Khúc tráng ca hào hùng - Bài 1: Ký ức oanh liệt nơi chiến trường

09:14' - 29/04/2020
BNEWS Dù cuộc chiến đã lùi xa, nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng ấy vẫn vẹn nguyên trong câu chuyện kể của những người lính giờ đã ở độ tuổi xưa nay hiếm.

Trong những ngày cả nước sôi nổi hướng đến kỷ niệm 45 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, có những người con Hà Nội bồi hồi nhớ lại ngày tháng dành hết tuổi trẻ, tâm huyết, sức lực của mình cho chiến trường miền Nam.

Họ là những chiến sĩ, thanh niên xung phong, các bác sĩ, nhà báo, nghệ sĩ… mang trong mình khát khao cống hiến và chiến thắng, cùng viết nên khúc tráng ca hào hùng cho đất nước.

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN thực hiện loạt bài viết “Khúc tráng ca hào hùng” về những điều ý nghĩa đó.

Bài 1: Ký ức oanh liệt nơi chiến trường

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam, trên đường “Tiến về Sài Gòn”, nhiều người lính ra trận khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ gan dạ chiến đấu với khát khao giải phóng đất nước, đánh đuổi quân xâm lược, với niềm tin về một ngày đất nước thống nhất, non sông liền một dải.

Dù cuộc chiến đã lùi xa, nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng ấy vẫn vẹn nguyên trong câu chuyện kể của những người lính giờ đã ở độ tuổi xưa nay hiếm.

Mở toang "cánh cửa thép" Đồng Dù

72 năm tuổi đời, 43 năm tuổi quân, với Đại tá Đào Xuân Sy, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Thủ đô, quãng đời binh nghiệp là một chặng đường gian khó nhưng cũng rất đỗi tự hào. Mùa xuân năm 1966, theo tiếng gọi của chiến trường miền Nam, Đào Xuân Sy đã lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi.

Những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đã cùng đồng đội chiến đấu trên khắp các chiến trường Quảng Trị, Tuy Hòa. Những cuộc hành quân gian khổ dưới làn bom đạn, chứng kiến biết bao sự hy sinh của đồng đội trong những trận chiến ác liệt và cả những lần cận kề với cái chết càng thôi thúc ý chí quyết chiến quyết thắng, giành độc lập cho Tổ quốc trong con người ông.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, Trung đoàn 48 Thăng Long thuộc Sư đoàn 320 được giao là lực lượng chủ yếu tiến công tiêu diệt căn cứ Đồng Dù ở cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn. Đây là căn cứ quân sự có vị trí rất quan trọng, nằm trên trục đường Quốc lộ số 1 Sài Gòn đi Tây Ninh được mệnh danh là “Cánh cửa thép”.

Từ vị trí thuận lợi này, Mỹ - Ngụy có thể điều quân rất nhanh theo các tỉnh lộ đi Bình Dương, Hậu Nghĩa, nên từ lâu chúng đã ra công xây dựng nó trở thành một căn cứ hành quân hỗn hợp quy mô lớn. Khu vực này vốn là hang ổ của Sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới” Mỹ, nơi xuất phát các cuộc hành quân càn quét đẫm máu.

Sau khi Sư đoàn 25 Mỹ cuốn cờ về nước đã giao lại cho Sư đoàn 25 Ngụy và được Chuẩn tướng Lý Tòng Bá phát triển trở thành một trong những sư đoàn chủ lực mạnh của quân đội Việt Nam cộng hòa, sẵn sàng tử thủ để bảo vệ. Nếu quân đội ta đột phá chậm, không đủ mạnh để làm chủ căn cứ theo đúng hiệp đồng thì sẽ gây cản trở tới các đơn vị tiến vào nội đô đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu.

Tham gia trận tiêu diệt căn cứ Đồng Dù, Đại tá Đào Xuân Sy khi đó là Chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48 Thăng Long. Ông kể lại: Trung đoàn 48 bố trí Tiểu đoàn 1 đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu từ Tây Bắc đánh vào, Tiểu đoàn 3 đảm nhiệm hướng tiến công thứ yếu từ Tây Nam đánh lên và Tiểu đoàn 2 là lực lượng dự bị sẵn sàng chi viện cho các hướng.

Đúng 5 giờ 30 phút ngày 29/4/1975, pháo binh đồng loạt tiến công căn cứ Đồng Dù và kéo dài trong suốt 2 giờ liền. Cùng lúc đó, bộ binh trên các hướng nổ mìn định hướng và đánh bộc phá liên tục mở bung nhiều lớp hàng rào. Sau 30 phút pháo kích, địch phát hiện hướng cửa mở của ta liền điều động bộ binh, xe tăng ra bịt lấp, đồng thời dùng máy bay, pháo cối có cả đạn hóa học đánh vào đội hình tiến công của Sư đoàn.

Trên hướng tiến công chủ yếu, chiến sự diễn ra ác liệt ngay từ những phút đầu. Tại cửa mở số 1, Tiểu đoàn 1 khi mở những lớp hàng rào trong cùng bị địch bắn phá dữ dội. Được hỏa lực chi viện kịp thời, đến 7 giờ 30 phút ta đã mở thông cửa mở số 1, bộ đội ta xung phong lên cửa mở nhưng bị xe tăng địch trong công sự bắn chặn.

Đến 8 giờ, xe tăng của địch bị tiêu diệt ở khu vực đầu cầu, bộ binh ta ào ạt xung phong đánh chiếm đầu cầu và xe tăng của ta vượt qua cửa mở vào đánh chiếm các mục tiêu bên trong cứ điểm.

Cùng thời gian này, hướng cửa mở số 2, địch đưa xe tăng phản kích dữ dội, mãi đến 7 giờ 30 phút, Tiểu đoàn 3 mới chiếm được tuyến công sự thứ nhất làm bàn đạp tiến vào bên trong. Ở hướng tiến công thứ yếu, ta mở hai cửa mở nhưng địch phản kích rất mạnh nên không tiến vào được.

Kể đến đây, Đại tá Đào Xuân Sy ngừng lại, lau dòng nước mắt. Hình ảnh từng đợt bộ đội ta xung phong, quyết tâm phá hàng rào của địch như hiện ra trước mắt ông. Lớp chiến sĩ này ngã xuống, lớp chiến sĩ phía sau lại xông lên ào ào. Đã có những người lính hy sinh chỉ một ngày trước ngày giải phóng đất nước.

Ông kể tiếp: Sau khi phá tan âm mưu chi viện của quân địch, đến 10 giờ 30 phút, bộ đội ta đã đánh chiếm và làm chủ Sở chỉ huy Sư đoàn 25 quân đội Việt Nam cộng hòa. Lý Tòng Bá và Ban Tham mưu bỏ chạy.

Đến 11 giờ ngày 29/4/1975, chỉ trong 5 giờ chiến đấu, ta đã đập tan toàn bộ Sư đoàn 25 của quân đội Việt Nam Cộng hòa ở căn cứ Đồng Dù.

“Cánh cửa thép” án ngữ phía Tây Bắc Sài Gòn đã bị phá toang, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng tiến công, binh chủng hợp thành của Quân đoàn 3 tiến thẳng về nội đô Sài Gòn, kết hợp cùng các cánh quân khác đánh chiếm các mục tiêu chiến lược.

Cầu Hàm Rồng - huyết mạch con đường chi viện vào Nam

Trực tiếp chiến đấu bảo vệ Cầu Hàm Rồng trong những năm từ 1965 đến 1968, với Đại tá Hoàng Anh Phúc, đây là quãng thời gian không thể nào quên. Cho đến bây giờ, khi kể lại về những lần đấu trí với máy bay địch, hai tay ông vẫn làm động tác phất cờ như khi ở trận địa.

Khi vừa đủ 18 tuổi, Hoàng Anh Phúc lên đường nhập ngũ, làm chiến sĩ trinh sát của đại đội pháo cao xạ 57 thuộc Trung đoàn pháo cao xạ 228. Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá ra miền Bắc, trong đó chúng tập trung đánh phá Cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) nhằm cắt đứt sự vận chuyển từ Bắc vào Nam.

Tháng 4/1965, đơn vị của ông được Bộ Tư lệnh Quân chủng giao nhiệm vụ vào Thanh Hóa bảo vệ Cầu Hàm Rồng.

Cầu Hàm Rồng có vị trí giao thông rất quan trọng không chỉ với nhân dân tỉnh Thanh Hóa, mà còn có vị trí chiến lược quan trọng đối với cả nước. Vào những năm 1960, đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc. Khi đó, ở miền Bắc tiến lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương vững chắc cho miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.

Cầu Hàm Rồng là cầu đường sắt, đường bộ duy nhất đi qua sông Mã nối liền mạch giao thông từ miền Bắc vào miền Trung. Hàng trăm nghìn tấn vũ khí, lương thực, thuốc men đã được vận chuyển qua cây cầu này để chi viện cho chiến trường miền Nam, góp sức người, sức của trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đại tá Hoàng Anh Phúc kể lại, khi làm nhiệm vụ bảo vệ Cầu Hàm Rồng, ông là chiến sĩ phụ trách máy nổ phục vụ cho trận địa pháo. Sau này, trước tình hình thực tế tại trận địa, ông đã học thêm về pháo, máy chỉ huy, ra đa. Cứ như vậy, đến năm 1966, ông được cấp trên giao nhiệm vụ làm Trung đội phó rồi Trung đội trưởng, rồi Đại đội phó trực tiếp ra trận địa chỉ huy chiến đấu.

Thời gian đó, Mỹ điên cuồng bắn phá, chiến sự rất ác liệt. Có những trận đánh địch tổ chức thành nhiều tốp máy bay, liên tục tấn công bất ngờ. Nhưng với sự mưu trí, tài tình của cả quân và dân, Cầu Hàm Rồng vẫn bình an.

Với sự nhạy bén và kinh nghiệm của người chỉ huy trực tiếp trên trận địa, Đại tá Hoàng Anh Phúc khi đó làm Đại đội trưởng đã “lừa” máy bay địch, làm chệch hướng hàng chục quả tên lửa nhằm phá hoại trạm ra-đa của quân đội ta.

Đó là khi ra-đa của ta phát sóng tìm mục tiêu, máy bay địch có thiết bị bắt được sóng và điều khiển phóng tên lửa nhằm phá hoại trạm ra-đa. Ông đã chỉ huy anh em trắc thủ tắt cao thế hoặc quay parabol đi một hướng khác để máy bay của địch không xác định được mục tiêu.

Nhớ lại câu chuyện “ngủ đứng” ngay trên trận địa bảo vệ Cầu Hàm Rồng, ông kể: “Máy bay địch có thể đến bất cứ lúc nào, có khi là giữa trưa. Đứng trên trận địa, một tay tôi cầm cờ đỏ ra lệnh bắn, tay kia cầm cờ trắng ra lệnh ngừng bắn. Trong hai tay còn có nụ công tắc điều khiển bắn tự động do tôi quyết định, đồng thời miệng còn phải hô chỉ huy. Sự căng thẳng ấy làm cho tôi thiếu ngủ, nhiều khi tranh thủ ngủ đứng ngay trên trận địa trong lúc chờ máy bay địch đến”.

Tham gia cùng đồng đội đánh trả hàng trăm đợt tấn công của địch vào Cầu Hàm Rồng từ năm 1965 đến năm 1968, Đại tá Hoàng Anh Phúc cùng đồng đội đã ngày đêm chiến đấu bảo vệ từng tấc đất, từng khoảng trời, từng nhịp cầu, cho những chuyến hàng an toàn ra mặt trận.

Sau năm 1968, Đại tá Hoàng Anh Phúc nhận nhiều nhiệm vụ mới ở khắp các chiến trường. Ở nơi nào, ông cũng luôn giữ vững bản lĩnh anh bộ đội Cụ Hồ, chiến đấu gan dạ, lập nhiều chiến công cho quân đội.

Trở về với cuộc sống đời thường, những người chiến sĩ quả cảm ấy mang theo ký ức về những năm tháng gian khổ nhưng đầy hào hùng cùng đồng đội trên khắp các chiến trường. Những ký ức ấy vẫn luôn được họ kể lại cho con cháu để lớp lớp thế hệ trẻ sau này viết tiếp trang sử vẻ vang của cha ông./.

>> Đón đọc: Bài 2: Bóng áo trắng ở tuyến đầu cuộc chiến

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục