng. Theo phân tích gần đây về dữ liệu ngành của chuyên gia Chad Bown thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson, thị phần của Trung Quốc trong tỷ trọng nhập khẩu của Mỹ đã tăng từ 36% lên 39% trong năm nay đối với hàng hóa không bị áp thuế.

Tuy nhiên, đối với hàng hóa chịu mức thuế 7,5%, thị phần của Trung Quốc giảm từ 24% xuống 18%. Và đối với những mặt hàng bị ảnh hưởng bởi mức thuế khổng lồ 25%, bao gồm rất nhiều thiết bị, thị phần nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm từ 16% xuống 10%. Nhìn chung, Mỹ hiện ít phụ thuộc hơn vào hàng hóa Trung Quốc, từ đồ nội thất đến chất bán dẫn.

Thay đổi này có thể không hoàn toàn triệt để. Có vẻ như nhiều thành phần được sử dụng để sản xuất hàng hóa ở Ấn Độ hoặc nước khác vẫn được sản xuất tại Trung Quốc. Mặc dù dữ liệu chi tiết về chuỗi cung ứng cần thiết để nói chắc chắn sẽ không được công bố trong vài năm, nhưng số liệu xuất khẩu của Trung Quốc là gợi ý cho xu hướng đó.

Sự sụt giảm 2 điểm phần trăm trong tổng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022 hoàn toàn khớp với sự gia tăng xuất khẩu của Trung Quốc sang các nền kinh tế ASEAN.

Câu chuyện cho đến nay dường như là việc các nền kinh tế mới nổi của châu Á ngày càng làm trung gian thương mại giữa Trung Quốc và thế giới giàu có. Những giấc mơ rằng, chuỗi cung ứng trải khắp Mỹ Latinh và châu Phi sẽ làm thay đổi địa lý kinh tế của thế giới vẫn chỉ là giấc mơ.

Nhưng hướng đi này là một lợi ích không hề nhỏ cho một vòng cung các quốc gia đang phát triển nhanh chóng trải dài từ Ấn Độ đến Philippines. Theo thời gian, khi hậu quả của những căng thẳng địa chính trị gần đây đang được tích tụ, một phần giá trị lớn hơn bao giờ hết trong chuỗi cung ứng châu Á có thể tập trung ở nước thứ ba hơn là bên trong Trung Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục