Khuyến khích tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công

17:35' - 15/05/2019
BNEWS Tiến trình đổi mới nền kinh tế trong suốt 3 thập kỷ qua cho thấy, việc Nhà nước "mở cửa" cho khu vực tư nhân tham gia cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho xã hội đã mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực.
Vai trò của khu vực tư nhân đã ngày càng trở nên quan trọng và không thể thiếu trong lĩnh vực đầu tư công. Ảnh minh họa: TTXVN

Có thể kể tới ngành bán lẻ, trước đây nếu là các cửa hàng mậu dịch quốc doanh thì nay đã được thay thế bởi các siêu thị, chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại.

Tương tự trong ngành vận tải, nếu trước đây là các doanh nghiệp vận tải quốc doanh thì nay là hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp taxi, xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch, xe container, xe tải phục vụ hầu hết mọi nhu cầu của xã hội.

Cùng với sự tham gia ngày càng nhiều của khu vực tư nhân trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế và kể cả ở một số ngành, lĩnh vực vốn  chỉ dành cho các doanh nghiệp Nhà nước như đầu tư sân bay, cảng biển, hạ tầng giao thông, hàng không, điện lực, y tế, giáo dục, thể thao, điện ảnh, công chứng... rõ ràng, vai trò của khu vực tư nhân đã ngày càng trở nên quan trọng và không thể thiếu trong lĩnh vực đầu tư công.

Đây là nhận định chung của hầu hết các đại biểu, diễn giả tham gia hội thảo “Vai trò của tư nhân trong cung cấp dịch vụ công” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa tổ chức hôm nay, ngày 15/5 tại Hà Nội.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định, mặc dù không thể phủ nhận vai trò ngày càng to lớn và không thể thiếu của khu vực tư nhân, song còn rất nhiều dịch vụ công đang do các cơ quan Nhà nước thực hiện; nguy cơ gây ra tình trạng không minh bạch (như vừa cấp phép vừa thẩm định năng lực…).

Nhiều dịch vụ có tính “đăng ký”, “thông báo” nhưng trên thực tế lại biến thành “xin-cho”. Các điều kiện cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ban hành và cũng chính các cơ quan Nhà nước các cấp trực tiếp thực hiện.
Ông Lộc nhấn mạnh, thực tế cho thấy, việc phá bỏ tính độc quyền, bao cấp của Nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ công đã trở thành yêu cầu cấp thiết; đồng thời cần huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào cung cấp các dịch vụ công sẽ mang đến nhiều lợi ích.

"Đặc biệt, lợi ich quan trọng nhất là “thoái sức” Nhà nước khỏi lĩnh vực dịch vụ công không cần thiết; thu gọn bộ máy quản lý Nhà nước theo đúng chức năng cốt lõi. Bộ máy Nhà nước cần tập trung vào việc xây dựng và hoàn thiện thể chế. Bởi, thể chế là yếu tố quyết định cạnh tranh quốc gia”, ông Lộc nêu.
Cùng chung quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (VCCI) nêu điển hình, trong lĩnh vực hàng không, nhờ có sự tham gia của những “người chơi mới” như BamBoo Airways đã khiến cho các doanh nghiệp Nhà nước buộc phải chuyển mình.

Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, trước đây, nguồn vốn đầu tư cho chủ yếu do Nhà nước cấp, tuy nhiên, trong bối cảnh trần nợ công tăng cao và các nguồn vốn vay ưu đãi đã hết, thì việc huy động tư nhân tham gia vào các dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức BOT đã góp phần cải thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng các công trình giao thông và có nhiều hơn các tuyến đường cao tốc…
Rõ ràng, việc khu vực tư nhân tham gia vào cung cấp dịch vụ công, không chỉ góp phần gia tăng nguồn vốn đầu tư để phát triển kinh tế, nâng cao trình độ quản trị mà còn tạo động lực cạnh tranh khiến tất cả các đơn vị khi muốn tham gia cung cấp dịch vụ cũng đều phải nỗ lực để đưa ra được chất lượng tốt với giá thành phải chăng, ông Tuấn nêu rõ.
Từ nghiên cứu của mình, ông Đoàn Tiến Giang, Chuyên gia nghiên cứu PPP của USAID cho rằng, với sự tham gia của khu vực tư nhân vào cung cấp dịch vụ công hay còn gọi là “thuê ngoài” sẽ đem lại những lợi ích thiết thực như tiết kiệm chi phí, tăng trách nhiệm giải trình, khả năng quản lý tốt hơn, tiếp cận được chuyên môn và kỹ năng tốt hơn; việc sử dụng nguồn vốn và thiết bị hiệu quả hơn, chất lượng dịch vụ tốt hơn và linh hoạt hơn.

Tuy nhiên có thể dẫn tới một số nguy cơ như tính bảo mật giảm, khả năng cao có sự thông đồng trong đấu thầu và các thủ tục liên quan, mất kiểm soát, chi phí tài chính và tác động đến việc làm
Để lựa chọn lĩnh vực giao cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư và cung cấp mang lại hiệu quả cao nhất, theo ông Giang, cần cân nhắc một số yếu tố như tính lâu dài của dịch vụ, các hạn chế về pháp lý và chính sách, mức độ rủi ro, khả năng đánh giá chất lượng dịch vụ, mức độ cạnh tranh, khả năng thay đổi hợp đồng, tác động đến các kỹ năng và chuyên môn chuyên ngành, khả năng quản lý hợp đồng hay chi phí và hiệu quả của việc đấu thầu cạnh tranh…
Từ thực tiễn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam chia sẻ những khó khăn khi doanh nghiệp tư nhân bắt đầu tham gia vào cung cấp dịch vụ y tế. Từ việc xin giấy phép thành lập bệnh viện tư nhân hồi những năm 2003 đã không hề dễ dàng đơn giản do Nhà nước có tâm lý "giữ" cho bệnh viện công.

Để có được giấy phép cho bệnh viện của mình, doanh nghiệp đã phải đề xuất, kiến nghị rất nhiều lên tất cả các cấp chính quyền và cuối cùng cũng đã có được giấy phép hoạt động.
Trong việc xã hội hóa cung cấp dịch vụ khoa học kỹ thuật, ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng thư ký Hội các phòng thử nghiệm Việt Nam – VinaLAB kiêm Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert, cho hay, xã hội hoá dịch vụ khoa học công nghệ của Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn một số điểm hạn chế, nếu không muốn nói là "nửa vời", gây cản trở rất lớn để thúc đẩy tư nhân đầu tư trong lĩnh vực này.

Các tổ chức thử nghiệm muốn cung cấp dịch vụ phải đăng ký từng phép thử với cơ quan quản lý Nhà nước. Khi đăng ký phải nộp rất nhiều hồ sơ phê duyệt phương pháp.

Ngoài ra, các tổ chức thử nghiệm muốn cung cấp dịch vụ phải có chức năng và năng lực được công nhận bởi tổ chức công nhận độc lập mà điều này phải chịu giám sát bởi các tổ chức thừa nhận quốc tế.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý đã không thừa nhận mà lại yêu cầu nộp hồ sơ phê duyệt phương pháp dẫn đến mất tính chủ động của các phòng thử nghiệm, mất tính tự chủ và nhiều khi quay lại làm cản trở các cơ quan quản lý Nhà nước khi muốn triển khai phép thử mới để thử nghiệm các vấn đề phát sinh mới…
Theo ý kiến của các chuyên gia, kinh nghiệm thế giới cũng như thực tiễn qua nhiều lĩnh vực ở Việt đã khẳng định việc khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công không có nghĩa là Nhà nước không làm gì, không còn vai trò gì.
Kết quả khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp cùng với Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, hầu hết những người được hỏi dù đều tin tưởng vào nền kinh tế thị trường, ở đó các doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò chính trong việc cung cấp hàng hoá, dịch vụ.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến quan ngại về nguy cơ khi tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công có thể dẫn tới tăng giá dịch vụ, khó kiểm soát chất lượng, nguy cơ lừa đảo, gian dối trong kinh doanh, thậm chí cả tình trạng độc quyền, tham nhũng, doanh nghiệp sân sau…
Vì lẽ đó, ông Vũ Tiến Lộc khuyến nghị cần tăng cường hơn nữa vai trò định hướng, tạo cơ chế và giám sát hiệu quả đối với khu vực kinh tế tư nhân khi tham gia đầu tư dịch vụ công, để khu vực này có thêm nhiều cơ hội và hoạt động hiệu quả khi đầu tư dịch vụ công.
Tới đây, nhiệm vụ của các bộ, ngành và địa phương không còn làm những dịch  dịch vụ  mà kinh tế tư nhân hoàn toàn có thể đảm nhiệm, giảm tình trạng   “vừa đá bóng vừa thổi còi” ,  tập trung vào việc xây dựng thể chế để thị trường có thể vận hành hiệu quả, ông Lộc nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục